Đề nghị hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm hình phạt tử hình trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, nhằm thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh thảo luận Tổ 01. Ảnh: Phạm Thắng
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 20/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ 01 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.
Đề xuất hạn chế áp dụng hình phạt tử hình
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều, nhất là các nội dung liên quan đến thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ các tài liệu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Các đại biểu bày tỏ đồng tình với dự thảo đã nêu cơ sở chính trị, pháp lý sửa đổi luật là tăng cường, tích cực đấu tranh với tội phạm trong giai đoạn hiện này xác định là tội phạm nguy hiểm cần phải ưu tiên đấu tranh phòng, chống, với các nhóm tội phạm: tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng, tội phạm buôn lậu, tội phạm gian lận thương mại, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường, tội phạm ma túy.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, dự thảo tăng mức phạt tiền gấp đôi với tất cả tội phạm, điều này chưa thể hiện sự phân hóa thành các nhóm tội phạm cần tập trung phòng, chống. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thể hiện rõ sự phân hóa này, đúng theo nội dung thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ trong đó tập trung vào các nhóm tội phạm cần ưu tiên đấu tranh phòng, chống.
Một số đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ đề xuất nghiên cứu giảm bớt hình phạt tử hình, áp dụng chuyển từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù. Đây là chủ trương đúng đắn, sáng suốt, nhân văn, nhân đạo. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật lại chưa mở rộng đối tượng. Dự thảo luật chỉ quy định không thi hành án tử hình với 2 nhóm đối tượng: người mắc bệnh ung thư và người mắc HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong khi đó, còn rất nhiều loại bệnh hiểm nghèo cũng được xét tương đương với hai bệnh trên, như bệnh lao kháng thuốc, xơ gan cổ trướng… Việc mở rộng các đối tượng không thi hành án tử hình, vừa thể chế hóa quan điểm của Đảng, vừa thể hiện tính nhân văn, nhân đạo.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng
Đồng tình việc bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong vấn đề giải quyết, tuyên chiến với vấn nạn này.
Trong khi đó, đối tượng tội phạm ma túy có rất nhiều hành vi như sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng... nhưng dự thảo luật quy định giảm cho hành vi vận chuyển. Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng: "Vận chuyện vài tép, vài gam, thậm chí vài tấn, tác hại đều rất kinh khủng. Do đó, vẫn phải có hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển ma túy và đề nghị phân hóa mức án cao hơn".
Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, với tình hình chính trị, kinh tế - xã hội như hiện nay, chưa phải thời điểm Việt Nam xóa bỏ hình phạt tử hình, tuy nhiên cần phải hạn chế áp dụng và thi hành hình phạt tử hình, như giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình, bổ sung chế định tù chung thân không xét giảm án.
"Thực tiễn yêu cầu trong hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng chống tội phạm về nhận hối lộ, tham ô tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhiều nước đã yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình, hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về tham nhũng, chức vụ và ma túy. Nhưng, Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi," đại biểu Lê Nhật Thành cho biết.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, giảm án tử hình là phù hợp, bởi thực tế hình phạt này không có tác dụng răn đe, giáo dục, nên việc giảm hình phạt tử hình là thể hiện tính nhân đạo, phù hợp với xu thế chung, tình hình thế giới. Theo đại biểu, việc giảm án tử hình với 8 tội như dự thảo là phù hợp, nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu giảm thêm án tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả và tội vận chuyển trái phép chất ma túy; có thể giảm án tử hình bằng tù chung thân nhưng không được xét giảm án.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng
Tại thảo luận Tổ 01, có ý kiến cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Bộ luật quy định khung hình phạt quá rộng giữa mức tối thiểu và mức tối đa, có khung hình phạt từ 10 năm đến tử hình, mà không có tình tiết định khung tăng nặng làm căn cứ để thể hiện tính nguy hiểm đặc biệt. Điều này dễ dẫn đến khó áp dụng, tùy tiện trong áp dụng, dẫn tới sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Bổ sung các quy định về chuyển đổi số hoạt động của các cơ quan tố tụng hình sự
Tại Tổ 01, các đại biểu cũng thống nhất với sự cần thiết với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy và khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua. Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ các tài liệu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, thực tế có tình trạng bị can, bị cáo bỏ trốn, trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa có các quy định về điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, dẫn đến khó khăn trong điều tra; có tình trạng người phạm tội tiếp tục phạm tội, hoặc tiêu hủy chứng cứ. Vì vậy, đại biểu đánh giá cao dự thảo đã bổ sung quy định trong dự thảo luật, đảm bảo hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Góp ý các quy định liên quan đến tử hình, các đại biểu đề nghị bổ sung cụ thể về chế độ hoãn thi hành án tử hình bảo đảm thống nhất về thời gian hoãn thi hành án tử hình với thời hạn xem xét đơn ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước. Về thời hạn xét ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước, đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị quy định theo hướng: Chủ tịch nước quyết định việc ân giảm. Đối với trường hợp không đồng ý ân giảm thì giao cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản.
Ngoài ra, để thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi các nội dung liên quan đến đổi mới và chuyển đổi số hoạt động của các cơ quan tố tụng hình sự, như chữ ký số, cơ sở dữ liệu số hóa hoạt động các cơ quan tố tụng… Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để tránh sự chồng lấn với các luật chuyên ngành khác có liên quan.
Về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã), đại biểu cho rằng, trong bối cảnh sau sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều địa phương được sáp nhập trên cơ sở 02 hoặc 03 đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay và ở mỗi địa phương chỉ bố trí 01 cấp Cơ quan điều tra tại Công an cấp tỉnh, việc dự thảo Luật đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tương tự như nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra là rất cần thiết nhằm chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Tuy vậy, nội dung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật có nhiều nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn với các nội dung khác của Bộ luật Tố tụng hình sự và mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật, do đó sẽ phát sinh vướng mắc và không khả thi khi triển khai trên thực tế.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh được bố trí là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã), bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Một số hình ảnh tại Tổ 01:

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng