Để mùa hè không còn trẻ em đuối nước
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp cùng chung tay đẩy lùi nguy cơ đuối nước, nhất là trong dịp nghỉ hè của học sinh.
NGUY CƠ RÌNH RẬP
Hiện tại đang trong dịp nghỉ hè, việc kiểm soát, nhắc nhở, trông coi trẻ em ở vùng nông thôn còn nhiều bất cập. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra các vụ đuối nước thương tâm đã để lại hậu quả đau lòng cho các gia đình.
Tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh.
Hơn 2 tháng trôi qua, nhưng bà V.T.V. (ngụ xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau về việc cháu nội và cháu ngoại của mình bị đuối nước trong ao vườn nhà. Do đi làm ăn xa nên cha mẹ hai em gửi các em cho bà V. trông coi. Trưa cùng ngày, bà V. sau khi uống thuốc thì mệt, nằm nghỉ trong nhà và căn dặn hai em T. và Y. chơi xung quanh nhà. Đến khoảng 14 giờ 45 phút cùng ngày, bà V. thức dậy thì không thấy hai cháu của mình đâu nên cùng mọi người xung quanh tìm kiếm. Sau đó, mọi người phát hiện hai bé bị đuối nước.
Thực tế nhận thấy, môi trường sống xung quanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước (TNĐN) cho trẻ em khó kiểm soát như kinh, sông, ao, mương nước, cống rãnh cấp thoát nước, dụng cụ chứa nước, hố công trình... chưa có biện pháp phòng ngừa thích hợp, không có biển cảnh báo, biển chỉ dẫn, rào chắn, nắp đậy. Trong khi đó, nhiều gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, áp lực kinh tế khiến cha mẹ thường xuyên phải đi làm xa, trẻ em chủ yếu do ông bà chăm sóc nên việc quản lý, giám sát trẻ em chưa được quan tâm chu đáo.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB &XH) tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 14 vụ đuối nước, chết 15 người (trong đó đa số là trẻ em). Nguyên nhân dẫn đến những vấn đề trên trước hết một phần do nhận thức và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, trong đó việc tổ chức thực hiện thiếu cụ thể, chưa phát huy sức mạnh ở mỗi địa phương, cộng đồng. Bên cạnh đó, còn một bộ phận gia đình chưa thấy hết trách nhiệm đối với việc giáo dục kỹ năng sống cho con em mình và chưa hiểu hết được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cho con em học bơi.
Có thể thấy, công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em thể hiện qua hoạt động thiết thực, hiệu quả nhất là dạy bơi, luôn được các ngành chức năng và các đơn vị liên quan nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, việc thiếu hồ bơi - “điểm nghẽn” của hoạt động phải được giải quyết sớm và phải tăng cường vận động xã hội hóa cho công tác quan trọng này.
TRÁCH NHIỆM KHÔNG CỦA RIÊNG AI
Năm 2024, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; đồng thời ký kết Kế hoạch phối hợp liên ngành 740 về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2024 - 2030. Các đơn vị, địa phương, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em tại trường học, cộng đồng; tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em…
Lớp học bơi dành cho trẻ em tại hồ bơi Nguyễn Đình Chiểu.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ Nương cho biết: Nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là TNĐN, Sở LĐ-TB&XH cùng các ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phổ biến cách phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là các loại tai nạn gây tử vong nhiều ở trẻ như TNĐN.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước của các cấp, ngành đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nâng cao nhận thức của trẻ, gia đình và xã hội, đây là những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trước thực tế này, TP. Mỹ Tho đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống TNĐN đến từng trẻ em hiện đang học tại các trường trên địa bàn. Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Mỹ Tho Trương Thị Hoàng Lam cho biết, Phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho đã đề nghị các trường trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh trong việc tuân thủ các quy định về phòng, chống tai nạn thương tích và TNĐN.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc quản lý, giáo dục học sinh về ý thức phòng, chống tai nạn thương tích và TNĐN; vận động gia đình thường xuyên quan tâm giám sát con em mình, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước nhằm phòng, chống TNĐN, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè và mùa mưa bão.
Ngoài ra, Phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho tăng cường dạy trẻ kỹ năng bơi trong việc thực hiện Đề án “Phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Mỹ Tho giai đoạn 2020 - 2025” nhằm giúp học sinh nâng cao thể chất, từng bước hoàn thiện kỹ năng thực hành để tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ TNĐN. Sau mỗi khóa học, Phòng GD-ĐT phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các em tham gia phổ cập bơi đạt yêu cầu.
Theo các cơ quan chức năng, hè cũng là thời điểm mà số vụ liên quan đến tai nạn thương tích, TNĐN ở trẻ em cao hơn so với thời gian khác trong năm. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, thì mỗi bậc phụ huynh cần chăm sóc, quan tâm, theo dõi chặt chẽ và nhắc nhở con em cẩn trọng khi vui chơi, tắm sông, tắm biển; tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động bổ ích để có một mùa hè thật ý nghĩa.