Cụm đô thị Thủ Đức- Dĩ An- Thuận An- Biên Hòa là cực tăng trưởng quan trọng, cần đầu tư mạnh
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, TP Thủ Đức cùng các TP Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) tạo thành cụm đô thị rất phát triển, cần được đầu tư mạnh vì đây là một trong 2 cực tăng trưởng quan trọng.
Chiều 2-4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về kết quả kinh tế - xã hội quý I; nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2025.
Tham dự phiên họp có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được và Thường trực UBND TP.HCM.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất từ năm 2020 đến nay
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM trong quý I, Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 457.617 tỉ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý I-2025 cao nhất từ năm 2020 đến nay. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
“Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay”– Giám đốc Sở Tài chính thông tin.
Trước đó, quý I- 2020 tăng 0,42%, quý I-2021 tăng 4,58%, quý I- 2022 tăng 1,88%, quý I-2023 tăng 0,7%, và quý I- 2024 tăng 6,54%.
Chi Cục trưởng Chi Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng cũng nhìn nhận mức tăng trưởng 7,51% là con số cao nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, Hà Nội tăng 7,35%, Cần Thơ tăng 7,15%, Bình Dương tăng 6,7% và Đồng Nai tăng 6,8%...
Đi sâu vào một số chỉ số, ông Hoàng cho biết công nghiệp của TP tăng 5,9% là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua nhưng chưa đạt bứt phá như kỳ vọng trước dịch (7%), còn giải ngân đầu tư công đạt khoảng 5,5% so với kế hoạch, trong khi quý I-2024 đạt 7%. Dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính của TP, có mức tăng cao nhất trong 7 năm qua, du lịch bùng nổ…
Về thu ngân sách, ông Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận chỉ tăng 7,37% là mức khiêm tốn nhưng nếu nhìn tín hiệu tích cực bên trong thì thu ở khu vực nhà nước tăng tới 27,8% và thu thuế từ thu nhập cá nhân đạt 26,4%, cho thấy sự phục hồi tốt về thu nhập của người dân…
Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, Chi Cục trưởng Chi Cục Thống kê cho biết theo nhận định của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế, chính sách thuế đối ứng của Mỹ có khả năng sẽ làm tăng căng thẳng, gián đoạn thương mại, ảnh hưởng đến các quốc gia mà có độ mở kinh tế lớn giống như Việt Nam và TP.HCM.
“Năm nay, xu hướng kinh tế có thể ngược lại các năm trước là sáu tháng cuối năm là sẽ khó khăn hơn sáu tháng đầu năm, trong khi là các năm trước có xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước”– ông Hoàng nêu.
Đáng chú ý, theo ông Hoàng, môi trường kinh doanh của TP chưa có chuyển biến tích cực. Quý I-2025, 1 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 1,4 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Những năm trước tỉ lệ này thấp hơn, cụ thể là tỉ lệ 1-0,6 vào năm 2021; 1-0,9 vào năm 2022 và 1-1 vào năm 2024…, cho thấy xu hướng gia nhập vào thị trường ngày càng thấp hơn rút khỏi thị trường.
“Bước chạy đà của TP khá tốt trong quý I nhưng chưa có những cú hích, đòn bẩy lớn mà động lực chủ yếu dựa vào động lực truyền thống là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư”– ông Hoàng nêu.
Do đó, để tăng trưởng cả năm 2025 đạt trên 8,5%, 6 tháng đầu năm phải đạt trên 8,61% và để cả năm đạt trên 10% thì 6 tháng đầu năm phải đạt trên 10%.
“Đây là chỉ tiêu vô cùng thách thức, do đó trong quý II phải tăng tốc để bù đắp khả năng suy giảm trong quý III, IV”– ông Hoàng nói tiếp.
Khoán tăng trưởng cho doanh nghiệp tư nhân
Dù nhìn nhận GRDP của TP.HCM trong quý I-2025 tăng 7,51% là tỉ lệ cao, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng theo dự báo từ đầu năm, quý I phải đạt 8,38-8,54%, kéo dài liên tục đến cuối năm mới đạt 8,5%.
“Việc tăng trưởng 7,51% trong quý I là rất tốt nhưng so với mục tiêu 8,5% thì không đạt”– TS Vũ nói.

TP Thủ Đức cùng các TP Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) tạo thành cụm đô thị rất phát triển, cần được đầu tư mạnh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Theo ông Vũ, để tăng trưởng đột biến nhanh với nền kinh tế quy mô 1,7 triệu tỉ đồng mà tăng rất ngắn hạn thì không có cách nào khác là phải kích tổng cầu, dồn lực đầu tư với khoảng 600.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, giải ngân đầu tư công trong quý I đạt khoảng 5,5% là chưa đạt so với mục tiêu 7% như mong muốn; còn đầu tư tư nhân đang phụ thuộc vào đầu tư công dẫn dắt, môi trường kinh doanh, đất và phương thức đầu tư, nếu không gỡ được những này thì đầu tư tư nhân sẽ không thoát ra được. Chưa kể, tăng trưởng của TP còn gắn chặt với tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ.
Về dài hạn, TS Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh phát triển doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo là then chốt. Trong đó, phải tạo ra hàng ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu doanh nghiệp mới và ngày càng lớn lên.
“Nhìn số liệu của doanh nghiệp phá sản và thành lập mới vào quý I cho thấy sự đáng lo ngại”– TS Vũ đánh giá và đề nghị có những nghiên cứu sâu hơn về lý do doanh nghiệp ngừng hoạt động bởi đây là lực lượng giúp TP tăng trưởng trong năm nay và các năm sau.
TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng phải dùng đòn bẩy đầu tư công để đầu tư, từ đó kích thích đầu tư tư nhân vào khoa học công nghệ.
Về cách làm, theo TS Vũ, Trung ương đã khoán tăng trưởng cho cho các địa phương. Trên tinh thần đó, UBND TP.HCM cần khoán tăng trưởng cho các sở, ngành, địa phương và cả các doanh nghiệp tư nhân.
“Chúng ta muốn làm đường sắt thì mời một tập đoàn lớn vào cùng trao đổi, giao nhiệm vụ”– ông nói và cần mở rộng cách làm này cho các ngành nghề khác để làm nhà ở xã hội, nhà ven kênh rạch, phát triển đường thủy, đường bộ…
Về cực tăng trưởng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng TP Thủ Đức cùng các TP Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) tạo thành cụm đô thị rất phát triển, cần được đầu tư mạnh. Bên cạnh đó, phía Nam có khu đô thị quận 7, huyện Bình Chánh cũng là một cực tăng trưởng, gắn với cảng logistics, sông Soài Rạp...
Ông Vũ đề nghị phải có các dự án liên kết hai cụm đô thị này, xem đây là hai cực tăng trưởng quan trọng.