Lo ngại về an ninh, một số quốc gia đã đóng lại cánh cửa hợp tác nghiên cứu khoa học
Trong bối cảnh an ninh toàn cầu ngày càng bất ổn và sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, các quốc gia như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đang thắt chặt hợp tác nghiên cứu khoa học để bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, động thái này có thể làm chậm lại những tiến bộ khoa học trong thập kỷ tới, đe dọa đến sự phát triển chung của nhân loại.
Trong nhiều thập kỷ, khoa học và công nghệ đã được xem như một lĩnh vực không biên giới, nơi các quốc gia cùng hợp tác để thúc đẩy tiến bộ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh địa chính trị và lo ngại về an ninh quốc gia đã khiến các quốc gia lớn dần chuyển từ hợp tác sang bảo vệ lợi ích riêng.
Lo ngại này đến từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Chỉ trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã vươn lên thành đối thủ cạnh tranh với phương Tây trong các lĩnh vực khoa học hàng đầu như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử và công nghệ sinh học. Theo báo cáo năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Trung Quốc chiếm tới 28% tổng số bằng sáng chế toàn cầu, vượt xa Mỹ (19%) và EU (15%). Trong khi đó, vào năm 1980, chưa có bằng sáng chế nào đến từ Trung Quốc được công nhận bởi tổ chức này. Trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến, Trung Quốc đang ở vị trí tiên phong trên thế giới, nếu không muốn nói là dẫn đầu.
Sự phát triển nhanh, kéo dài, ổn định đến khó tin của kinh tế Trung Quốc nhờ đóng góp không nhỏ của những tiến bộ khoa học, kéo theo ảnh hưởng địa chính trị ngày càng lớn của quốc gia này thách thức lại chính các quốc gia phương Tây. Điều này đã dẫn đến những nghi ngờ về ăn cắp bản quyền và gián điệp công nghệ. Từ đó, các quốc gia phương Tây ngày càng lo ngại rằng các dự án nghiên cứu chung có thể trở thành kênh để chuyển giao công nghệ nhạy cảm, đặc biệt trong các lĩnh vực như quốc phòng và năng lượng và họ đã có những phản ứng ban đầu.
Chính sách thắt chặt và bài toán cạnh tranh
Mỹ là quốc gia nhạy cảm nhất với những “vấn đề” liên quan đến Trung Quốc bởi sự cạnh tranh trực tiếp của hai bên trong vị trí dẫn đầu. Điều này đã thúc đẩy chính quyền Mỹ thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hợp tác nghiên cứu khoa học với Trung Quốc cùng các quốc gia được xem là mối đe dọa an ninh vì có hợp tác với Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Năm 2022, Chính phủ Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS, cung cấp 52 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn trong nước và hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc. Tác động của chính sách này rõ rệt nhất trong lĩnh vực nghiên cứu lượng tử và AI, khi các học giả Trung Quốc gặp khó khăn lớn trong việc tiếp cận công nghệ và dữ liệu đến từ các nghiên cứu của Mỹ. Tiếp theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã siết chặt thị thực đối với các nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc. Năm 2024, tỷ lệ từ chối visa đối với học giả Trung Quốc tăng lên 37%, theo dữ liệu từ Hội đồng Quan hệ Quốc tế Mỹ (CFR). Những hành động này đều có tác động đến tiến bộ khoa học chứng của thế giới khi hai nước đang là đầu tàu của nghiên cứu và phát triển công nghệ trên thế giới.
Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách khoa học Mỹ, việc hạn chế hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc có thể làm chậm lại tốc độ phát triển công nghệ AI toàn cầu tới 15% vào năm 2030.
Ngày 13/12/2024, hai nước đã ký một thỏa thuận khoa học và công nghệ song phương mới, "gia hạn" thỏa thuận đã có từ 45 năm trước từng được coi là biểu tượng trong khuyến khích hợp tác khoa học, công nghệ. Nhưng, thực tế, thỏa thuận sửa đổi lần này đã thu hẹp phạm vi của thỏa thuận ban đầu với những hạn chế về các chủ đề được phép nghiên cứu chung trong khi lại đưa thêm vào các cơ chế giải quyết tranh chấp mới.
Ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những điều chỉnh chính sách hợp tác khoa học để đối phó với các rủi ro ngày càng tăng liên quan đến lợi ích trực tiếp của mình. Chiến lược Công nghiệp Mới của EU được đưa ra vào năm 2020 nhằm tăng cường tính cạnh tranh và khả năng tự chủ chiến lược của EU trong các lĩnh vực công nghiệp quan trọng như công nghệ số, năng lượng tái tạo và sản xuất bền vững.
Chiến lược đã được cập nhật vào năm 2021 để đối phó với các thách thức mới, bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia như Trung Quốc và Mỹ. Một quỹ có tên là Horizon Europe chuyên về nghiên cứu và đổi mới đã được thành lập. Trong giai đoạn 2024-2027, EU đã dành khoảng 10 tỷ euro cho quỹ này để thúc đẩy nghiên cứu nội bộ EU trong khi giảm hợp tác với các quốc gia được coi là "rủi ro cao".
Cùng với đó, EU đề ra những biện pháp “an ninh công nghệ” như “Lệnh kiểm soát đầu tư nước ngoài”. Năm 2023, EU áp dụng cơ chế kiểm soát đầu tư nước ngoài, đặc biệt tập trung vào các dự án nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, robot và năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, số lượng dự án hợp tác khoa học với Trung Quốc đã giảm 21% trong năm 2024. Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng việc giảm hợp tác quốc tế đã làm chậm tiến độ nghiên cứu khoa học trong EU. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), EU có thể mất khoảng 10 tỷ euro giá trị nghiên cứu mỗi năm nếu các hạn chế hiện tại được duy trì.
Những cánh cửa đóng lại
Nhật Bản, một nước láng giềng với Trung Quốc cũng đã có những điều chỉnh trong chính sách của mình. Với vai trò là một cường quốc công nghệ, các công ty Nhật Bản đang tập trung bảo vệ các lĩnh vực nghiên cứu quan trọng trước sức ép từ việc “copy” quá nhanh của các doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đến mất thị phần của mình. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai "Chiến lược kinh tế an ninh" vào năm 2023, với mục tiêu bảo vệ các công nghệ cốt lõi như AI, bán dẫn và công nghệ sinh học. Chiến lược này bao gồm các biện pháp như kiểm soát xuất khẩu và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nhật Bản ngày càng thận trọng hơn trong việc hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc. Theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, tỷ lệ các dự án hợp tác khoa học với Trung Quốc giảm 25% vào năm 2024. Đây là một phần của cái gọi là “Hợp tác quốc tế có chọn lọc”.
Sau khi Thụy Điển cảnh báo việc xuất hiện các điệp viên khai thác các trường đại học của nước này, Australia, Anh, Canada đã yêu cầu đánh giá rủi ro bắt buộc đối với các quan hệ đối tác nghiên cứu liên quan đến công nghệ nhạy cảm. Hà Lan ban hành chính sách hợp tác quốc tế an toàn. Đức thiết lập Ủy ban Đạo đức để giám sát những nghiên cứu liên quan đến an ninh... Theo OECD, hơn 206 tuyên bố về chính sách an ninh nghiên cứu đã được ban hành kể từ năm 2022. Điều này khiến hợp tác nghiên cứu đã bị chậm lại trong các lĩnh vực quan trọng, bởi “việc nhấn mạnh vào an ninh làm kìm hãm sự hợp tác quốc tế”.
Sự cởi mở trong tham gia nghiên cứu từng đem lại những kết quả tích cực với những đột phá công nghệ trong vài thập kỷ qua. Đơn giản bởi, các nhà khoa học ưu tú nhất làm việc xuyên biên giới quốc gia. Một thống kê cho thấy có tới 25% các bài báo khoa học của Mỹ trong 2 thập kỷ qua được ghi nhận là kết quả của sự hợp tác quốc tế. Sự thắt chặt hiện nay sẽ khiến hợp tác và chia sẻ nguồn lực gặp khó khăn, làm gia tăng chi phí nghiên cứu cho từng nước.
Theo một báo cáo của UNESCO, chi phí nghiên cứu toàn cầu có thể tăng thêm 20% vào năm 2030. Cùng với đó là nguy cơ "phân cực khoa học" với Mỹ, EU, Nhật Bản ở một bên và Trung Quốc cùng các đối tác của họ ở bên kia. Tiến sĩ Michael Brown của Đại học Stanford chia sẻ: "Bảo vệ an ninh quốc gia là cần thiết, nhưng chúng ta cần cẩn thận để không làm tổn hại đến sự đổi mới toàn cầu".
Còn giáo sư Trương Ngụy, người từng giảng dạy toán tại Đại học Massachuset thì cho rằng: "Các quốc gia phương Tây đang đẩy thế giới khoa học vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, điều này không chỉ gây hại cho Trung Quốc mà còn làm chậm lại sự phát triển chung".