Để cát biển về đến công trường - Kỳ 1: Gỡ khó chính sách, phát huy hiệu quả từ cơ chế đặc thù

Việc khan hiếm cát đắp nền đường là vấn đề nhức nhối tại các dự án giao thông khu vực phía Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan đã nhiều lần họp bàn, làm việc để cùng tháo gỡ. Ngoài việc tăng công suất các mỏ cát sông, giao mỏ cho nhà thầu chủ động khai thác thì việc đẩy nhanh thí điểm và sử dụng cát biển đã góp phần giải quyết khó khăn hiện hữu, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Một khu vực khai thác cát sông trên sông Tiền

Một khu vực khai thác cát sông trên sông Tiền

“Báo động đỏ” thiếu hụt cát sông

Ngay từ những ngày đầu làm việc tại các tỉnh ĐBSCL để triển khai dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận đã xác định nhu cầu vật liệu đắp nền đường tại khu vực là rất lớn.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ đã bộ triển khai 16 dự án giao thông trọng điểm và được áp dụng chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo đó, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền cho 16 dự án giao thông trong vùng khoảng 70 triệu m3, trong đó cát đắp trên 63 triệu m3, đến nay đã xác định được nguồn cung 37 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa có nguồn.

Hàng loạt dự án trọng điểm "nằm chờ" cát đắp

Hàng loạt dự án trọng điểm "nằm chờ" cát đắp

Giai đoạn đầu, Bộ GTVT chỉ mới cơ bản xác định đủ nguồn cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dự án thành phần 1 và 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (có 4 dự án thành phần). Tuy nhiên, công suất khai thác ở các mỏ cát tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp còn rất thấp so với tiến độ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đề ra. Cụ thể, tổng nhu cầu cát cho dự án này khoảng 18,5 triệu m3.

Hiện nay, An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, có trữ lượng cát sông lớn nhất trong vùng. Tuy nhiên, cả hai địa phương này đều báo cáo tình hình khai thác cát sông tại địa bàn không thể đáp ứng nhu cầu rất lớn đó.

Theo UBND tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh có 11 khu mỏ mới đang lập các thủ tục để khai thác theo cơ chế đặc thù cung cấp các dự án cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ, với khối lượng khoảng 16,6 triệu m3, trong đó có một khu nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao với khối lượng được phép nạo vét khoảng 3,4 triệu m3. Bên cạnh đó, có 5 khu mỏ đang tạm dừng hoạt động và 3 khu vực nạo vét cũng đang tạm dừng để tiến hành đo đạc, khảo sát, tính toán lại trữ lượng... Như vậy, tổng khối lượng cát của tỉnh dự kiến từ nay đến 2025 chỉ khai thác được khoảng 20 triệu m3.

Phía Bộ GTVT cũng đã mở rộng khu vực lên các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… nhưng đến nay chỉ có tỉnh Vĩnh Long hoàn tất các thủ tục cấp mỏ và nâng công suất nhưng vẫn không cung cấp đủ cho nhu cầu đắp nền đường của nhà thầu thi công.

Bên cạnh đó, các địa phương đều đặt mối lo ngại khi việc khai thác cát sông quá mức sẽ dẫn đến việc sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như đời sống của người dân hai bên sông.

Tiên phong giao mỏ cho nhà thầu

Để giải quyết những khó khăn tại các dự án giao thông trọng điểm, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong giao mỏ tại huyện Châu Thành cho nhà thầu khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước vận dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đó là mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn, đã được tỉnh Đồng Tháp giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trực tiếp khai thác trong một năm. Đơn vị này chính thức nhận bàn giao và tiến hành khai thác vào ngày 20/9/2023. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, để triển khai việc giao mỏ theo cơ chế đặc thù chưa có tiền lệ này, tỉnh đã phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan với tinh thần khẩn trương để bảo đảm đúng quy định, đồng thời giúp địa phương chủ động được nguồn cát phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Khu vực mỏ cát đầu tiên được giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù

Khu vực mỏ cát đầu tiên được giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù

Đồng Tháp là một trong ba tỉnh ở ĐBSCL (cùng với An Giang và Vĩnh Long) có trữ lượng cát nhiều nhất trong vùng, tập trung chủ yếu ở sông Tiền và sông Hậu. Tỉnh này đã cấp 14 giấy phép khai thác cát cho các đơn vị với tổng công suất 5,655 triệu m3/năm.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận thường xuyên theo dõi tiến độ thi công, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu trong quá trình khai thác. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị theo dõi sát sao chất lượng cát tại các mỏ để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh.

Khẩn trương thí điểm cát biển ngay tại dự án

Trước việc nguồn cát sông đang khan hiếm như hiện nay, việc sử dụng cát biển để làm vật liệu thay thế là vấn đề cấp bách, được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, gấp rút thực hiện.

Trên cơ sở đề cương chi tiết triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 được Bộ GTVT chấp thuận ngày 7/12/2022), Ban QLDA Mỹ Thuận đã triển khai ngay các công việc như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán thi công thí điểm, tổ chức triển khai công tác lựa chọn nhà thầu và để triển khai thi công và nghiên cứu đánh giá thí điểm.

Đoạn thi công thí điểm cát biển tại cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Đoạn thi công thí điểm cát biển tại cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Phạm vi thi công thử nghiệm thuộc đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 tại lý trình Km79+820 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau. Trong đó, công tác quan trắc môi trường đã thực hiện lấy mẫu và phân tích môi trường nền trước khi thi công, bao gồm: 8 mẫu nước mặt, 18 mẫu nước ngầm lấy từ 18 giếng khoan, 6 mẫu đất và 3 mẫu vật liệu cát.

Bên cạnh đó, công tác tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật khai thác, vận chuyển và thi công cát biển làm vật liệu đắp nền đường cũng được gấp rút thực hiện theo đề cương.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng làm việc tại tỉnh Bến Tre để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vật liệu cát đắp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng làm việc tại tỉnh Bến Tre để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vật liệu cát đắp

Hiện nay, dự án thí điểm được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực tỉnh Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu m3. Bộ trưởng cho biết, trữ lượng cát biển tại tỉnh Sóc Trăng là rất lớn, khi khai thác có thể đáp ứng nhu cầu của các dự án.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực, các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ. Do đó, việc sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ô tô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện. Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các chủ đầu tư kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường này.

Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp xúc, động viên người dân tỉnh Vĩnh Long đồng thuận, ủng hộ để dự án cao tốc Bắc - Nam sớm hoàn thành

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp xúc, động viên người dân tỉnh Vĩnh Long đồng thuận, ủng hộ để dự án cao tốc Bắc - Nam sớm hoàn thành

Để tháo gỡ khó khăn nguồn cát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều buổi làm việc, các cuộc họp trực tuyến để đưa ra phương án tháo gỡ nhanh chóng khó khăn nguồn vật liệu.

Tại buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, để giải quyết nhu cầu về vật liệu cát còn thiếu, phương án trước mắt là sử dụng cát biển.

“Chúng ta không thể dựa mãi vào cát sông, phải thay bằng cát biển. Cát biển cấp cho dự án cao tốc là nằm trong cơ chế đặc thù. Vì vậy, các địa phương có cát biển phải triển khai các thủ tục cung cấp mỏ phục vụ cho dự án cao tốc áp dụng theo cơ chế đó”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các tỉnh rút ngắn thời gian cấp phép khai thác cát theo cơ chế đặc thù, không để chậm trễ nguồn vật liệu san lấp cho dự án, đồng thời phân cấp thẩm quyền cho địa phương về nạo vét các tuyến sông, tạo thuận lợi lưu thông đường thủy.

"Đối với vấn đề cấp phép khai thác mỏ, chủ đầu tư, nhà đầu tư, người đi khai thác là những đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật. Nếu muốn kiểm tra, chúng ta phải yêu cầu họ cung cấp về thiết kế khai thác, công suất, nếu cần thiết có thể thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để giám sát", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/de-cat-bien-ve-den-cong-truong-ky-1-go-kho-chinh-sach-phat-huy-hieu-qua-tu-co-che-dac-thu-183240806154426043.htm
Zalo