Đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ án 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ' tại Công ty Cổ phần Y Dược LanQ
Sau khi đã hợp thức được đầu vào thuốc, thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Công ty LanQ đã làm hồ sơ, được thanh toán số tiền hơn 40 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả. Trừ đi các chi phí, ông Quyền và đồng phạm đã chiếm đoạt được hơn 18 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra, đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty cổ phần Y Dược LanQ và các đơn vị liên quan.
Các bị can bị đề nghị truy tố gồm Nguyễn Mạnh Quyền (SN 1962, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty LanQ); Phạm Văn Cách (SN 1967, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm), Lê Văn Tình (SN 1984, cựu Phó giám đốc Công ty Sơn Lâm) bị đề nghị tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ.
Bị can Nguyễn Thúy Kim (SN 1972, cựu Kế toán trưởng Công ty LanQ) bị đề nghị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
HAI GIÁM ĐỐC CHIẾM ĐOẠT HƠN 18 TỶ ĐỒNG
Theo kết luận điều tra, cuối năm 2019, ông Quyền bàn bạc, thống nhất với Phạm Văn Cách về việc Công ty Sơn Lâm phối hợp, giúp Công ty LanQ dùng các thủ đoạn gian dối để Công ty Sơn Lâm là đơn vị duy nhất trúng thầu với giá trúng thầu cao, sau đó hợp thức giá thuốc đầu vào, quyết toán bảo hiểm xã hội, chia nhau hưởng lợi.
Thực hiện thỏa thuận trên, ông Cách chỉ đạo Tình phối hợp với Kim xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đưa ra các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu tạo lợi thế cho Công ty Sơn Lâm, nhờ doanh nghiệp khác làm “quân xanh” để tránh sự nghi ngờ của cơ quan chức năng. Với sự sắp xếp, dàn dựng trên, Công ty Sơn Lâm là đơn vi duy nhất đủ điều kiện trúng thầu.
Ngày 16/1/2020, 2 công ty ký Hợp đồng mua bán thuốc trị giá hơn 54 tỷ đồng, sau đó ký tiếp phụ lục hợp đồng nâng tổng giá trị hợp đồng lên gần 65 tỷ đồng.
Công ty Sơn Lâm cung cấp được một phần nhỏ so với giá trị ký kết trên hợp đồng. Ông Quyền đã thống nhất với ông Cách mua thuốc với giá rẻ hơn nhưng không có hóa đơn chứng từ.
Công ty Sơn Lâm chịu trách nhiệm xuất hóa đơn bán hàng theo giá trúng thầu, lập phiếu xuất kho, cung cấp bao bì nhãn mác cho Công ty LanQ để hợp thức đầu vào cho số thuốc mua. Ngoài phần thuế VAT phải nộp cho nhà nước, Công ty Sơn Lâm sẽ được hưởng 18% trên tổng giá trị hóa đơn xuất khống (chưa tính thuế VAT).
Căn cứ hóa đơn mua bán xác định, từ ngày 26/3/2020 đến ngày 28/4/2021, Công ty Sơn Lâm đã xuất 100 hóa đơn cung cấp thuốc cho Công ty LanQ với tổng giá trị hơn 55 tỷ đồng.
Sau khi đã hợp thức được đầu vào thuốc, thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Công ty LanQ đã làm hồ sơ, được thanh toán số tiền hơn 40 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả.
Để hợp thức dòng tiền mua bán hóa đơn khống, Công ty LanQ đã chuyển hơn 51 tỷ đồng tiền thanh toán cho Công ty Sơn Lâm.
Sau khi nhận được tiền, ông Cách chỉ đạo nhân viên rút tiền mặt, sau đó nộp hơn 44 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của Công ty LanQ hoặc tài khoản ngân hàng của Kim - Kế toán trưởng Công ty LanQ để trả lại cho Công ty LanQ. Công ty Sơn Lâm giữ lại hơn 7 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, ông Quyền và đồng phạm đã chiếm đoạt được hơn 18 tỷ đồng.
Trong đó, Nguyễn Mạnh Quyền thực hiện hành vi phạm tội với vai trò chủ mưu, cầm đầu, hưởng lợi hơn 18 tỷ đồng. Các bị can còn lại thực hiện hành vi phạm tôịvới vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Quyền chưa được hưởng lợi.
GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI NHẬN HỐI LỘ 700 TRIỆU ĐỒNG
Kết luận điều tra thể hiện, theo quy định “chậm nhất trước ngày mùng 5 của tháng đầu tiên mỗi quý, các cơ sở y tế chốt số liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang".
Để được tạo điều kiện giải ngân sớm và vượt quy định tiền tạm ứng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, từ quý 1/2017 đến quý 4/2021, ông Quyền đã chỉ đạo kế toán trưởng đến gặp, đưa tiền cho ông Thân Đức Lại (cựu giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang) tại phòng làm việc vào đầu mỗi quý (thường vào ngày 5,6,7, 10 hàng năm) với số tiền 700 triệu đồng (Từ 7 triệu đồng – 60 triệu đồng/1 quý).
Sau mỗi lần nhận tiền, ông Lại chỉ đạo nhân viên tạo điều kiện, ưu ái cho Công ty LanQ trong quá trình làm thủ tục giải ngân.
Theo chỉ đạo trên, bà Phan Thị Nghị - cựu trưởng phòng (giai đoạn quý 2/2019 trở về trước) và Vũ Thị Thủy – trưởng phòng (giai đoạn quý 2/2019 đến nay) làm thủ tục giải ngân tiền tạm ứng cho Công ty LanQ, trong đó có nhiều quý giải ngân khi chưa có biểu mẫu số 12/BHYT của phòng giám định bảo hiểm y tế, đề nghị giải ngân tạm ứng 2 lần và vượt quá 80% so với quy định.
Sau khi nhận được thủ tục từ phòng Tài chính Kế toán trình, ông Lại phê duyệt, ký ủy nhiệm chi, giải ngân tiền tạm ứng cho Công ty LanQ.
Với hành vi trên, ông Lại bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
Cơ quan điều tra cho rằng đây là vụ án tham nhũng trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Hoạt động tội phạm diễn ra từ năm 2015 đến nay mới bị phát hiên nên khó khăn trong việc điều tra xử lý.
“Các đối tượng đã lợi dụng sơ hở thiếu sót trong quy định về tổ chức đấu thầu và việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán vị thuốc cổ truyền, dược liệu để thông đồng, cấu kết, dùng thủ đoạn gian dối, tinh vi chiếm đoạt tiền của bảo hiểm xã hội”, kết luận nêu rõ.
Cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường giám sát việc đấu thầu và quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo việc tạm ứng tiền cho các cơ sở này đúng quy định.