Để năng lượng làm bàn đạp giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8%

Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế Chính phủ đề ra trong năm 2025 là 8%, các yếu tố kinh tế - xã hội cũng cần đạt những mức tăng trưởng nhất định để đáp ứng định hướng chung…

 Năng lượng là yếu tố then chốt, quyết định khả năng phát triển bền vững của quốc gia

Năng lượng là yếu tố then chốt, quyết định khả năng phát triển bền vững của quốc gia

Thảo luận tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2025 với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới”, đại diện các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách, các chuyên gia lĩnh vực năng lượng cùng đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chỉ ra những điểm nghẽn trong việc phát triển nguồn năng lượng mới. Đồng thời đưa ra giải pháp định hướng mang tính kỹ thuật và thực tiễn.

NÂNG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

PGS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định năng lượng là huyết mạch cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Ông chỉ ra rằng, từ thực tiễn phát triển cho thấy, năng lượng không chỉ là yếu tố then chốt mà còn quyết định khả năng phát triển bền vững của quốc gia.

Nhận thức rõ điều này, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển năng lượng quốc gia, với quan điểm năng lượng cần được đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rất rõ trong những văn bản định hướng chiến lược.

 PGS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương

PGS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương

Cũng theo PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên. Giai đoạn 2026-2030, mục tiêu tăng trưởng đặt ra ở mức hai con số, kéo theo nhu cầu điện năng tăng gấp 1,5 lần, tương đương mức tăng từ 12% đến 16% mỗi năm.

Ông cho rằng, đây là một thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời phát triển nguồn điện, đặc biệt là điện sạch và bền vững, nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2026-2028 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, việc rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các mục tiêu đã đề ra.

"Quốc hội và Chính phủ đang hết sức nỗ lực, chỉ đạo khẩn trương thực hiện điều này, trong đó, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang được tham vấn và tích cực hoàn thiện để thông qua nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển điện hạt nhân, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai", PGS, TS Huỳnh Thành Đạt thông tin.

Đồng thời, các quy định trong luật giúp thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng hạt nhân trong phát điện, y tế, công nghiệp và môi trường. Nhờ đó, năng lượng hạt nhân có thể trở thành một giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ hệ sinh thái.

Trong phần phân tích những yếu tố mới và quan trọng trong Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam chỉ ra rằng, nhằm đảm bảo đủ nguồn cấp điện trong trường hợp một vài dự án nguồn điện nền lớn bị chậm, Đề án Điều chỉnh quy hoạch điện VIII phải tăng thêm quy mô điện mặt trời và điện gió chiếm từ 28- 36% vào năm 2030.

 Định hướng nguồn năng lượng xanh sẽ chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất điện

Định hướng nguồn năng lượng xanh sẽ chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất điện

Cùng với đó là định hướng chuyển đổi nhiên liệu với các nhà máy điện than, khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sang đốt kèm, đốt hoàn toàn Amoniac, Hydrogen xanh. Năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện, hướng đến phát triển liên tục các nhà máy điện hạt nhân với quy mô 10.500– 14.000 MW (chiếm 1,4-1,7%). Nguồn điện năng lượng tái tạo là chủ yếu trong cơ cấu chiếm tỷ trọng tới 74– 75% tổng sản lượng điện sản xuất.

THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam đưa ra một số giải pháp khắc phục những vướng mắc trong phát triển nguồn năng lượng mới như: Giải quyết nhanh, dứt điểm và hợp lý hợp tình với các dự án năng lượng tái tạo có vướng mắc về thủ tục đầu tư trong giai đoạn được hưởng giá FIT ưu đãi và chậm FIT, tạo niềm tin cho nhà đầu tư;

Bên cạnh đó, để giảm gánh nặng đàm phán giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với từng dự án điện năng lượng tái tạo, có thể xem xét áp dụng cơ chế Fit linh hoạt áp dụng với từng vùng miền khác nhau, thời hạn hưởng FIT ngắn hơn;

Tăng cường năng lực các địa phương trong xét duyệt, chọn nhà thầu và quản lý dự án năng lượng tái tạo; có các quy định cụ thể hơn về giao khu vực khảo sát, giao phát triển dự án điện gió ngoài khơi; thực hiện cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt các yếu tố đầu vào theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg; thúc đẩy thành lập thị trường điện bán buôn và bán lẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội “hé mở”, vấn đề về năng lượng cũng là nội dung được Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trực tiếp theo dõi. Qua quá trình theo dõi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết nhằm làm rõ những khó khăn, hạn chế, bất cập, đặc biệt là đề ra các giải pháp để tập trung phát triển nguồn năng lượng.

Cũng theo ông Tạ Đình Thi, thời điểm Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào cuối năm 2024 đã được đánh giá cao. Những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý và chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Các quy định mới này mở ra cơ hội phát triển thị trường điện, năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Điều này đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều đối tác trong và ngoài nước.

 Các chuyên gia thảo luận về vấn đề năng lượng mới

Các chuyên gia thảo luận về vấn đề năng lượng mới

Đánh giá cao những chính sách mới của Chính phủ Việt Nam, ông Hong Sun, Chủ tịch danh dự KOCHAM cho biết, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển các dự án điện hạt nhân, điều này là rất đúng đắn và phù hợp để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.

Ông lấy dẫn chứng như Abu Dhabi, một cường quốc về dầu mỏ nhưng họ cũng đã đầu từ phát triển năng lượng tái tạo từ những năm 2000 nhằm mục đích phát triển bền vững cho tương lai.

Hiện tại Việt Nam có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tập trung vào nhiều lĩnh vực hiện đại như công nghiệp, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nếu không có nguồn năng lượng đảm bảo thì việc phát triển đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi rất phấn khởi khi Việt Nam lựa chọn và tập trung phát triển nguồn điện hạt nhân trong thời gian tới, chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng sự hợp tác toàn diện với Chính phủ Việt Nam. Sự hợp tác này không thể hiện dưới dạng hợp đồng mua bán thông thường, mà đó là đồng minh năng lượng, quan hệ chặt chẽ đó có thể kéo dài hàng trăm năm sau quá trình chuyển giao công nghệ”, ông Hong Sun khẳng định.

Huyền Ly

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/de-nang-luong-lam-ban-dap-giup-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-8-post558887.html
Zalo