Ðổi thay nông thôn mới vùng biên

Bù Gia Mập là huyện biên giới khó khăn với hơn 36% số dân là người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay kết cấu hạ tầng tại các địa phương của huyện được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, cùng với sự nỗ lực của người dân đã làm đổi thay diện mạo nông thôn vùng biên giới này.

Ðổi thay rõ nét

Đến trung tâm hành chính xã biên giới Đắk Ơ, điều ai cũng dễ dàng nhận thấy là công viên văn hóa xã được xây dựng khang trang, hiện đại. Công viên rộng 4.700m2, thoáng đãng, ngay trung tâm xã nên tạo thuận lợi cho người dân đến tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng.

Người dân đến rèn luyện sức khỏe mỗi ngày tại công viên văn hóa xã Đắk Ơ

Công viên văn hóa xã Đắk Ơ được xây dựng ngay trung tâm xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng

Công viên văn hóa xã Đắk Ơ được xây dựng ngay trung tâm xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng

Tham gia tập luyện sức khỏe mỗi ngày tại công viên văn hóa xã, bà Ngô Thị Thanh Vân, ngụ thôn Đắk Lim không giấu được niềm vui xen lẫn tự hào: Là xã nghèo vùng sâu nên những năm trước khu vực này đìu hiu, vắng vẻ lắm. Từ ngày có công viên, nơi đây trở nên sầm uất không khác thành thị. Được sự quan tâm đầu tư như thế này không chỉ thiếu nhi, thanh thiếu niên mà người lớn tuổi như tôi rất phấn khởi vì được giải trí, rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Ông Võ Đình Hải, người được giao quản lý công viên cho biết: Công viên được xây dựng, đưa vào sử dụng trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi người dân, ai nấy đều phấn khởi. Đặc biệt là thu hút các đội, nhóm, câu lạc bộ đến vui chơi, sinh hoạt cộng đồng vào sáng sớm và chiều tối. Công viên văn hóa còn là nơi để xã tổ chức các sự kiện, lễ kỷ niệm trong năm. Đây cũng là điểm nhấn nổi bật của xã Đắk Ơ trong xây dựng NTM.

Cùng với công viên văn hóa, hệ thống hạ tầng cơ sở khác như điện, trường học, nhà văn hóa các thôn, đường giao thông cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đạt chuẩn theo quy định.

Tại Trường THCS Đắk Ơ, từ vốn NTM, năm 2023, trường được đầu tư xây dựng 20 phòng học, nhà thi đấu đa năng, sân bê tông, hàng rào, mua sắm đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy - học cùng nhiều công trình, hạng mục khác. Nhờ đó, không chỉ đảm bảo tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục.

“Được đầu tư xây dựng đồng bộ, mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học nên chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt. Cụ thể, năm học 2023-2024, trường dẫn đầu toàn huyện về học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa, đứng nhì hội khỏe Phù Đổng; cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải khuyến khích. Cùng với đó, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên với số lượng học sinh xuất sắc, giỏi tăng, học sinh yếu giảm” - thầy Bùi Văn Giang, Hiệu phó Trường THCS Đắk Ơ tự hào.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị lớp học tại Trường THCS Ðắk Ơ được mua sắm đầy đủ tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục

Xã Đắk Ơ có 12 thôn thì các nhà văn hóa đều được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, đưa diện mạo các khu dân cư cũng như toàn xã khang trang hơn. Cùng với đó, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng xuyên suốt, kết nối thông thương. Riêng tại thôn Bù Xia, năm 2023 đã được đầu tư xây dựng 3 tuyến với hơn 4km đường nhựa. Từ đó tạo thuận lợi cho việc lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bù Xia Trần Trung Kiên cho biết: Trước đây, hệ thống giao thông phần lớn là đường đất đỏ nên đi lại rất khó khăn, nhất là mỗi khi mưa xuống lầy lội, trơn trượt. Từ khi các tuyến đường nhựa hình thành, tạo thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh phát triển sản xuất, đời sống người dân từng bước được nâng lên, an ninh trật tự được đảm bảo, giữ vững.

Và những trăn trở

Đắk Ơ là xã biên giới, đặc biệt khó khăn với khoảng 40% người DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì thế, để xây dựng NTM, cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, Đắk Ơ được quan tâm đầu tư nguồn lực lớn từ các cấp nên đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra. Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Nguyễn Minh Hóa cho biết, tổng nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã và người dân đóng góp xây dựng NTM năm 2023 hơn 120 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí đó, xã đã họp bàn, xem xét, đề xuất xây dựng các công trình mang tính chiến lược cũng như phục vụ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh địa phương. Đến nay, Đắk Ơ cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và chờ ban chỉ đạo của tỉnh xem xét cho ý kiến.

Nhà văn hóa thôn Bù Xia được sửa chữa, nâng cấp đảm bảo theo quy định

Nhà văn hóa thôn Bù Xia được sửa chữa, nâng cấp đảm bảo theo quy định

Tuyến đường nhựa vào thôn Bù Xia xây dựng hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội

Tuyến đường nhựa vào thôn Bù Xia xây dựng hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội

Theo ông Hóa, mặc dù đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nhưng để bứt phá đi lên, nhất là đầu tư hoàn thiện các công trình, hạng mục còn lại, Đắk Ơ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự quan tâm tháo gỡ. Đó là diện tích đất lâm phần còn khá lớn (gần 5.000 ha). Ngoài ra, thôn Đắk U và một phần thôn Bù Xia dính quy hoạch đất quốc phòng chưa giao về địa phương quản lý.

“Nói là về đích NTM nhưng chúng tôi vẫn còn một số điểm trường và các tuyến đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư xây dựng do vướng đất lâm phần. Các công trình này hiện tạm gác lại chờ chủ trương của cấp trên” - Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Nguyễn Minh Hóa cho biết.

Và với một xã nghèo, nhiều hộ DTTS sinh sống như Đắk Ơ, ngoài được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì quyền lợi thụ hưởng các chính sách của người dân rất lớn nên cần được ưu tiên đặc thù. Ông Hóa trải lòng: Khi có quyết định xã đạt chuẩn NTM đương nhiên các chính sách hỗ trợ xã nghèo sẽ không còn, như bảo hiểm y tế toàn dân, nhất là chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ đối với học sinh nghèo, học sinh DTTS xa trường học sẽ bị cắt. Đây là những trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, rất mong được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để các em, các cháu có động lực, bớt khó khăn về kinh tế, tiếp tục vững bước đến trường, có tương lai tươi sáng.

Khi có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM thì các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ ngưng không còn được thực hiện. Vấn đề này chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với Trung ương cần thực hiện các chương trình theo nhiệm kỳ, tức là khi nào hết giai đoạn thì mới thực hiện chính sách khác. Riêng Ðắk Ơ là xã nghèo, giáp biên giới, đông đồng bào DTTS, nhiều diện tích đất rừng chưa chuyển đổi. Ðây là những vấn đề khó khăn, trăn trở của lãnh đạo địa phương khi Ðắk Ơ có quyết định đạt chuẩn NTM.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập NGUYỄN XUÂN HOAN

Sau 13 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay huyện Bù Gia Mập có 5/8 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Xã Đắk Ơ đã được đầu tư xây dựng NTM năm 2023 đến nay đang chờ thẩm định công nhận đạt chuẩn, Phú Văn được đầu tư xây dựng trong năm 2024, xã Bù Gia Mập sẽ đầu tư trong năm 2025. Điều đáng nói cả 3 địa phương này đều là xã nghèo khu vực III nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Và là những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, DTTS cao nên áp lực, thách thức trong triển khai xây dựng và cán đích NTM là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của các cấp, ngành cùng với ý chí quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương thì mọi khó khăn sẽ vượt qua nhường chỗ cho sự bứt phá vươn lên về đích đúng lộ trình NTM đã đề ra.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/81/159364/doi-thay-nong-thon-moi-vung-bien
Zalo