Để biển Nha Trang mãi xanh

Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Nha Trang là một thành phố du lịch biển đáng để chọn lựa với lợi thế chiều dài ven biển dài 20km với hai cung đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng. Hệ thống khách sạn dọc con đường biển đạt chuẩn từ 3 - 5 sao chiếm ưu thế cho du khách chọn lựa, một bước chân có thể ra biển.

Một góc biển Nha Trang

Một góc biển Nha Trang

Bãi biển Nha Trang được giữ gìn, hàng ngày Công ty Môi trường Đô thị thành phố Nha Trang sử dụng máy cào rác dọn rác trên bãi cát, các công nhân thường trực dọn rác trên công viên và trên đường thường xuyên, tạo cho bộ mặt con đường chính Nha Trang xanh, sạch và đẹp.

Công viên biển Nha Trang có thể được xem là công viên biển đẹp nhất cả nước.

Vịnh Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh đẹp thế giới, lợi thế là vùng biển kín gió, có 60 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi, kèm theo việc khai thác du lịch trên các đảo, ngoài hai đảo lớn là Hòn Tre và Hòn Tằm làm du lịch, những hòn đảo khác có cư dân sinh sống và cũng khai thác du lịch.

Sau những ngày chống dịch, đến năm 2023 Khánh Hòa nói chung, Nha Trang nói riêng đã thu hút du khách trở lại. Cụ thể, chỉ riêng 4 tháng đầu năm, Khánh Hòa đã đón hơn 1.150.000 lượt khách du lịch, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có hơn 361.000 lượt khách quốc tế và hơn 789.000 lượt khách nội địa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc bảo vệ môi trường biển trước hiện trạng cư dân sống và khai thác nguồn lợi biển trong vùng vịnh, cũng như đảm bảo trong việc khai thác du lịch, nguồn rác thải từ du khách, từ các đơn vị du lịch được giải quyết tốt, tránh biển Nha Trang trở thành một bãi rác.

Để khai thác du lịch, mỗi ngày có hàng chục, có khi lên hàng trăm chuyến tàu đưa khách đi tham quan 4 đảo (tàu chủ yếu đi trên biển, khách ăn uống trên tàu). Mỗi ngày, khách đến các điểm du lịch theo tour, có những điểm đến quy hoạch, ngược lại có những bãi tắm hoang sơ như Hòn Một, Trí Nguyên… Và tất nhiên, việc khách tạo ra rác thải là chuyện không tránh khỏi.

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của dân cư trên 6 khóm đảo đổ xuống biển khoảng 1 tấn rác nữa. Hiện có khoảng 380 lồng với gần 9.000 bè nuôi tôm hùm trên vịnh Nha Trang, thải ra không biết cơ man thức ăn thừa, bên cạnh đó là chất thải từ vô số nhà vệ sinh không có hầm chứa trên mặt nước.

Vùng lõi Hòn Mun là khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, tuy nhiên mùa du lịch cao điểm, mỗi ngày có khoảng 40 tàu thuyền du lịch cùng với 500 - 600 khách qua lại, lặn ngắm san hô và tắm biển. Để thực hiện việc mở rộng 1ha mặt đất, chủ đầu tư đã đổ xuống mặt biển hàng vạn m3 đất đá, xây bờ kè, cầu cảng.

Cần biết thêm, trong vịnh Nha Trang có rất nhiều rừng ngập mặn, rừng ngập mặn ngoài việc bảo vệ các bãi cát bồi, còn là lá phổi xanh và là nơi để có loại sinh vật biển sinh sống, tạo ra nguồn lợi thủy hải sản. Hệ thống rừng ngập mặn trên các đảo Trí Nguyên, Hòn Miễu, Bích Đầm, Vũng Ngán, Hòn Một, Vũng Me… là lá chắn biển lên tới mấy trăm hecta. Tuy nhiên, trước sự phát triển dân cư, việc xây dựng đã kéo theo một số rừng ngập mặn biến mất. Riêng Hòn Tre trong nhiều năm nay có khoảng 20 hecta rừng ngập mặn đã biến mất.

Trên lý thuyết, các tàu du lịch trên biển đều có thùng đựng rác và nhân viên trên tàu đều được khuyến cáo không xả rác xuống biển. Tuy nhiên, khó kiểm soát được khi khách không ý thức được. Thế là rác được thải ra từ sự thiếu ý thức của du khách. Các tàu đánh cá cũng góp phần không nhỏ trong việc xả rác thải xuống biển.

Bên cạnh đó, lượng du khách và cả người dân địa phương chọn biển Nha Trang để tận hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên, góp phần đem một lượng rác thải bỏ trên bãi biển, nhất là khi thành phố diễn ra các sự kiện. Một nguồn rác nửa chính là rác do các hộ dân sống dọc theo sông Cái, sông Hà ra thải xuống sông. Thủy triều đã kéo những “bãi rác” này ra biển. Rõ ràng nhất là vào mùa mưa bão, rác từ sông do nước kéo ra tràn ngập bãi biển Nha Trang.

Với sự bùng nổ du lịch, sự phát triển quá nhanh của các khách sạn, resort, khu du lịch với mật độ tập trung cao tại thành phố Nha Trang đã làm thay đổi cảnh quan, chắn gió và gia tăng rác thải.

Với sự bùng nổ du lịch, sự phát triển quá nhanh của các khách sạn, resort, khu du lịch với mật độ tập trung cao tại thành phố Nha Trang đã làm thay đổi cảnh quan, chắn gió và gia tăng rác thải.

Tại Hòn Mun, san hô đang bị suy giảm mạnh do có nhiều tàu khai thác, đánh bắt cá trái phép. Nhiều tàu đánh bắt giã cào quét sạch sinh vật biển từ nhỏ đến lớn; một số người lặn biển để bẫy, đánh thuốc các loại cá, tôm... là nguyên nhân khiến san hô gãy đổ, hư hại. Tại khu vực dọc bờ biển phường Vĩnh Trường, nước biển có tình trạng nhiễm bẩn, nhiều rác thải do ngư dân vứt bừa trên mặt biển.

Nhiều nỗ lực đã diễn ra nhằm có một vịnh Nha Trang xinh đẹp, bãi biển Nha Trang: “cát trắng, nắng vàng”, rạn san hô ở Khu bảo tồn Hòn Mun và nhiều vùng khác được tái phát triển.

Đó là, bãi biển Nha Trang được giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt, chấm dứt hàng quán và nạn bán hàng rong. Hàng ngày xe cào cát biển làm sạch bãi biển, một lực lượng đông đảo công nhân Môi trường Đô thị thu gom rác dọc tuyến biển. Bên cạnh đó, các thùng rác được đặt dọc tuyến biển khá dày, lực lượng bảo vệ cũng thường xuyên tuần tra kiểm soát.

Các resort, các khu vui chơi trên đảo luôn ý thức môi trường biển sạch, đẹp chính là nguồn lợi của mình nên thường xuyên lặn biển dọn rác, bắt cầu gai, trồng phục hồi rừng ngập mặn. Trong các sự kiện lớn luôn diễn ra việc dọn rác biển, thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản… Bước đầu đã có hiệu quả. Về phía chính quyền, chú trọng công tác tuyên truyền vận động người dân sống trên đảo, ven bờ chung tay bảo vệ môi trường biển, hạn chế vứt rác thải bừa bãi xuống biển, không chặt phá rừng ngập mặn.

Bắt đầu từ năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện phương án thu gom, vận chuyển rác trong vịnh Nha Trang. Hiện nay, lượng rác được thu gom hàng ngày từ 4 - 5 tấn, cao điểm lên đến 7 tấn.

Trên biển Nha Trang

Trên biển Nha Trang

Tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030: Tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển ở các địa điểm rạn san hô bị suy thoái ở Hòn Mun và các địa điểm khác; nghiêm cấm các hoạt động xâm hại đến môi trường sống và rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun, ở các vùng lõi khác trong vịnh Nha Trang. Thực hiện rà soát, khoanh vùng bảo vệ các khu vực biển ở Hòn Mun, Hòn Chồng - Vĩnh Hòa và Vĩnh Hải có san hô đang phục hồi, có bãi giống và bãi đẻ của thủy sản. Kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang; giảm thiểu rác thải nhựa trong khu bảo tồn biển...

Tất nhiên, việc bảo vệ môi trường biển để biển Nha Trang mãi xanh không chỉ là việc của chính quyền. Ý thức của mỗi người chúng ta trong việc bảo vệ môi trường biển góp phần không nhỏ cho thành phố Nha Trang mãi xinh đẹp và xứng danh là thành phố biển đẹp nhất miền Trung./.

Khuê Việt Trường

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/de-bien-nha-trang-mai-xanh-a26564.html
Zalo