Đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

Chiều 20/5, thảo luận ở Tổ 17 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là hành vi trục lợi trên sức khỏe, nỗi đau của người bệnh. Đây là hành vi vô nhân đạo, cần phải xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, không nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang điều hành họp Tổ 17

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang điều hành họp Tổ 17

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 20/5, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham gia thảo luận tại Tổ 17 gồm ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi và Cà Mau.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên họp Tổ 17

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên họp Tổ 17

Xử lý nghiêm khắc hành vi vô nhân đạo, trục lợi trên sức khỏe, nỗi đau người bệnh

Theo nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ Luật hình sự hiện hành, gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Bà Ma Thị Thúy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu

Bà Ma Thị Thúy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu

Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 4 tội danh, trong đó có Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Theo đại biểu, đây là hành vi trục lợi trên nỗi đau của người bệnh. Thời gian qua, có nhiều thông tin, vụ việc về sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, khiến nhân dân rất bức xúc. Tội phạm này cũng rất tinh vi, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ em. “Về nội dung này, tôi thấy không nên giảm hình phạt xuống chung thân không xét giảm án, mà giữ nguyên khung hình phạt là tử hình”, đại biểu Ma Thị Thúy nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu

Ông Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu

Đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 7/8 tội danh nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định không nhất trí với dự thảo Luật bỏ hình phạt tử hình đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Theo đại biểu, thuốc chữa bệnh là nhu cầu rất phổ biến, hết sức cần thiết của người dân. Tuy nhiên, các đối tượng lại lợi dụng nhu cầu bức thiết này để trục lợi trên sức khỏe người bệnh. “Đây điều rất vô nhân đạo. Với hành vi vô nhân đạo như vậy, chúng ta cần nghiêm khắc xử lý bằng việc áp dụng hình phạt tử hình. Vì vậy, tôi đề nghị giữ lại hình phạt tử hình đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị.

Hai quan điểm khác nhau về hình phạt cao nhất đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy

Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Phát biểu tại Tổ, đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần xem xét giữ hình phạt tử hình đối với 3 tội gồm: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ. Theo đại biểu, tình hình tham nhũng diễn biến rất phức tạp trong thời gian qua, vì vậy nên giữ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ để có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm này. Còn đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định mức hình phạt tử hình nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm, hướng tới mục tiêu để Việt Nam không trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy. Thực tế, tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp và có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có những vụ án vận chuyển ma túy lên đến hàng trăm bánh heroin, gây tác hại rất lớn đối với xã hội. “Do đó, để đảm bảo tính răn đe và tạo một hành lang pháp lý để đấu tranh với loại tội phạm này, cần thiết phải giữ lại hình phạt tử hình đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy và không chuyển thành hình phạt chung thân không xét giảm án”, đại biểu Lương Văn Hùng nhấn mạnh.

Bà Ma Thị Thúy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu

Bà Ma Thị Thúy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu

Về nội dung này, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị xem xét, không nên bỏ hình phạt tử hình đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Theo đại biểu, nếu bỏ hình phạt tử hình, khó có sức răn đe. Đặc biệt đối với các vụ vận chuyển ma túy lớn, nếu không có hình phạt nghiêm minh, nghiêm khắc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Hiện nay chủ trương của Đảng, Nhà nước ta cũng đang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy với mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm các hệ lụy của ma túy. Đại biểu cũng đề nghị, việc bỏ hình phạt tử hình ở loại tội danh nào cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, tránh tác động bất lợi tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17

Không cùng quan điểm với 2 đại biểu Ma Thị Thúy và Lương Văn Hùng về hình phạt đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định lại cho rằng, trong các hành vi như sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, xét về mục đích, chỉ có hành vi sản xuất và mua bán thể hiện hành vi chủ động, kiếm lợi rõ ràng và dường như có vai trò của người sản xuất như là “ông chủ” để kiến lợi trên việc làm bất hợp pháp. Còn hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, ở khía cạnh nào đó, hành vi này là của những người khó khăn, mục đích là để mưu sinh hoặc kiếm tiền để mua ma túy sử dụng. Mặc dù đây là lỗi cố ý, nhưng xem xét với 2 hành vi trước đó, thì tính chủ động, kiếm lợi không bằng, có khi vận chuyển chỉ là người làm thuê. “Khi phân loại để xử lý, cần cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Do đó, cần thiết xem xét không tử hình đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng phân tích.

Sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện là người bệnh hay tội phạm?

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự bổ sung Điều 256a về Tội sử dụng trái phép chất ma túy. Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, xét về góc độ tiêu thụ ma túy trong quan hệ cung cầu, việc sử dụng ma túy, tức là “cầu” sẽ kích thích “cung”. Vì vậy cần giảm “cầu” bằng cách giảm người sử dụng hoặc giảm mức độ sử dụng của người đó. Đại biểu cũng cho rằng, Quốc hội đã thông qua Chương trình MTQG phòng, chống ma túy đến năm 2030. Vì vậy, việc giảm “cầu” cũng chính là một trong những mục đích của Chương trình MTQG này. “Không phải chúng ta hình sự hành vi này thì chúng ta có thể giảm tuyệt đối “cầu” về ma túy. Thứ hai, xét về việc sử dụng ma túy, trong đó, người sử dụng là bệnh nhân thì phải được chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Trước đây, Bộ Luật hình sự đã đưa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm. Sau đó Luật đã bỏ tội danh này, quan điểm người sử dụng ma túy là người bệnh. Vấn đề sử dụng ma túy vẫn nổi cộm bức xúc nhưng chúng ta đã có Chương trình MTQG rồi. Tôi nghĩ không cần thiết phải hình sự hóa lại một lần nữa, nên tôi không đồng tình bổ sung Tội sử dụng trái phép chất ma túy vào luật lần này”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh.

Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Còn đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi lại cho rằng, việc không hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là nhân văn và phù hợp với xu thế chung. Xác định người nghiện sử dụng ma túy là người bệnh để triển khai các biện pháp phù hợp khuyến khích họ cai nghiện. Còn theo đại biểu Khương Thị Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, người nghiện ma túy được coi là người bệnh, việc cai nghiện được thực hiện tại Cơ sở cai nghiện hoặc tại gia đình, cộng đồng. Do đó, cần nghiên cứu kỹ việc đưa Tội sử dụng trái phép chất ma túy vào dự thảo Luật. Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang lại cho rằng, cần có các chính sách nghiêm khắc hơn để giảm “cầu” ma túy. Hiện nay, nhiều loại ma túy tổng hợp gây ra hệ lụy lớn cho xã hội. Với số lượng người nghiện ma túy lớn, việc bổ sung tội danh này vào luật là phù hợp để răn đe, góp phần giảm tội phạm.

Bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu

Bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu

Phát biểu tại Tổ về dự án Luật này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, ĐBQH tỉnh Nam Định hoàn toàn nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự, chỉ tập trung vào những vấn đề cấp bách nhất. Đó là những vấn đề liên quan đến tử hình, một số tội danh liên quan đến tham nhũng, hàng giả, an toàn thực phẩm, ma túy, môi trường, ma túy, đây là những tội phạm gây nhiều bức xúc trong thời gian gần đây, cũng như những nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ủng hộ việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, khi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội thì cần có một loại hình phạt thay thế, đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe cao. Bên cạnh đó, việc bỏ hình phạt tử hình thay bằng chung thân không xét giảm án thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để quy định đối với hình phạt tù chung thân không xét giảm án khác với hình phạt tù chung thân. Bởi đây là hình phạt tù nhẹ hơn hình phạt tử hình nhưng phải nặng hơn tù chung thân.

Một số hình ảnh tại Tổ 17:

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17

Khắc Phục - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94206
Zalo