Đề nghị hợp nhất tiền cấp quyền khoáng sản và thuế tài nguyên
Góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, đoàn Quảng Ninh đề nghị hợp nhất 2 loại tiền cấp quyền khoáng sản và thuế tài nguyên; đồng thời, giao Chính phủ phân công một cơ quan đầu mối quản lý để thực hiện...
Thảo luận dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản chiều ngày 5/11/2024, các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật nhưng cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Một số ý kiến nêu cần khắc phục các tồn tại, bất cập liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch một số loại khoáng sản như bôxít, titan, đất hiếm; việc quản lý đối với khoáng sản nhóm 4, cần làm rõ việc khu vực đấu giá, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Có ý kiến đề nghị thống nhất thuế hợp nhất, thuế tài nguyên với thu, cấp quyền khai thác khoáng sản…
VÌ SAO NÊN GỘP HAI KHOẢN TIỀN?
Nêu lý do đề nghị này, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật phân tích, thứ nhất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên hoàn toàn giống nhau về bản chất. Cả hai đều cùng là một khoản tiền tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp cho Nhà nước.
Đồng thời cách tính hay công thức tính toán để thực thu 2 khoản tiền này vào ngân sách nhà nước cũng giống nhau, vì đều căn cứ vào 3 yếu tố là sản lượng khai thác thực tế, giá bán sản phẩm sau khai thác và tỷ lệ phần trăm thu.
Đại biểu cho rằng như vậy 2 khoản tiền này hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau về cách đặt tên. Ví dụ, một bên gọi là tiền cấp quyền, một bên gọi là thuế tài nguyên, một bên gọi là thuế suất thì một bên gọi là tỷ lệ thu hay mức thu nhưng đều là tỷ lệ phần trăm để tính. Một bên là giá tính thuế tài nguyên, một bên là giá tính tiền cấp quyền nhưng thực tế 2 giá này là một.
Trên thực tế hiện nay giá tiền cấp quyền đều căn cứ vào giá tính thuế tài nguyên và tiền cấp quyền thực nộp vào ngân sách nhà nước, căn cứ vào sản lượng khai thác khoáng sản thực tế. Như vậy sẽ không còn vai trò hạn chế tình trạng đầu cơ giữ mỏ để chuyển nhượng. Bởi vì cho dù 1 năm, 2 năm, hay 10 năm, nếu doanh nghiệp không khai thác tức là sản lượng khai thác bằng 0 thì doanh nghiệp không phải nộp tiền cấp quyền.
Thứ hai, nếu gộp 2 khoản tiền này vào sẽ giảm tối đa việc gây lãng phí về nguồn lực cho doanh nghiệp, cá nhân và cho cả Nhà nước nhưng không giảm số tiền thực thu vào ngân sách nhà nước, đồng thời bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan.
Theo đại biểu, quy định như dự thảo luật cho thấy cùng một khoản tiền doanh nghiệp nộp cho nhà nước phải chia ra 2 phần để thực hiện 2 loại thủ tục hành chính cũng như phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của 2 cơ quan nhà nước khác nhau là cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên, môi trường. Theo đó chi phí thời gian và chi phí thực hiện về nhân lực cũng như thực hiện thủ tục hành chính tăng gấp đôi.
Cùng với đó, Nhà nước phải bỏ chi phí cho nguồn nhân lực và chi phí hành chính khác để vận hành 2 bộ máy cho việc thu một khoản tiền nộp của doanh nghiệp. Chưa kể đến việc 2 cơ quan khác nhau có thể cho ra 2 kết quả quyết toán khác nhau về sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của doanh nghiệp, lúc đó lại phải cần một cơ quan nữa để xử lý vấn đề này.
Thứ ba, trong hồ sơ dự án luật đã cung cấp kết quả nghiên cứu kinh nghiệm của 24 nước trên thế giới, cho thấy về cơ bản các quốc gia tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bằng phần trăm giá trị khoáng sản được bán ra và đó cũng chính là thuế tài nguyên mà Việt Nam hiện nay đang áp dụng.
Từ những phân tích trên, đại biểu đoàn Quảng Ninh khẳng định: “sự tích hợp, hợp nhất này sẽ dẫn đến cả Nhà nước và doanh nghiệp, cá nhân đều có lợi”. Điều này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và tiết kiệm, chống lãng phí. Trong dự thảo luật và dự thảo nghị định chi tiết kèm theo, thủ tục để thu nộp, xác định tiền cấp quyền khoáng sản rất rườm rà, phức tạp mà bản chất không khác gì tiền thuế tài nguyên.
DOANH NGHIỆP MẤT THỜI GIAN LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ GIA HẠN
Góp ý về thời hạn cấp giấy phép khai thác khoáng sản, đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh cho rằng, tại điểm a khoản 4 Điều 58 của dự thảo luật quy định "thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm" và tại điểm b của khoản 4 còn quy định "nếu hết thời gian cấp phép, hết thời gian gia hạn thì có thể tiếp tục đề nghị cấp lại".
Đại biểu Đỗ Thị Lan nhận định, quy định về thời hạn khai thác và gia hạn khai thác khoáng sản như quy định là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Theo quy định, thời gian chuẩn bị cho việc xây dựng cơ bản của dự án đã mất từ 8-10 năm và Luật Đầu tư tại Điều 44 quy định là "đối với các dự án trong khu vực công nghiệp, khu công nghiệp thì phải không quá 70 năm và ngoài khu vực công nghiệp thì không quá 50 năm".
Đại biểu dẫn chứng trên thực tế, nhiều dự án khai thác than đã và đang thực hiện thời gian trên cả đời của dự án, vào khoảng trên 40 năm, rất nhiều dự án là 43 năm, 45 năm và bao gồm cả thời gian cấp phép và thời gian gia hạn.
Nhiều doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian khai thác than và mỗi lần gia hạn thì chỉ được gia hạn từ 2-3 năm và lại vừa làm vừa chuẩn bị để xin giấy phép gia hạn. Đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần rất bất cập.
"Quy định về thời gian cấp phép, gia hạn khai thác khoáng sản của dự thảo luật giữ như hiện hành và không được sửa đổi, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu" - đại biểu nói.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và căn cứ trên trữ lượng khoáng sản, căn cứ trên điều kiện địa chất của khoáng sản, của dự án, điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn thì không quá 15 năm vào điểm a khoản 4 của Điều 58 dự thảo luật để cho phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vướng mắc hiện nay.
Liên quan đến quy định tại điểm h khoản 1 của Điều 45, báo cáo tiếp thu, giải trình đã nêu là chỉnh lý nội dung quy định tại điểm h theo hướng giao cho Chính phủ quy định đối với trường hợp vượt quá 5 giấy phép thăm dò, nhưng dự thảo luật chưa thể hiện nội dung này. Vì vậy, đề nghị cần thống nhất giữa dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, giải trình.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình một số vấn đề đại biểu nêu cuối phiên thảo luận chiều 5/11.
Liên quan đến thời gian cấp giấy phép, trước ý kiến đại biểu cho rằng quy định hiện nay về thời gian cấp giấy phép là 30 năm và có thể được gia hạn tối đa 20 năm là 50 năm thì còn ngắn, có thể mở rộng hơn…, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu rõ: “quy định về thời gian như vậy là cộng cả thời gian cấp giấy phép lần đầu và thời gian gia hạn giấy phép tối đa là 50 năm, bằng với thời gian của dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Còn pháp luật về Luật Đầu tư có quy định trong một số trường hợp các dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, ở những địa bàn đặc biệt khó khăn thì có thể kéo dài thời gian đến 70 năm”.
Về thời gian cấp giấy phép khoáng sản một mặt là để thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện hoạt động đầu tư khai thác chế biến nhưng đồng thời phải tính toán để giảm thiểu tác động không tích cực đến các hoạt động kinh tế- xã hội khác như các dự án phát triển kinh tế- xã hội, đời sống sản xuất của nhân dân. Theo Bộ trưởng, nghiên cứu kinh nghiệm, các nước phát triển quy định còn chặt chẽ hơn Việt Nam, thậm chí như Hoa Kỳ không quá 10 năm. Liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, bản chất khi khoáng sản nằm trong lòng đất là tài nguyên quốc gia, là sở hữu toàn dân và khi đưa ra khỏi vị trí trong lòng đất để đưa sang các hoạt động chế biến, kinh doanh, sẽ chuyển từ sở hữu toàn dân thành sở hữu của tổ chức, cá nhân, là sở hữu riêng. Thông lệ quốc tế, tiền cấp quyền chính là khoản tiền tổ chức, cá nhân phải đóng góp cho Nhà nước để chuyển dịch quyền sở hữu này. Còn theo pháp luật về thuế và thực tế thực hiện từ năm 2016 đến nay theo luật năm 2010 và Nghị định 158 không có vướng mắc. Ngoài ra, tiền cấp quyền chính là cơ sở để quyết định việc đấu giá, quyền khai thác khoáng sản chính là dữ liệu đầu vào để thực hiện. Qua nghiên cứu thấy rằng quy định duy trì việc tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như hiện nay là phù hợp và tránh các tình trạng đầu cơ. Liên quan đến thủ tục hành chính, Bộ trưởng cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ báo cáo với Chính phủ để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện thu thuế tài nguyên cũng như thu tiền cấp quyền để đơn giản nhất về thủ tục, không làm phiền hà đến tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.