Để du lịch nông thôn không chỉ dừng lại ở tiềm năng

Từ khi trở thành thành viên của Câu lạc bộ 'Điểm đến Quảng Nam - giữ gìn giá trị bản địa' vào tháng 10/2023 đến nay, làng du lịch sinh thái cộng đồng Đại Bình, huyện Quế Sơn như được tiếp thêm nguồn nội sinh mới.

Đây là kết quả đáng ghi nhận từ nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng tầm giá trị bản sắc truyền thống, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng cư dân và doanh nghiệp du lịch. Để làng du lịch sinh thái cộng đồng Đại Bình cũng như các điểm du lịch nông nghiệp nông thôn thật sự là điểm đến trên bản đồ du lịch tỉnh Quảng Nam thì còn nhiều việc cần được giải quyết một cách căn cơ.

Làng Đại Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: baoquangnam.vn

Làng Đại Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: baoquangnam.vn

Hỗ trợ doanh nghiệp “kích hoạt” du lịch nông thôn

Tham gia chuyến Famtrip (chuyến đi tìm hiểu, tiếp thị) về làng du lịch sinh thái cộng đồng Đại Bình vào giữa tháng 4/2025, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch dịch vụ Hoa Hồng Phạm Vũ Dũng chia sẻ, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Đại Bình đúng với mệnh danh là làng trái cây Nam Bộ giữa đại ngàn miền Trung, nguồn tài nguyên du lịch quý giá.

Du khách, nhất là khách quốc tế đến với Đại Bình, vùng quê ở thượng nguồn sông Thu Bồn là muốn đến tìm hiểu làng quê yên bình, ở đó có những con người bình dị, thật thà, mến khách. Ở chiều ngược lại, khi cộng đồng cư dân trân quý bản sắc văn hóa truyền thống của mình, giữ gìn môi trường sinh thái trong lành, có nguồn thu nhập đáng kể từ các sản phẩm du lịch là những yếu tố cốt lõi làm nên thành công của du lịch nông nghiệp, nông thôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch dịch vụ Hoa Hồng Phạm Vũ Dũng đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, cũng như nhiều điểm đến khác, làng du lịch sinh thái cộng đồng Đại Bình và nhiều làng du lịch khác của Quảng Nam mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát, tính chuyên nghiệp chưa cao, nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nhất là khả năng kết nối, tính lan tỏa từ công tác quảng bá giữa các điểm đến còn hạn chế, cần sớm được khắc phục.

Làng du lịch sinh thái cộng đồng Đại Bình đang được huyện Quế Sơn xây dựng trở thành điểm nhấn để lan tỏa tới những điểm đến khác như, làng Cà Tang, Hòn Kẽm Đá Dừng, lăng Bà Thu Bồn, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xa hơn là Hội An, Đà Nẵng và kết nối với du lịch biển đảo.

Huyện Quế Sơn đang hoàn thiện đề án thu hút đầu tư khai thác một số điểm du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn voi gắn với gìn giữ, bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng sâu trong đất liền. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để doanh nghiệp du lịch tham gia chuỗi sản phẩm này, đây là nền tảng nhằm “kích hoạt” du lịch nông thôn phát triển, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch dịch vụ Hoa Hồng Phạm Vũ Dũng đề xuất.

Quảng bá gắn với kết nối thị trường

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Dương Đức Lin cho biết, làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh là một trong bốn làng cổ trên cả nước. Mỗi năm, làng cổ Lộc Yên thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan.

Để phát huy hiệu quả du lịch, lấy làng cổ Lộc Yên làm hình mẫu cho du lịch nông thôn, Tiên Phước tranh thủ nhiều nguồn lực, xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch như, xây dựng điểm đón tiếp khách tại làng, xây dựng đường nội bộ, đường xuống điểm danh thắng Lò Thung, hỗ trợ kinh phí cho hàng trăm gia đình cải tạo vườn cây ăn trái... Nhiều gia đình đã phát triển dịch vụ ăn uống, loại hình homestay, bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Đặc biệt, nhờ nguồn đầu tư của Trung ương và địa phương, Khu Di tích quốc gia Nhà lưu niệm quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng được nâng cấp và mở rộng, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi tham quan làng quê Tiên Phước. Tuy nhiên, phải thẳng thắng thừa nhận là khâu quảng bá và kết nối thị trường, kết nối giữa các điểm đến của Tiên Phước vẫn còn hạn chế.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh đánh giá, du lịch nông nghiệp, nông thôn là bộ phận không thể thiếu trong chuỗi sản phẩm du lịch xanh. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch nông thôn, vấn đề đầu tiên phải trân quý các giá trị bản địa, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá và kết nối thị trường.

Mặt khác, doanh nghiệp phải được Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn, cơ chế ưu đãi để họ mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch. Doanh nghiệp phải trở thành “đầu tàu” mạnh mẽ, kéo du lịch nông thôn về phía trước một cách hài hòa và bền vững.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, toàn tỉnh hiện có 128 điểm du lịch nông nghiệp nông thôn. Trong năm 2024, tổng lượng khách đến Quảng Nam đạt hơn 8 triệu lượt, trong đó có hơn 30% du khách có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần đưa tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt hơn 21.600 tỷ đồng. Điều này cho thấy, tiềm năng du lịch nông nghiệp nông thôn của địa phương cần được khai thác một cách đúng mức.

Theo các chuyên gia trong ngành Du lịch, du lịch nông thôn của Quảng Nam giàu tiềm năng nhưng phải đối mặt các thách thức, cần sớm được khắc phục. Đó là quy mô các điểm đến còn nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, hạ tầng giao thông hạn chế, nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực và khả năng kết nối thị trường của du lịch nông thôn còn bỏ ngỏ.

Để khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch nông thôn, nhiều chuyên gia đề xuất Quảng Nam đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch, lồng ghép đầu tư giữa hạ tầng du lịch nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn lao động sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch.

Tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn được tổ chức tại tỉnh vào cuối năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, ngành Du lịch là nền tảng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Quảng Nam đã, đang và sẽ tập trung phát triển du lịch nông thôn, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững.

Đây được xem là bước chạy đà, làm cam kết mạnh mẽ để ngành Du lịch Quảng Nam tiến mạnh vào khu vực nông thôn, để du lịch nông thôn không chỉ dừng lại ở tiềm năng.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/de-du-lich-nong-thon-khong-chi-dung-lai-o-tiem-nang-20250423165437055.htm
Zalo