Đề ngữ văn quen thuộc, thí sinh Hà Nội tự tin giành điểm tốt

Sáng nay, hơn một triệu thí sinh trên cả nước hoàn thành bài thi ngữ văn - bài thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024.

Đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đây cũng là bài thi duy nhất thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Rời điểm thi trong tâm trạng khá thoải mái, nhiều thí sinh trên địa bàn Hà Nội có chung nhận xét, sự xuất hiện của tác phẩm “Đất nước” trong đề thi ngữ văn không khiến nhiều thí sinh bất ngờ. Nhiều em còn vui vẻ cho biết đã “trúng tủ” ngay trong môn thi đầu tiên.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái.

Em Nguyễn Anh Tuấn, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) cho biết, đề thi môn ngữ văn vẫn có cấu trúc quen thuộc với các phần gồm đọc hiểu, viết đoạn văn nghị luận xã hội, viết bài văn nghị luận văn học. “Em khá hài lòng với bài làm của mình và dự đoán đạt khoảng 8,0 điểm. Kết quả bài làm môn ngữ văn giúp em tự tin và quyết tâm tiếp tục cố gắng làm tốt bài thi các môn tiếp theo” - Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Nhận định về đề thi môn ngữ văn, theo một số giáo viên, đề thi bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT, cũng phù hợp với yêu cầu cho kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn ngữ văn, Hệ thống giáo dục Hocmai nhận xét, đề thi bám sát cấu trúc đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Ở phần I - Đọc hiểu gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Vẫn như những năm trước, các câu hỏi nhận biết về nội dung văn bản thực chất chỉ cần “nhận biết” và chép lại một chi tiết của đoạn trích, đó là yêu cầu có thể thực hiện quá mức dễ dàng.

Ở câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn trích “Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất”. Thí sinh không khó khi tìm thấy thông điệp, bài học cho lối sống của bản thân mình - đó là bài học về sự tồn tại có ý nghĩa khi gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng. Đây là câu hỏi có khả năng phân loại học sinh tương đối tốt khi hướng trả lời, cách lập luận phụ thuộc nhiều vào tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ của học sinh.

Ở phần II - Làm văn, yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”. Đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới thành công.

Nhìn chung, đề thi ngữ văn bảo bảo đảm các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.

“Bắt đầu từ năm 2025, khi ngành Giáo dục hoàn chỉnh một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của Chương trình giáo dục 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, hy vọng đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn” - Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết nhận định.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-ngu-van-quen-thuoc-thi-sinh-ha-noi-tu-tin-gianh-diem-tot-670452.html
Zalo