Để người trẻ say mê phim tài liệu lịch sử

Đề tài phim lịch sử và chiến tranh cách mạng khi nhắc đến nhiều người sẽ nghĩ tới những bộ phim khô khan. Thế nhưng nhiều đạo diễn vẫn hoạt động say mê, cống hiến để đưa thể loại này đến gần hơn với khán giả.

Đạo diễn Trần Quốc Sơn (đeo kính) cùng cộng sự tại Lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật TPHCM lần thứ 3 năm 2024. Ảnh: Hồng Phúc.

Đạo diễn Trần Quốc Sơn (đeo kính) cùng cộng sự tại Lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật TPHCM lần thứ 3 năm 2024. Ảnh: Hồng Phúc.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với đạo diễn, nhà biên kịch Trần Quốc Sơn (Đài Truyền hình TPHCM) - người vừa liên tiếp nhận 2 giải thưởng tại Lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật TPHCM lần thứ 3 năm 2024 về vấn đề này.

PV: Được biết tại Lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật TPHCM lần thứ 3 năm 2024 vừa diễn ra, ông đã được trao liên tiếp 2 giải thưởng với các tác phẩm phim điện ảnh “Danh họa Diệp Minh Châu” và “Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên” cùng nhóm đạo diễn và quay phim của Hãng phim Giải phóng. Ông có thể chia sẻ thêm về các bộ phim vừa được trao giải?

Đạo diễn, nhà biên kịch Trần Quốc Sơn: Trước khi thực hiện bộ phim “Danh họa Diệp Minh Châu”, tôi đã đi thực tế và nghiên cứu tư liệu. Tôi nghĩ rằng, Diệp Minh Châu không chỉ là một họa sĩ thành công với đề tài Bác Hồ, đề tài miền Nam, ông còn là nhà điêu khắc tên tuổi trong giới nghệ thuật tạo hình. Nhiều tác phẩm của ông đã đi vào lịch sử, trở thành tài sản quý của nhiều bảo tàng mỹ thuật lớn trong nước… Dù là nghệ sĩ cầm cọ, trong hoàn cảnh chiến tranh, Diệp Minh Châu vẫn hăng hái hoạt động trong phong trào yêu nước và sát cánh theo từng bước đi của nhân dân trong cuộc đấu tranh trừ giặc giữ nước. Được đi theo những đơn vị Vệ quốc đoàn, đến nhiều nơi như: Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc và vùng Đồng Tháp Mười… Bộ phim này, chúng tôi khởi quay từ năm 2018 và hoàn thành năm 2022.

Còn bộ phim điện ảnh “Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên”, tôi rất vui được phối hợp và làm việc chung với nhà quay phim Lâm Lê Dũng (con trai út của nhạc sĩ Hoàng Việt). Chúng tôi làm việc rất ăn ý và bộ phim đã được hoàn thành vào 2018. Chúng tôi lấy bối cảnh 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Phải nói rằng, từ lâu, âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã được giới thiệu trên một số tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cũng đã được một số nhạc sĩ khai thác và sử dụng chất liệu của nó để sáng tạo nên một số tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo người yêu thích âm nhạc trong cả nước đón nhận một cách trân trọng. Và cũng chính từ hiểu biết về Tây Nguyên và những cảm xúc đó, chúng tôi thống nhất đặt tên cho phim là “Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên”…

Theo ông, điều gì khiến các đạo diễn trẻ ít quan tâm chủ đề này, đồng thời các khán giả trẻ cũng còn thiếu mặn mà, say mê?

- Tôi xin dẫn chứng vào một số tác phẩm phim tài liệu mà chúng tôi đã thực hiện. Chẳng hạn, nếu các bộ phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm”, “60 năm đường Trường Sơn huyền thoại” cho khán giả cái nhìn toàn diện về lực lượng quân đội trên các mặt trận và ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, cho dù có hy sinh, gian khổ; thì phim tài liệu “Cánh võng tình người” lại khẳng định tinh thần gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa của bộ đội Cụ Hồ. Riêng bộ phim “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm” mang đến thông điệp hòa hợp dân tộc. Đồng thời, còn truyền tải thông điệp truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Đây là những tác phẩm có số lượng khán giả trẻ quan tâm, theo dõi rất đông thông qua các khảo sát “hậu” công chiếu.

Như vậy, không phải là không thể hấp dẫn được đối tượng khán giả trẻ đối với đề tài phim lịch sử. Mà bởi vì, bản thân đạo diễn cần phải dồn tâm huyết vào từng ý tưởng, đề cương, kịch bản. Các quay phim cũng cần dành nhiều thời gian để đi thực tế, bám sát đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay, các đạo diễn trẻ cần khắt khe hơn ngay từ khâu lên phương án sản xuất phim để các bộ phim ra mắt đúng vào các dịp kỷ niệm, tuyên truyền. Và điều quan trọng nhất, đạo diễn cần luôn lắng nghe các góp ý của khán giả, để các tác phẩm phản ánh chân thực và sâu sắc đời sống huấn luyện, chiến đấu, tâm tư tình cảm của người lính, các giá trị nhân văn cao đẹp của người lính, cũng như các đề tài phim lịch sử nói chung.

Theo đuổi đề tài phim lịch sử và chiến tranh cách mạng, ông chia sẻ thêm về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất. Đồng thời, ông có đánh giá gì về xu thế làm phim tài liệu lịch sử trên thế giới hiện nay?

- Đúng là ngoài đam mê với phim tài liệu về đề tài này, chúng tôi còn gặp một số khó khăn trong quá trình sản xuất phim, nhất là vấn đề kinh phí. Kế đến, công nghệ truyền hình phát triển với tốc độ nhanh, một số trang thiết bị của đơn vị không còn phù hợp. Bên cạnh đó, khán giả ngày nay tương đối am hiểu về điện ảnh truyền hình và có tiêu chí thẩm mỹ đa dạng. Làm phim về lịch sử chiến tranh cách mạng sao cho hấp dẫn cũng là một thử thách. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, phương thức tiếp cận thông tin của khán giả đã thay đổi nhiều, mở rộng trên nhiều nền tảng. Điều đó cũng đặt ra nhiều thử thách trong tuyên truyền các tác phẩm.

Chúng tôi xác định mảng đề tài về người lính, chiến tranh cách mạng là mảng đề tài máu thịt của mình, nhưng đây cũng là thử thách lớn đối với người nghệ sĩ. Để tìm được những chất liệu mới, câu chuyện mới về người lính, đòi hỏi biên kịch, đạo diễn phải có kiến thức, trải nghiệm đi thực tế nhiều, từ đó tìm và chắt lọc những nét mới, phản ánh chân thực thực tiễn.

Hiện nay, trước xu thế làm phim tài liệu hiện đại của thế giới, chúng tôi cũng phải không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ, tiếp cận gần hơn với trình độ làm phim hiện đại của thế giới. Bản thân đạo diễn, quay phim phải chịu khó hơn để tìm tòi đổi mới cách kể chuyện, dấn thân vào đề tài khó, thậm chí gai góc, với thái độ tôn trọng sự thật, không lên gân. Từ đó, để bộ phim tự nói lên nội dung cần truyền tải, cuốn hút nhiều đối tượng người xem, nhất là khán giả trẻ.

Xin cảm ơn ông!

Thành Luân (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-nguoi-tre-say-me-phim-tai-lieu-lich-su-10295759.html
Zalo