Để người trẻ bớt ngại đọc sách
Hiện nhiều người trẻ có thể dành hàng giờ để lướt mạng xã hội, xem video ngắn, chơi game nhưng lại ngại ngần khi cầm một cuốn sách. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách của người trẻ, nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn.

Các bạn trẻ tại một hội sách ở Hà Nội. Ảnh: Hà Thư.
Ý kiến một số chuyên gia cho rằng, việc nhiều bạn trẻ "nghiện" mạng xã hội nhưng lại lười đọc sách không hẳn là do họ không thích đọc mà có thể là vì cách sách tiếp cận họ chưa đủ hấp dẫn.
Vì vậy, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 2/5 trên toàn quốc với khá nhiều nét mới như hội thảo, thảo luận, trao đổi kiến thức về xu hướng đọc, chia sẻ các thông tin về cách sử dụng công nghệ và nền tảng số đọc điện tử mới để khuyến khích việc đọc sách; thành lập các câu lạc bộ, các nhóm đọc sách trực tuyến để thảo luận về tác phẩm thông qua các nền tảng Zoom, Skype, Google Meet.
Đây có thể nói là những thông điệp mạnh mẽ, sáng kiến phù hợp trong thời đại 4.0. Việc nhiều bạn trẻ không thể dành thời gian đọc sách nhưng vẫn tranh thủ lướt mạng xã hội, xem video ngắn hoặc chơi game… cũng không có gì khó hiểu, bởi các thông tin họ tiếp cận trên mạng xã hội quá phong phú với các nội dung ngắn, dễ hiểu, nhiều hình ảnh, video sinh động. Chỉ cần vài phút là họ có thể xem xong một video hoặc một bài viết, còn đọc sách thì cần tập trung và thời gian hơn nhiều, tĩnh hơn, tập trung hơn.
Ngoài ra, mạng xã hội còn cho phép người xem có thể tương tác tức thì, tạo cho họ cảm giác được kết nối liên tục, bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình… qua việc like, bình luận. Có thể nói, mạng xã hội có quá nhiều cách để "chiều chuộng" tâm lý người dùng, trong khi, những cuốn sách chỉ có thể tiếp cận họ theo một số cách truyền thống.
Vậy làm sao để khơi dậy niềm đam mê đọc sách? Ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, trước hết cần mang đến cho giới trẻ những cuốn sách thực sự gần gũi và phù hợp với tâm lý, nhu cầu của họ như sách về phát triển bản thân, tâm lý, kỹ năng sống hay những câu chuyện truyền cảm hứng. Những cuốn sách nói về các vấn đề giới trẻ quan tâm, tình yêu, nghề nghiệp, hay chuyện đời thường với ngôn ngữ trẻ trung, câu chữ ngắn gọn cũng sẽ dễ thu hút họ hơn.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ như sách nói, sách điện tử cũng sẽ giúp việc đọc trở nên dễ tiếp cận hơn. Review sách trên mạng xã hội cũng là một cách làm hiệu quả. Cùng với đó, các câu lạc bộ đọc sách hay những không gian đọc đẹp, chill chắc chắn sẽ giúp người trẻ có cảm hứng đọc hơn.
Quan trọng hơn, hãy để sách trở thành một trải nghiệm thú vị, để người trẻ tìm đến sách như một khám phá, nhu cầu tự nhiên chứ không phải là nghĩa vụ tìm kiếm tri thức một cách cứng nhắc.
Nói như một số chuyên gia truyền thông văn hóa, thì văn hóa đọc không thể phát triển nếu sách bị coi là “cao siêu”. Vì vậy, cần có thêm những đầu sách trẻ trung, bắt trend, thậm chí có thể là sách tranh, nội dung ngắn gọn nhưng sâu sắc. Ngoài ra, chúng ta cũng ta cần đưa sách vào đời sống số. Các nền tảng như TikTok, YouTube, Instagram hoàn toàn có thể trở thành nơi lan tỏa văn hóa đọc nếu biết cách truyền tải thông minh và sáng tạo. Lúc đó, tự thân sách sẽ có cách hấp dẫn người trẻ, bởi nó tiếp cận theo đúng cách họ đang sống: qua app, podcast, mạng xã hội...