Đề nghị Bộ GDĐT sớm tham mưu để Chính phủ ban hành Đề án kiên cố hóa trường lớp
Giám đốc Sở GD Điện Biên đề nghị, Bộ GD sớm tham mưu Chính phủ ban hành Đề án kiên cố hóa trường lớp để tỉnh Điện Biên có nguồn lực thực hiện mục tiêu kiên cố hóa.
Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, kết luận còn chỉ ra một số hạn chế, bất cập còn tồn tại khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, nhiệm vụ thứ 7 nêu rõ: Triển khai chương trình đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%.
Kiên cố hóa trường lớp đã có nhiều khởi sắc
Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đã có nhiều giải pháp nâng cao tỉ lệ kiên cố hóa trường, lớp, đặc biệt ở những vùng còn nhiều khó khăn về địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội,...
Theo báo cáo tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉ lệ kiên cố hóa trường, lớp của vùng thấp nhất cả nước; giáo dục và đào tạo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. [1]
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên chia sẻ về thực tiễn triển khai thực hiện kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Điện Biên là một tỉnh vùng cao, giáp biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội của Điện Biên còn nhiều khó khăn nên tỉ lệ kiên cố hóa trường, lớp của vùng thấp nhất cả nước. Đây là một thực tế đã đặt ra nhiều thách thức đối với ngành giáo dục.
Vị Giám đốc Sở bày tỏ, việc kiên cố hóa trường, lớp để giáo viên và học sinh yên tâm học tập là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh đa số các trường học trên địa bàn tỉnh Điện Biên tập trung ở khu vực có địa hình xa xôi, hiểm trở, thường xuyên gặp nguy cơ thiên tai như: sạt lở, lũ lụt, ngập úng,...
Thực hiện tốt kiên cố hóa trường, lớp là một trong những điều kiện cần đảm bảo nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục.
“Do đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã quan tâm, xác định việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025.
Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Điện Biên luôn tích cực tham mưu, huy động các nguồn lực để thực hiện kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ giáo viên trên địa bàn”, ông Đoạt cho biết thêm.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, từ khi triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc thực hiện kiên cố hóa trường lớp của tỉnh Điện Biên đã có nhiều khởi sắc.
Cụ thể, tỉ lệ kiên cố phòng học đã tăng từ 72,8% lên 75,7% (tăng 2,9%); tỉ lệ kiên cố phòng ở nội trú/bán trú tăng từ 51,2% lên 53,9% (tăng 2,7%); tỉ lệ kiên cố phòng công vụ giáo viên tăng từ 39,7% lên 43,9% (tăng 5,7%),...
Hiện nay, toàn tỉnh có 7.432 phòng học (75,7% kiên cố; 21,5% bán kiên cố; 2,8% tạm); 1.403 phòng học bộ môn (76,2% kiên cố; 20,7% bán kiên cố; 3,1% tạm); 3.591 phòng nội trú học sinh (53,9% kiên cố; 37,7% bán kiên cố; 8,4% tạm); 1.732 phòng công vụ giáo viên (45,4% kiên cố; 43,1% bán kiên cố; 11,5% tạm).
Khó khăn lớn nhất là không có đủ nguồn lực đầu tư
Với sự chung tay, góp sức của nhiều tập thể, các bộ, ban, ngành và địa phương, đến nay, việc kiên cố hóa trường lớp tại một số tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã bước đầu đạt được những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, trong thực tế, giáo dục và đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, do đặc thù của vùng vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp của vùng thấp nhất cả nước. Để hoàn thiện mục tiêu kiên cố hóa trong giai đoạn sắp tới, các địa phương đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Tại Điện Biên, việc triển khai kiên cố hóa cũng ngày càng được quan tâm nhiều hơn đến từng huyện, thị xã, song vẫn còn không ít khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết, công tác giáo dục trên địa bàn huyện hiện nay còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tình trạng cơ sở vật chất cho các đơn vị vẫn còn thiếu nhiều hạng mục công trình: Phòng học bộ môn, nhà bán trú dành cho học sinh, nhiều phòng học chưa đảm bảo diện tích theo quy định; thiếu nhiều giáo viên ở cả 3 cấp học, đặc biệt là một số môn đặc thù như Tiếng Anh và Tin học.
Năm học 2024-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé có tổng số 769 phòng học: 478 phòng học kiên cố, 263 phòng học bán kiên cố, 28 phòng học tạm; 264 phòng công vụ cho giáo viên (73 phòng kiên cố, 177 phòng bán kiên cố, 14 phòng tạm). Tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp học của địa phương đạt 62,15%, phòng công vụ đạt 27,6%.
Là một cơ sở giáo dục có 13 điểm trường lẻ với 16 lớp học, Trường Mầm non Pá Mỳ (xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, Điện Biên) hiện nay còn 4 lớp ghép và các lớp bán kiên cố.
Theo cô Cà Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Pá Mỳ, so với những ngày đầu mới thành lập, điều kiện hiện nay đã cải thiện rất nhiều.
“Tuy nhiên, hiện nay, nhà trường chỉ có phòng công vụ cho giáo viên ở trung tâm, còn một số giáo viên phải ở lại lớp học ghép. Ban ngày dạy học cho các con, buổi tối ở lại tại phòng học ghép đó, rất vất vả.
Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của nhà trường hiện tại, đó là được kiên cố hóa các lớp học còn lại, để đảm bảo điều kiện vui chơi, học tập cho trẻ”, cô Phượng cho biết.
Đề cập đến những giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác thực hiện kiên cố hóa trường, lớp, nhà công vụ trên địa bàn huyện Mường Nhé, ông Phạm Thiết Chùy chia sẻ thêm: “Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền huyện Mường Nhé đã tận dụng được các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn lực trong nhân dân tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng, đến nay kinh tế - xã hội đã có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Ngoài ra, lãnh đạo huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động kết nối với các đơn vị tài trợ để kêu gọi hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng trường, lớp cho ngành giáo dục trên địa bàn huyện.
Để quảng bá hình ảnh, thông tin về địa phương, huyện đã lập website mang tên: diemcuctay.dienbien.gov.vn. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Bên cạnh nguồn kinh phí từ vốn đầu tư của Nhà nước, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã kêu gọi các nhà trường vận động, tuyên truyền cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đóng góp vật chất, ủng hộ công lao tu sửa, cải tạo nhà trường và xây dựng cảnh quan môi trường”.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp trên địa bàn tỉnh là không có đủ nguồn lực đầu tư. Cụ thể, vị Giám đốc Sở chỉ ra: “Ngân sách của tỉnh phụ thuộc vào Trung ương và phải cân đối rất nhiều hạng mục đầu tư. Trong khi đó, nhu cầu kiên cố hóa trường, lớp của tỉnh rất lớn, bởi còn nhiều công trình kiên cố được xây dựng từ các giai đoạn trước đến nay đã hư hỏng do thiên tai, xuống cấp do hết niên hạn, hoặc không còn phù hợp theo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của Bộ Giáo dục và Đào tạo... dẫn đến các nhu cầu cải tạo, sửa chữa rất lớn”.
Bên cạnh đó, Điện Biên có địa hình tự nhiên là đồi núi với độ dốc lớn, một số khu vực lòng chảo có địa điểm xây dựng lại có nguy cơ gặp các loại hình thiên tai như sạt lở đất và lũ quét.
Mặt khác, giao thông đi lại khó khăn, nhiều khu vực không đi lại được trong mùa mưa, dẫn đến giá nguyên vật liệu tăng, tiến độ thi công bị ảnh hưởng; nhân lực cho ngành xây dựng chưa đảm bảo số lượng và chất lượng dẫn đến các dự án đầu tư xây dựng khi được triển khai gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng cho biết, nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, Sở đã đưa ra một số giải pháp như:
Một là, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó ưu tiên diện tích đất ở vị trí an toàn, thuận lợi để phục vụ xây dựng trường học. Tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến đất xây dựng trường học.
Hai là, chủ động rà soát nhu cầu kiên cố hóa, ưu tiên những cơ sở giáo dục khó khăn để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện kiên cố hóa.
Ba là, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện quản lý chặt chẽ cơ sở vật chất, cân đối ngân sách được giao để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng về cơ sở vật chất đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực đã được đầu tư.
Bốn là, tích cực vận động, kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa từ chính quyền, người dân trên địa bàn và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ các cơ sở giáo dục thực hiện kiên cố hóa.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu Chính phủ ban hành Đề án kiên cố hóa trường lớp học
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, từ khi triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã làm tốt công tác vận động huy động sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, người dân, ngành lao động để xây dựng sửa chữa cơ sở vật chất, tôn tạo cảnh quan, trường lớp học…
Tuy nhiên, theo vị Giám đốc Sở, do điều kiện kinh tế - xã hội của người dân địa phương còn khó khăn, việc huy động xã hội hóa giáo dục chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sửa chữa, xây dựng.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết: “Tính đến nay, ngành giáo dục tỉnh Điện Biên đã vận động tài trợ trên 423.954 triệu đồng để xây dựng: 144 phòng học, 101 phòng nội trú, 43 phòng công vụ, 149 công trình vệ sinh học sinh, khoảng 6.737m2 sân bê tông và nhiều thiết bị dạy học, hiện vật, tiền mặt, các suất học bổng; đồ dùng học tập, quần áo, sách giáo khoa, vở viết,... Học sinh khu vực đặc biệt khó khăn được hỗ trợ nuôi dưỡng, được nhận học bổng từ các Chương trình khuyến học, khuyến tài như “Nuôi em”, “Đỡ đầu trẻ mồ côi”, “Cùng em đến trường”, “Cặp lá yêu thương”; được hỗ trợ ăn trưa,...
Tuy nhiên, đa số kinh phí tài trợ là nhỏ lẻ, chủ yếu hỗ trợ đời sống cho học sinh hoặc xây dựng các công trình bán kiên cố, nhà 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng),… Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường lớp vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế”.
Để tiếp tục nâng cao tỉ lệ kiên cố hóa trường, lớp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên có một số đề xuất: “Tại nhiệm vụ 4 của Nghị quyết số 96/QĐ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW đã nêu nhiệm vụ: “Xây dựng đề án kiên cố hóa trường, lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025”.
Do đó, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu Chính phủ ban hành Đề án kiên cố hóa trường lớp học để tỉnh Điện Biên có nguồn lực thực hiện mục tiêu kiên cố hóa”.
Đồng thời, vị Giám đốc Sở cũng kỳ vọng, thông qua các thông tin trên báo chí, ngành giáo dục Điện Biên mong sẽ nhận được sự quan tâm ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng nhà lớp học, phòng ở cho học sinh bán trú và nhà công vụ kiên cố cho thầy và trò tỉnh Điện Biên đảm bảo các điều kiện thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8357