Để nhà giáo có vị thế xứng đáng trong xã hội

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 9 chương, 50 điều. Nội dung của luật không chỉ liên quan đến 1,6 triệu nhà giáo hiện tại mà còn tác động tới sự phát triển đội ngũ nhà giáo trong tương lai nên đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của không chỉ đội ngũ giáo viên mà của cả xã hội.

Trong dự thảo luật, lần đầu tiên vị thế nhà giáo đã được luật hóa một cách cụ thể, góp phần thúc đẩy phát triển đội ngũ nhà giáo, thu hút người có trình độ, tâm huyết vào nghề và “giữ chân” được đội ngũ nhà giáo...

1. Là người từng công tác lâu năm trong ngành giáo dục, tôi rất tâm đắc với ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối tháng 10 vừa qua rằng: Luật Nhà giáo là công cụ quan trọng, căn cứ pháp lý để phát triển lực lượng nhà giáo, nguyên tắc trụ cột được ban soạn thảo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thống nhất: xây dựng luật để xác định vị thế, vai trò của nhà giáo; xác định rõ quan điểm phát huy vai trò quyết định trong bảo đảm chất lượng giáo dục của nhà giáo; tạo cơ chế môi trường phát triển lực lượng nhà giáo; phân cấp phân quyền trong việc đào tạo, sử dụng, quản lý và động viên tôn vinh nhà giáo.

Nhấn mạnh quá trình đổi mới giáo dục đại học và giáo dục phổ thông cho thấy vai trò quan trọng có tính quyết định của lực lượng nhà giáo, Bộ trưởng cho rằng, đổi mới giáo dục chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý về mặt chuyên môn. Do đó, câu chuyện quản lý nguồn lực quan trọng nhất của ngành là quản lý nhà giáo cũng phải chuyển tư duy từ quản lý hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và bằng chất lượng.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức sáng 18/11.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức sáng 18/11.

Có 3 vấn đề quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục để đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước trong quá trình hội nhập với thế giới hiện nay là xây dựng đội ngũ nhà giáo “vừa hồng vừa chuyên” đủ sức là động lực xây dựng một nền giáo dục nhân văn, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; xác định vai trò quản lý nhà nước và sự giám sát của xã hội với giáo dục; xác định cơ chế, quy trình đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo.

Trước hết, xác định rõ hình mẫu nhà giáo.

Nhà giáo là người tham gia vào sự nghiệp trồng người, trực tiếp tham gia giáo dục, rèn luyện những người học về đạo đức, về kiến thức, kỹ năng để người học - nhất là thế hệ trẻ được phát triển toàn diện với tư duy sáng tạo, trở thành nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Nhà giáo cần có phẩm chất đạo đức để người học noi theo, nghĩa là phải là một công dân tốt có lòng yêu nước thương dân, yêu người, yêu nghề, coi trọng việc dạy học là lý tưởng của đời mình, phải là con người thấm đẫm tư tưởng nhân văn.

Nhà giáo muốn làm tốt nhiệm vụ của người thầy phải nắm vững chuyên môn mình giảng dạy, có phương pháp, tư duy sáng tạo để có phương pháp truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất, kết hợp truyền đạt kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng sống, truyền được cảm hứng học tập cho người học.

Người thầy cần có mối quan hệ tốt đẹp trong môi trường giáo dục: khiêm tốn học hỏi, đoàn kết với đồng nghiệp, thương yêu người học, đối xử bình đẳng với người học.

Người thầy trong mối quan hệ xã hội phải giữ gìn phẩm hạnh, tự hào với nghề nghiệp, biết trân quý những tình cảm của người học và của nhân dân với bản thân và nghề dạy học.

Tóm lại, người thầy phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, với vai trò của người thầy trong sự nghiệp trồng người.

2. Để có đội ngũ nhà giáo tài năng, đức độ trong sự nghiệp đổi mới GD-ĐT hiện nay cần làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà giáo. Có ý kiến cho rằng những vấn đề đó đã có trong Luật Viên chức và các văn bản pháp quy liên quan. Theo tôi, nhà giáo lao động trong lĩnh vực đặc thù: dạy người, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển của đất nước; nên cần có những quy định cụ thể hơn.

Để đảm bảo phát huy được vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà cần chú ý đến việc xác định những quyền cơ bản liên quan đến công việc của nhà giáo như: quyền thực hiện một cách tự chủ và sáng tạo trong quá trình giảng dạy; quyền chủ động trong đánh giá, xem xét khen thưởng, kỷ luật với người học; quyền được học hỏi, bồi dưỡng những kiến thức mới, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi khoa học kỹ thuật đã bước sáng kỷ nguyên công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo...

Trong quá trình đất nước đổi mới, bên cạnh những tính tích cực của nền kinh tế, còn có nhiều biểu hiện lệch lạc, sa sút về giá trị đạo đức, nên có không ít hiện tượng xâm phạm đến thân thể, tinh thần nhà giáo; cần quan tâm bảo vệ nhà giáo thể hiện sự tôn vinh với người tham gia sự nghiệp GD-ĐT...

3. Quyền luôn gắn liền với nghĩa vụ, vì vậy, khi xác định những quyền của nhà giáo thì cũng cần xác định nghĩa vụ của nhà giáo.

Ngoài những nghĩa vụ theo yêu cầu của viên chức, nhà giáo với đặc thù nghề nghiệp phải tuân thủ các hoạt động giáo dục đúng mục tiêu nguyên lý giáo dục mà Đảng và Nhà nước đã xác định; thực hiện các yêu cầu về phẩm chất đạo đức nhà giáo; quan tâm đến người học, phát hiện bồi dưỡng những năng lực tốt của người học, đối xử bình đẳng với người học. Do đặc thù của hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục phải được nhà giáo chăm lo xây dựng, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ giáo dục mà cấp có thẩm quyền giao phó.

Trong quá trình hoạt động giảng dạy, tham gia đào tạo, nhà giáo ngoài việc thực hiện những quy định về viên chức không được làm, còn cần phải thực hiện những việc không được làm khác nữa. Bộ GD-ĐT cần ra các văn bản pháp quy yêu cầu nhà giáo không được làm trong quá trình đang hoạt động GD-ĐT để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiểu mẫu, xứng đáng với nghề dạy người.

Việc đầu tư cho giáo dục đã được xác định trong nhiều nghị quyết của Đảng nhưng chưa được đầu tư đúng tầm. Đầu tư cho giáo dục phải chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng nhiều năm qua chưa đạt được chỉ tiêu đó (năm cao nhất cũng chỉ đạt 18%). Vì thế mà chưa giải quyết được vấn đề thu nhập của giáo viên phải đủ sức hấp dẫn để giữ chân nhà giáo, nhất là những nhà giáo giỏi ở trong ngành. Tôi rất tâm đắc với việc xác định lương giáo viên phải được xếp ở bậc cao nhất trong bảng lương viên chức; đồng thời nên giữ việc tính thâm niên của giáo viên trong việc phụ cấp nghề nghiệp vì nhà giáo càng làm lâu năm càng có kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục.

Thực tế những năm vừa qua cho thấy vai trò quản lý nhà nước về giáo dục chưa tốt. Ở bậc phổ thông, việc tuyển dụng giáo viên còn bất cập, vai trò của cơ quan chuyên môn chưa được chú trọng (nhiều nơi Sở Nội vụ không chú ý đến ý kiến của Sở GD-ĐT), vì thế nên giao cho cơ quan quản lý giáo dục thẩm quyền quyết định, cơ quan nội vụ chỉ giữ vai trò giám sát để đảm bảo sự công bằng, đúng quy trình tuyển dụng. Đối với việc đề bạt bổ nhiệm cán bộ quản lý ở cấp trường, cấp phòng, cấp sở cũng xác định rõ uy tín chuyên môn của người được bổ nhiệm, như thế mới chọn được người giỏi về chuyên môn làm cán bộ quản lý giáo dục. Tạo điều kiện cho ngành giáo dục được chủ động phân bổ đội ngũ giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu và tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên cho nơi yếu kém.

Đối với cán bộ quản lý ở các trường ngoài công lập nên xác định rõ yêu cầu về trình độ quản lý ở lĩnh vực giáo dục đối với những người đứng đầu ở cơ sở GD-ĐT đó (hiệu trưởng trường phổ thông từng cấp, hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở đào tạo đại học, viện nghiên cứu).

4. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm khi coi nhà giáo cũng là nhà khoa học. Thực tế, thầy, cô giáo muốn dạy giỏi, là người truyền cảm hứng cho người học, phải luôn là người thầy tìm tòi học hỏi được phương pháp sư phạm hay. Hiện ở nước ta còn chưa chú trọng tạo điều kiện, động lực cho các thầy, cô giáo có những công trình nghiên cứu khoa học giáo dục để làm giáo trình cho các nhà giáo làm theo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thời của công nghệ số, của trí tuệ nhân tạo càng đòi hỏi nhà giáo phải thích ứng với sự phát triển của khoa học để hướng dẫn, truyền cảm hứng cho người học tiếp cận nhanh với các thành tựu khoa học. Ngày nay khoa học đang phát triển như vũ bão, nước ta cần có các nhà giáo vừa là nhà khoa học và các nhà khoa học cũng là các nhà giáo để có một nền giáo dục phát triển, hoàn toàn có thể chủ động trong đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng khi chưa sử dụng hết tiềm năng chất xám của các nhà giáo đã được nghỉ hưu. Nên chăng, có cơ chế huy động được những nhà giáo cao tuổi nhưng còn sức khỏe, trí tuệ tham gia vào các hoạt động giáo dục mang tính xã hội để xây dựng được phong trào học tập suốt đời, nhất là khi nước ta bắt đầu vào thời kỳ già hóa dân số...

Trong nền giáo dục của nước ta hiện nay, việc ứng dụng khoa học giáo dục tiên tiến của thế giới vào giáo dục nước nhà còn hạn chế. Việc giao lưu, học hỏi nền giáo dục tiên tiến hiện đại trên thế giới cần được chú trọng, cần có cơ chế chính sách để các nhà giáo giỏi (các giáo sư đầu ngành) được đi tham quan, học tập ở nước ngoài, khuyến khích những công trình nghiên cứu có hiệu quả khi áp dụng ở trong nước với những phần thưởng và sự vinh danh xứng đáng. Chú trọng tạo điều kiện để có môi trường nghiên cứu tự do, khuyến khích sự sáng tạo, không sợ rủi ro để có nhiều công trình nghiên cứu khoa học góp phần vào sự phát triển của đất nước để thực hiện mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, một nước có nền khoa học phát triển vươn tầm với các nước lớn mạnh trên thế giới.

Trần Bá Giao - Nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/de-nha-giao-co-vi-the-xung-dang-trong-xa-hoi-i751635/
Zalo