Đề cao lối sống văn minh, ứng xử văn hóa

Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa được tổ chức trọng thể và thành công vượt bậc. Với chuỗi hoạt động ý nghĩa, lễ kỷ niệm đã lan tỏa những thông điệp về lòng tự hào, tình đoàn kết dân tộc và để lại ấn tượng sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè quốc tế.

PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trao Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho 6 sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ảnh: vnuhcm.edu.vn

PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trao Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho 6 sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ảnh: vnuhcm.edu.vn

Đối với mỗi người dân, được chứng kiến sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một dịp thiêng liêng, trân quý, hiếm có trong đời. Do vậy, các tầng lớp nhân dân đều hướng về và tham gia sự kiện này với lòng tự hào dân tộc, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước. Mặc dù vậy, trong quá trình tham gia sự kiện này, có lúc, có nơi, một bộ phận người dân, trong đó có giới trẻ, vẫn còn một vài biểu hiện chưa chuẩn mực về lối ứng xử trong lời nói, hành động…

1. Diễu binh, diễu hành là một trong những chương trình được người dân quan tâm, mong đợi tại Lễ Kỷ niệm 30-4 năm nay. Do đó, từ các buổi tổng hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt và đến ngày lễ chính thức, người dân đã sắp xếp công việc để từ nhiều giờ trước đó đến các tuyến đường để đón xem. Hình ảnh giao lưu giữa quân - dân, hay hình ảnh cán bộ, chiến sĩ các khối diễu binh “đi trong vòng tay nhân dân” mang lại sự tự hào, xúc động vì góp phần làm sáng rõ hơn hình ảnh gần gũi, thân thiện, “quân dân như cá với nước”, “quân đội ta từ nhân dân mà ra”, “đi dân nhớ, ở dân thương”…

Việc bộc lộ cảm xúc thương quý, đón mừng nồng nhiệt đối với cán bộ, chiến sĩ là tình cảm rất trân quý, cao đẹp. Điều cần bàn ở đây là một số người dân, đa phần là giới trẻ, chưa tiết chế cảm xúc, có những hành động, lời nói cợt nhã quá đà, hú hét khi các khối diễu binh đi qua; hay như hành động chèo kéo, chụp ảnh dù các chiến sĩ rất mệt vì vừa thực hiện xong nhiệm vụ; sử dụng các từ ngữ chưa chuẩn mực khi xem diễu binh… Đành rằng những cảm xúc trên xuất phát từ lòng yêu mến của người dân, nhưng hoàn toàn không nên thể hiện một cách quá trớn, ảnh hưởng đến cán cán bộ - chiến sĩ, cũng như sự kiện trang nghiêm, trọng đại được cả nước và cả truyền thông quốc tế hướng về. Cũng cần khẳng định là tình cảm yêu mến, biểu hiện chân thành, gần gũi luôn đi kèm với sự tôn trọng, trân quý, khác rất nhiều so với sự đùa cợt quá đà.

2. Trong đại lễ vừa qua, nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ, thể hiện sự văn minh, lịch thiệp nơi công cộng như: chia sẻ thông tin, chỗ ngồi với người khác, không xả rác và nhặt rác tại khu vực mình vừa đến; giúp đỡ người dân bị mệt, xỉu... khi tham gia sự kiện đông người.

Đặc biệt, nhiều người bày tỏ sự biết ơn, trân quý đối với người cao tuổi, nhất là các cựu chiến binh, thông qua các hành động như hướng dẫn, nhường chỗ, mời các cựu chiến binh đến vị trí dễ nhìn. Như trường hợp 6 sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, có hành động nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh trong Lễ Kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Chia sẻ trên truyền thông, đại diện nhóm sinh viên cho biết, hành động của nhóm chỉ là một hành động nhỏ và tin rằng ai cũng sẽ làm điều tương tự với các bác cựu chiến binh. Đồng thời cho rằng, việc nhận Bằng khen là niềm vinh dự, là lời động viên, khích lệ, nhắc nhở các em biết sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng và đất nước.

Cũng trong những ngày đại lễ, trên mạng xã hội lan truyền video clip một nhóm người có thái độ vô lễ đối với 2 cựu chiến binh trong khi chờ đón diễu binh. Trong nhóm người này có sinh viên một trường đại học. Thông báo chính thức về sự việc này, nhà trường cho biết: “Ngay sau sự việc, trường đã mời sinh viên cùng gia đình đến trường làm việc trực tiếp. Qua tường trình của sinh viên, đánh giá toàn diện quá trình học tập của sinh viên tại trường và tham vấn các cơ quan quản lý giáo dục, dựa trên cơ sở các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội đồng Khen thưởng và kỷ luật sinh viên của trường đã tổ chức họp và xác định hình thức xử lý khiển trách, giáo dục sinh viên”.

Cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên, qua đó lan tỏa những hành động đẹp, nghĩa cử tốt, đẩy lùi những cử chỉ, hành động chưa đúng mực…

3. Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là ngày hội lớn của non sông nên người dân khắp mọi miền đất nước đều mong muốn được tận mắt chứng khiến các hoạt động của sự kiện này. Có mặt vào đúng ngày 30-4 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh), chúng tôi cảm nhận được tâm thế hân hoan, phấn khởi, nô nức nhất của người dân từ khắp nơi hội tụ về Thành phố mang tên Bác. Có những cô chú cao tuổi, cựu chiến binh từ miền Bắc, miền Trung vào Thành phố Hồ Chí Minh để có mặt ở khu vực trung tâm thành phố chờ đón lễ kỷ niệm ngay từ chiều 29-4.

Các sự kiện được người dân đón chờ nhất trong ngày 30-4 là lễ kỷ niệm và màn bắn pháo hoa. Ghi nhận vào chiều tối 30-4, dòng người từ các ngả đường càng đông hơn, các lối đi dường như bịt kín, tập trung hướng về phía sông Sài Gòn, nơi có sân khấu lớn với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Nhiều người ở vị trí khá xa, không thấy sân khấu nên đã không ngần ngại leo lên cây. Hành động này ảnh hưởng đến nhiều người ngồi phía dưới nên các bên đã xảy ra cãi vã to tiếng.

Rất đông người dân tập trung ở khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ tối 30-4 đón xem các chương trình văn nghệ và bắn pháo hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: L.Viên

Rất đông người dân tập trung ở khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ tối 30-4 đón xem các chương trình văn nghệ và bắn pháo hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: L.Viên

Chị Thanh (ngụ quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi ở đây từ trưa đến tối 30-4 và chứng kiến mấy vụ tương tự như vậy. Nguyên nhân chủ yếu là do xích mích về chỗ ngồi, vị trí xem, hoặc cách ứng xử với nhau”.

Trong đợt Lễ 30-4 vừa qua, trên mạng xã hội cũng lan truyền nhiều video clip người dân cãi vã dẫn đến “tương tác” lẫn nhau (kéo tóc, xô đẩy…) với nguyên nhân nêu trên. Rất may là lực lượng công an, dân quân tự vệ và người dân xung quanh luôn kịp thời giải quyết sự việc trong êm đẹp, không để sự việc đi quá xa.

Dù chỉ là những sự việc đơn lẻ và xích mích nhỏ, nhưng qua đó cũng cho thấy lối ứng xử chưa chuẩn mực nơi công cộng của một bộ phận người dân, nhất là trong một sự kiện trọng đại thu hút rất đông bạn bè và truyền thông quốc tế theo dõi.

***

Những hành động chưa chuẩn mực, chưa đẹp nêu trên dù không phải là hành vi vi phạm pháp luật nhưng rất cần được chấn chỉnh và ngăn chặn từ lúc manh nha, vì ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh đất nước, văn hóa của dân tộc. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chắc chắn chúng ta rất cần những công dân có trí thức, có kỹ năng, đặc biệt là có lối sống văn minh, ứng xử văn hóa, coi trọng những giá trị truyền thống, biết ơn nguồn cội. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi mỗi gia đình quan tâm, sâu sát hơn đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho con trẻ; nhà trường và xã hội đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống gắn với việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam…

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/de-cao-loi-song-van-minh-ung-xu-van-hoa-7245a1a/
Zalo