Đề nghị Chính phủ quy định việc quản lý kinh phí công đoàn, tránh can thiệp thu, chi tài chính

Các đại biểu đề nghị Chính phủ quy định việc quản lý kinh phí công đoàn giúp công tác quản lý nhà nước về tài chính chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính công đoàn.

Sáng 18/6, tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn như thế nào

Tại phiên thảo luận, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là quy định về đóng kinh phí công đoàn. Theo dự thảo luật, “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, việc luật hóa và duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% thể hiện sự ưu việt của chế độ chủ nghĩa xã hội. Kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu cho biết, qua khảo sát thực tế, tại nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam, vướng mắc chủ yếu là thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cần nâng cao thể chế, hoàn thiện pháp luật; rất ít có kiến nghị liên quan đến kinh phí công đoàn 2%. “Do đó, vấn đề kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp” - đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tán thành doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương vào kinh phí công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tán thành doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương vào kinh phí công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng bày tỏ tán thành việc quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”, vì đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế. “Để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, theo tôi, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỉ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỉ lệ 25% và 75% như Khoản 2 Điều 30 dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỉ lệ 'tối thiểu' và tỉ lệ 'tối đa'” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga góp ý.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đề nghị, nên giao Chính phủ thống nhất quy định nguyên tắc thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn. Việc này giúp công tác quản lý nhà nước về tài chính chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính công đoàn.

Đề nghị có cán bộ đoàn chuyên trách để bảo vệ người lao động

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm đó là bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong doanh nghiệp. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi: “Vấn đề đặt ra là cán bộ công đoàn ở trong công ty, doanh nghiệp (hưởng lương từ chủ sử dụng lao động) đó có thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm hay không? Và thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã thống kê được có bao nhiêu vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp mà tổ chức công đoàn tại đây đã đứng ra đại diện bảo vệ được cho người lao động hay chưa? hiệu quả như thế nào?”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị boos trí cán bộ công đoàn chuyên trách.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị boos trí cán bộ công đoàn chuyên trách.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ kinh phí từ của công đoàn cấp trên để chi trả để cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp đó.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị cần cho công đoàn cơ chế thực thi được các quyền và trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị cần cho công đoàn cơ chế thực thi được các quyền và trách nhiệm.

Cũng nói về việc bảo vệ người lao động, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, thực tế cho thấy hoạt động công đoàn cơ sở thời gian vừa qua có nhiều lúng túng, kém hiệu quả, vị thế, tiếng nói của công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt.
Đại biểu đề nghị cần cho công đoàn cơ chế thực thi được các quyền và trách nhiệm đó và lưu ý cần tạo sự độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn. Đại biểu đề xuất cho phép sử dụng lao động hợp đồng làm cán bộ chuyên trách công đoàn cơ sở; quy định doanh nghiệp từ 1.000 lao động trở lên có ít nhất 1 cán bộ công đoàn chuyên trách. Cùng với đó, xây dựng thang lương, bảng lương phù hợp để khuyến khích, thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-nghi-chinh-phu-quy-dinh-viec-quan-ly-kinh-phi-cong-doan-tranh-can-thiep-thu-chi-tai-chinh-i734686/
Zalo