Để hiểu ngày hôm nay chính là phải hiểu ngày hôm qua
'Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc', tác phẩm của Paul Kennedy, người dịch: Nguyễn Thanh Xuân, do Nxb Thế giới liên kết Công ty CP Sách Omega Việt Nam ấn hành. Đây là một trong những tác phẩm đươc vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu năm 2023 vừa qua. Dịch giả Nguyễn Thanh Xuân dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện xung quanh quyển sách và câu chuyện dịch thuật.
+ Được biết năm vừa qua cuốn "Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc" của Paul Kennedy do ông dịch thuật là một trong những đầu sách gây chú ý công chúng và được lọt vào danh sách những tác phẩm được vinh danh tại Giải sách hay Quốc gia, ông thể cho biết thêm vài thông tin về sự kiện này?
+ Theo đúng đề tựa, tác phẩm này tập trung vào sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc giới hạn trong 500 năm, từ 1500 đến 2000, phân tích hai khía cạnh quan trọng nhất tạo nên sức mạnh của một quốc gia: kinh tế và quân sự. Trong khung thời gian này, luôn có một hay một vài quốc gia vươn lên tầm cường quốc với ảnh hưởng sâu rộng trên quy mô lục địa hay thậm chí toàn cầu, nhưng đồng thời cũng trở thành mục tiêu đối kháng của các quốc gia khác, như những đế chế trước đó (La Mã, Mông Cổ...). Mỗi cường quốc xuất hiện trong 5 thế kỷ này vươn lên vị thế "cường quốc" nhờ vào hai yếu tố quan trọng là địa lý và kinh tế (như phân tích của Ian Morris trong tác phẩm: Tại sao phương Tây vượt trội hay Bàn cờ lớn của Zbigniew Brzezinski) và một số nhân tố khác, chẳng hạn, hệ thống chính trị, tài nguyên thiên nhiên, con người, sức mạnh quân sự, thậm chí đức tin tôn giáo... Dù cuốn sách này ra đời đã lâu (thập niên 80 thế kỷ trước), nhưng những gì trình bày trong cuốn sách vẫn là một bài học cho thế giới đương đại, vì có vẻ diễn biến của lịch sử vẫn như đang tái hiện, ở một hình thái khác.
+ Sách này ông đã dịch thuật trong thời gian bao lâu? Ông đã từng gặp những đề tài "nặng ký" như thế này hay chưa, có khó khăn đáng kể khi làm việc so với những tác phẩm khác?
+ Theo hợp đồng với đơn vị đối tác, dịch thuật cuốn sách này là 6 tháng, nhưng có chậm trễ vì lý do bất khả kháng. Tôi vốn là giáo viên Anh văn dạy ở một số trường trung học cơ sở tại Đà Nẵng, nhưng cũng rất say mê văn học trong nước cũng như quốc tế. Tình cờ, đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, qua sự động viên, giới thiệu của anh em bạn bè, tôi bắt đầu dịch những tác phẩm đầu tiên cho Nxb Đà Nẵng. Từ đó, được những đơn vị khác quan tâm mời hợp tác, và cứ thế công việc tiếp tục cho đến ngày nay. Tôi đã dịch một số tác phẩm tiêu biểu được cho là "nặng ký" như: Kẻ độc tài và chiếc võng (tác giả Daniel Pennac, dịch chung với Đà Linh), Tương lai văn học (Frédéric Badré, dịch chung với Đà Linh), Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng; Đạo của kiến trúc (Amos Ih Tiao Chang)... Tôi cũng tham gia chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh các tập thơ Trầm tích (Sediment) của Hoàng Trần Cương, Thời máu xanh (A Time of Green Blood) của Nguyễn Thụy Kha…. Nhờ vậy, với những tác phẩm như "Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc", tôi không thấy đến mức nặng nề.
+ Theo ông những vấn đề đặt trong nội dung cuốn sách có tác động nào với đất nước ta trong bối cảnh hiện nay?
+ Tôi không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử, và cũng không ở vị thế của một nhà hoạch định chính sách quốc gia nên không dám lạm bàn. Nhưng những tác phẩm thuộc loại này nên có trong tủ sách của tầng lớp tinh hoa, còn chuyện họ có đọc hay không thì... God knows, để điều chỉnh chính sách quốc gia như Jared Diamond đã nêu trong "Biến Động"; nếu không chúng ta sẽ hình thành một "quốc gia thất bại", như trong "Tại sao phương Tây vượt trội"
+ Nhân tiện, ông có thể nêu vài nhận định về tình hình hoạt động dịch thuật văn học hiện nay tại nước ta, đặc biệt là ở khu vực miền Trung?
+ Văn học hiện tại đa dạng hơn rất nhiều so với trước đây, với đủ các thể tài, đáp ứng mọi khẩu vị. Riêng về văn học dịch, số lượng người dịch đã tăng theo cấp số nhân, nhưng vì thế cũng không tránh được tình trạng xô bồ. Thời trước, về mảng sách dịch, ngoài tác giả ra, người đọc còn kén chọn cả người dịch. Lớp độc giả trẻ bây giờ có khẩu vị dễ dãi hơn, phần lớn chỉ chọn những thể loại không cần phải suy ngẫm nhiều. Ngoài hai trung tâm Sài Gòn và Hà Nội thì ở Quảng Nam và Đà Nẵng đội ngũ dịch thuật rõ ràng hơi thiếu vắng, có thể nói vẫn chưa sánh nổi với Huế có truyền thống học thuật lâu đời. Gần đây, tôi nghe đâu cũng có một số dịch giả trẻ ở Đà Nẵng, nhưng chưa đọc được tác phẩm nào, có thể là do họ thiên về dịch những thể loại dễ ăn khách kiểu "How to...". Vả lại, ít ai sống được với nghề dịch lâu dài, vốn khó đủ xoay xở trong đời sống, ngoại trừ những người yêu thích công việc này. Vì vậy, tình trạng "thiếu vắng" người dịch thuật cũng đúng thôi. Bản thân tôi ngoài việc dịch sách, hoặc cộng tác với một số tờ báo, Nxb Đà Nẵng, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển ở Huế... cũng phải nhận thêm những việc vụn vặt để tồn tại.