Đề nghị phân định rõ báo - tạp chí, bổ sung mô hình cơ quan báo chí mới
Chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
![Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng phát biểu tại cuộc làm việc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_428_51422334/d8e2ec8ed5c03c9e65d1.jpg)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng phát biểu tại cuộc làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng chủ trì cuộc làm việc.
Năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí. Trên cơ sở đó, ủy ban đã kịp thời thông tin đến Quốc hội, Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và có đề xuất, kiến nghị; trong đó có kiến nghị sửa đổi Luật Báo chí năm 2016.
Thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025).
Tại cuộc làm việc, các ý kiến đều khẳng định tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Báo chí 2016 bởi sự phát triển của khoa học, công nghệ, thực tiễn hoạt động báo chí đã có nhiều thay đổi, từ loại hình báo chí, các phương tiện, nền tảng, đến cách tiếp cận thông tin của độc giả dẫn đến nhiều quy định trong luật hiện hành không còn phù hợp; nhiều quy định cần điều chỉnh, bổ sung như: báo chí số, kinh tế báo chí, quản lý phóng viên, văn phòng thường trú…
Từ một số vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn, đại diện Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí đối với tất cả hoạt động báo chí, hoạt động của cơ quan báo chí trên tất cả các nền tảng. Nghiên cứu bổ sung các mô hình cơ quan báo chí mới như tập đoàn, tổ hợp báo chí - truyền thông, báo chí trên nền tảng số…
Về tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí, nên quy định cụ thể, khu biệt rõ và quy định tỷ lệ % thông tin theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản và tỷ lệ % thông tin về các sự kiện chính trị, hoạt động lớn của nhà nước… Bên cạnh đó, phân định rõ báo và tạp chí, tạp chí phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ khoa học - công nghệ với tạp chí khác, để tránh tình trạng báo hóa tạp chí.
Cần quy định rõ mô hình của văn phòng đại diện để thực hiện thống nhất. Trong đó, quy định cụ thể điều kiện cơ quan báo, tạp chí được có số lượng văn phòng đại diện tương ứng; bổ sung điều kiện cụ thể về số lượng nhân sự và hợp đồng chính thức với cơ quan báo chí…
![Cuộc làm việc đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thực tiễn, có giá trị tham khảo cao](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_428_51422334/2e60670c5e42b71cee53.jpg)
Cuộc làm việc đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thực tiễn, có giá trị tham khảo cao
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng đánh giá cao những ý kiến góp ý của Hội Nhà Báo Việt Nam, cho đây là “những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thực tiễn, có giá trị tham khảo cao với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Ủy ban sẽ nghiên cứu, rà soát trong quá trình xây dựng báo cáo thẩm tra để bảo đảm khách quan, đa chiều, hướng đến dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) chất lượng tốt trình Quốc hội”.
Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng mong muốn và đề nghị Hội Nhà Báo Việt Nam tiếp tục đồng hành, chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Báo chí (sửa đổi), để khi Luật ban hành đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến hoạt động báo chí. “Những vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành luật báo chí thì phải tổng kết, đánh giá; với những chính sách mới, cần có nghiên cứu đánh giá tác động, mục tiêu cuối cùng là tạo hành lang thuận lợi cho báo chí phát triển trong bối cảnh mới”, Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.