Để người nông dân phát huy thế mạnh bằng nghề của mình

Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL mang lại triển vọng phát triển cây lúa bền vững, tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để người nông dân phát huy thế mạnh bằng nghề nông nghiệp.

Toàn cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Toàn cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Chiều 26/8, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có cuộc họp với đoàn Đại biểu quốc hội 12 tỉnh/thành phố tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Đề án trước mắt tập trung tại vùng ĐBSCL do đây là vựa lúa quan trọng của Việt Nam, chiếm tới 50% sản lượng lúa gạo cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu, nhưng vùng lại đang đối mặt với các áp lực lớn từ biến đổi khí hậu như cạn kiệt tài nguyên nước...

Đề án được triển khai thành công sẽ là tiền đề để triển khai tại các ngành hàng khác như thủy sản, đồng thời có thể nhân rộng việc thực hiện đề án lúa gạo tại các vùng ngoài khu vực ĐBSCL.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp một lần nữa nhấn mạnh, canh tác giảm phát thải hướng đến tăng trưởng xanh chỉ là một trong những mục tiêu của Đề án, cao hơn nữa đây sẽ là dịp để cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo tại vùng ĐBSCL.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Hà Thị Nga hy vọng, Đề án giúp người nông dân phát huy thế mạnh của mình tại vùng đất trù phú của tổ quốc.

“Khi tôi đi khảo sát các địa bàn tại tỉnh Đồng Tháp, người nông dân đều mong muốn có thể sống được bằng nghề của mình, có thể phát triển lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL,” bà Hà Thị Nga chia sẻ.

Nói về khó khăn trong việc triển khai Đề án, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết, địa phương đang thiếu đội ngũ kỹ thuật viên và chuyên gia nông nghiệp có trình độ, điều này ảnh hướng đến chuyển giao công nghệ ngành hàng lúa gạo tại tỉnh.

Tại buổi trao đổi, đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng nêu ý kiến về việc hỗ trợ nguồn nhân lực cho địa phương; sau 9 tháng triển khai Đề án đến hiện tại vấn đề đầu tư hạ tầng diễn ra như thế nào....

Liên quan đến vấn đề hạ tầng, theo Bộ NN&PTNT, hiện nay Bộ đã lên ý tưởng và từng bước chuẩn bị dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL”. Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, tập trung vào hạ tầng thủy lợi và công trình giao thông đi kèm và áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trong sản xuất lúa.

Nguồn vốn dự kiến ban đầu là 430 triệu USD (tương ứng 10.363 tỷ đồng), trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank) là 330 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ và địa phương là 100 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài 6 năm, từ năm 2026 – 2031 tại 12 tỉnh ĐBSCL.

Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023 với mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị của ngành hàng.

Đề án được triển khai tại 12 tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (không bao gồm tỉnh Bến Tre) theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 – 2025 tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha.

Giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2030, xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 ha.

Đề án đến hiện tại đã được triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp. Trong đó, mô hình thí điểm canh tác lúa thuộc Đề án tại TP Cần Thơ vụ Hè thu 2024 đã thu hoạch với kết quả tích cực.

Theo đó, tổng chi phí đầu vào giảm khoảng 10 - 15% so với mô hình đối chứng, lượng giống sử dụng giảm 2 – 2,5 lần so với vụ trước, chỉ còn 60 kg/ha. Lượng phân đạm giảm 30%, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm 2- 3 lần phun. Lượng nước tưới giảm khoảng 30 – 40%. Năng suất mùa vụ tăng 10,5%, lợi nhuận mô hình điểm cao hơn 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha, tương ứng 6,6 - 31,5%.

Giảm từ 2- 12 tấn Co2/ha so với mô hình đối chứng. Trong đó, giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm ra khỏi đồng ruộng; giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng chứng ngập liên tục, áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/de-nguoi-nong-dan-phat-huy-the-manh-bang-nghe-cua-minh-32800.html
Zalo