Để 'Đảng ta là đạo đức, là văn minh'

Từ trước đến nay, Đại hội Đảng bộ các cấp có vai trò dẫn dắt, định hướng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ nào cũng có 3 nhiệm vụ trọng tâm: Thảo luận, thông qua Văn kiện Đại hội cấp mình; góp ý với dự thảo Văn kiện Đại hội cấp trên, Văn kiện Đại hội nhiệm kỳ tới của Đảng; lựa chọn nhân sự tham gia cấp ủy các cấp, hoàn thiện nhân sự trong hệ thống cơ quan lãnh đạo của Đảng từ cấp cơ sở đến Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Những nội dung trên đều là vấn đề hệ trọng, liên quan đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; đến việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, biện pháp lãnh đạo; quyết định sức mạnh nội bộ Đảng và hệ thống chính trị; đến toàn bộ hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp trong nhiệm kỳ tới cũng như sức mạnh của toàn dân tộc trong tương lai. Trong 3 nhiệm vụ trọng tâm ấy thì việc quan trọng hàng đầu chính là lựa chọn nhân sự để bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Công tác cán bộ chính là “then chốt của mọi then chốt”.

“Dụng nhân như dụng mộc”, câu nói về thuật dùng người đã có từ ngàn xưa. Nói nôm na là phải biết bố trí đúng người, đúng việc.

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài “Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030". Tổng Bí thư khẳng định:

“Nhân sự cấp ủy cũng chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ trì, chủ chốt ở từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là lực lượng lãnh đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, quyết định việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đi vào cuộc sống; đồng thời, nắm bắt tình hình đề xuất với Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách phù hợp nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên luôn là nhân tố quan trọng, quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự ổn định, phát triển, vững mạnh của địa phương, cơ quan, đơn vị cả trước mắt và lâu dài (...). Nhân sự tham gia cấp ủy, các nhân sự được lựa chọn đi dự đại hội cấp trên phải là tinh hoa của Đảng, thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, bản lĩnh, trí tuệ; có tầm nhìn và tư duy chiến lược; có trách nhiệm cao, có tư duy đổi mới, biết nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không né tránh, trì trệ, thụ động trước những vấn đề mới phát sinh; có năng lực thực tiễn, khả năng lãnh đạo, quản lý; mạnh dạn, sáng tạo trong đóng góp ý kiến, để giúp đại hội đề ra được các quyết sách đúng đắn đáp ứng những yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...”.

***

Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trong hơn chục năm qua thì thấy rõ ràng một điều là công tác đề bạt, sử dụng và quản lý cán bộ của chúng ta có nhiều điều không ổn. Bằng chứng là đã có nhiều cán bộ cao cấp, thậm chí là ở cấp Trung ương quản lý bị xử lý bằng pháp luật. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1945 trở lại đây, chưa có thời kỳ nào mà lãnh đạo đến cấp “tứ trụ” lại thay đổi nhanh đến “chóng mặt” như thời gian qua. Chưa khi nào mà số cán bộ bị kỷ luật hoặc “có vấn đề nghiêm trọng” phải “tự xin nghỉ” nhiều như nhiệm kỳ Đại hội XIII. Đó là một thực tế đáng lo ngại về sự suy thoái đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa... Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng với sự tồn vong của Đảng.

Tuy nhiên, có một điều mà dư luận rất thắc mắc, thậm chí không hiểu nổi là tại sao cán bộ của Đảng, khi được đề bạt, bổ nhiệm hoặc bầu vào các cấp ủy Đảng thì cơ bản đều là “trong sạch”, “liêm khiết”; và ai cũng được “đào tạo bài bản”; có “quá trình công tác tốt”; được “rèn luyện”, trau dồi kiến thức, được dân tin yêu, đồng sự quý mến, có đạo đức tốt... Tóm lại là những người được lựa chọn đều xứng đáng. Quy trình chọn lựa thì cũng rất chặt chẽ và không ai dám nói là không minh bạch... Chưa từng nghe thấy ở bất cứ đại hội nào từ cấp cơ sở là chi bộ lại có báo cáo rằng “đã chọn sai người đứng đầu”...

Nhưng... lại có chữ “nhưng”, dư luận vẫn xầm xì rằng có nạn chạy chức chạy quyền, có nạn “mua phiếu”, có nạn kéo bè kéo cánh để đùn đẩy nhau lên... Điều kỳ lạ là những tệ nạn này đang tiếp tục gây nhiều nhức nhối trong công tác sử dụng, quản lý cán bộ, nhưng tất cả chỉ BIẾT mà không THẤY. Đã có không ít cán bộ từng cao giọng nói: “Ai chạy chức chạy quyền, hãy cho tôi biết. Tôi xử lý ngay”. Trường hợp này cũng giống như rất nhiều cán bộ làm giàu bằng tham nhũng, bằng ăn hối lộ cho nên mới có tiền xây biệt phủ, sắm xe sang, cho con đi học nước ngoài... Sự giàu có của họ ai cũng biết nhưng không ai truy tận gốc là “tiền ở đâu ra?” và “số tiền đó đã nộp thuế chưa?”.
Chọn cán bộ theo đúng tiêu chuẩn vốn rất khó, nếu như công tác tuyển chọn không được tiến hành thực sự dân chủ.

Người viết bài này đã dự nhiều hội nghị giới thiệu người vào các cơ quan lãnh đạo và thấy rất rõ kiểu “áp đặt” của cấp trên đối với cấp dưới. Đó là kiểu giới thiệu “1 bầu 1”, hoặc “đồng chí A đã được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo cấp trên xem xét chọn lựa. Tuy nhiên, tại hội nghị này, chúng ta hoàn toàn dân chủ, nếu các đồng chí thấy có ai xứng đáng hơn, phù hợp hơn thì cứ giới thiệu... Chứ lãnh đạo cấp trên không áp đặt”... Nói kiểu như vậy, đố ai dám giới thiệu thêm hoặc đố ai dám tự ứng cử. Vì vậy, không hiếm nhiều cấp đại hội, việc chọn lựa người tham gia các cấp ủy chỉ là hình thức.

Cũng trong bài viết đã nêu ở trên, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra những vấn đề nổi cộm trong công tác chọn lựa cán bộ tham gia các cấp lãnh đạo, đây là điều rất đáng mừng cho Đại hội Đảng các cấp. Bởi lẽ, một khi người đứng đầu đã nói thẳng, nói thật thì không còn cớ gì để cấp dưới che giấu, lấp liếm những yếu kém...

Lại có một vấn đề nữa là: Tại sao cứ mỗi kỳ đại hội, chúng ta đều nói là đã lựa chọn được cán bộ tốt, đúng quy trình, minh bạch, dân chủ và công khai... Vậy mà, như ở nhiệm kỳ Đại hội XIII hiện nay, lại nhiều cán bộ cao cấp bị kỷ luật thế? Muốn hiểu điều này thì cũng rất dễ, nguyên do là chính chức vụ có thể làm hỏng con người. Đơn giản thôi, khi cán bộ ở cấp thấp hoặc đảm nhiệm những vị trí ít liên quan đến “cơm, áo, gạo, tiền” thì ít bị va chạm, ít người đến cầu cạnh, xin xỏ, nhờ vả và dĩ nhiên là cũng ít “bổng lộc”. Nhưng, khi lên vị trí cao hơn, có “quyền sinh, quyền sát” thì lúc này mới nảy sinh chuyện quà cáp, biếu xén, “lại quả” ở các dự án, rồi tiền “lobby” trong đủ mọi việc.

Từ chối đồng tiền người ta mang đến là việc cực kỳ khó khăn trong tư tưởng của mỗi con người. Khi chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường thì cũng có nghĩa là phải chấp nhận sức mạnh của đồng tiền. Đúng là “tiền không phải là tất cả” nhưng “không có tiền thì cũng không có tất cả”. Và, “đồng tiền chưa hẳn mang lại hạnh phúc” nhưng không có tiền thì khó mà có được hạnh phúc. Vì thế, cán bộ đứng vững được trước sự quyến rũ của đồng tiền là vô cùng khó khăn.

Muốn “giúp” cán bộ đứng vững được trước sức mạnh của đồng tiền thì rõ ràng là phải bằng pháp luật hoặc bằng các quy định, chế tài nghiêm khắc, bên cạnh đó là công tác giám sát, hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng quyền lực của người đứng đầu. Còn như chỉ giáo dục suông, rồi yêu cầu cán bộ phải “tự giác” thì kết quả sẽ hạn chế.

Muốn cán bộ tự giác trước hết phải khép vào kỷ luật - đó là điều Lênin đã dạy. Trong bài phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng vào năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Để hiểu “Đảng ta là đạo đức” thì dễ thấy bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của nhân dân và giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành lẽ sống cao cả, thiêng liêng, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, luôn “dĩ công vi thượng”.
Nhưng, “là văn minh” thì thế nào? “Văn minh là tiến bộ, là tiên tiến, là sáng sủa, đẹp đẽ, là đối nghịch với sự tối tăm...”. Vậy thì chúng ta phải thực hiện bằng được những yêu cầu của công tác chọn lựa cán bộ tham gia cấp ủy Đảng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đó chính là để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

Nguyễn Như Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/de-dang-ta-la-dao-duc-la-van-minh-i760054/
Zalo