Để báo chí trở thành 'viên gạch tốt' xây đạo đức cho Đảng

Báo chí chính là vũ khí tư tưởng sắc bén trong sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta đang đối diện với 'nọc xấu' gây tổn hại đến bản chất tiên tiến, trong sạch của Đảng, đối diện với tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên… thì xây dựng Đảng về đạo đức càng trở nên cấp thiết. Trong thực hiện nhiệm vụ này, không thể thiếu vai trò tiên phong của báo chí cách mạng.

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bàn về vai trò của báo chí, V.I.Lênin coi đây là “trận địa ban đầu, từ đó Đảng sẽ tiến hành cuộc đấu tranh với đối thủ của mình bằng vũ khí tương xứng. Báo hằng ngày là công cụ tuyên truyền, cổ động quần chúng không có gì thay thế được”. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã để lại những chỉ dẫn quan trọng đối với báo chí cách mạng nước nhà. Người cho rằng, báo chí không được tách rời chính trị mà phải phục vụ đường lối chính trị.

Xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao

Để xây dựng Đảng về đạo đức, Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương để triển khai thực hiện.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã nhấn mạnh: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là trụ cột của công tác xây dựng Đảng, là nền tảng, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Hiện nay, báo chí với vai trò là cánh tay đắc lực của Đảng đang nỗ lực thực hiện tốt chức năng: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…” (khoản 2, Điều 4 Luật Báo chí). Những nhiệm vụ này nhằm phục vụ trực tiếp cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và là phương tiện chính yếu định hướng dự luận, phát huy nền chính trị trong sạch, tuyên truyền, giáo dục làm cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn suốt đời phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần gìn giữ bản chất cách mạng của Đảng, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.

Báo chí phát huy vai trò nghiên cứu, thảo luận, tuyên truyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác”. Vậy nên, cần nhận thức rõ, xây dựng đạo đức của Đảng trên hết và trước hết là xây dựng đường lối chính trị, mục tiêu chính trị tốt đẹp, nhân văn, vì con người, tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để làm được điều đó, khi còn là dự thảo, “thai nghén” các chính sách, báo chí phải đồng hành với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân công dân nghiên cứu, phát hiện những bất cập, vướng mắc, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng để kịp thời điều chỉnh.

Ngay sau khi được ban hành, báo chí phải là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào trong lòng nhân dân, cuộc sống. Đồng thời, báo chí phải là “đôi tai tỏ”, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ quần chúng để nắm bắt chính sách đó, chủ trương đó có hợp lòng dân không, có phù hợp thực tiễn không? Vậy nên, trong giai đoạn hiện nay, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò nghiên cứu, thảo luận, tuyên truyền để lan tỏa tính nhân văn, bảo đảm các chủ trương, quyết sách phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, phù hợp với bản chất chế độ ta, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Xây dựng Đảng về đạo đức cần chú trọng giữ gìn mối liên hệ máu thịt với dân. Vậy nên báo chí phải là kênh tiên phong trong đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng. Cần có nhiều tuyến bài phục vụ mục đích xây dựng ý thức gần dân, phục vụ nhân dân, lắng nghe nhân dân, biết trân trọng và huy động nguồn lực vô tận từ “tài dân, sức dân, của dân”, thực hiện tốt cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phải duy trì, phát triển các chuyên mục ghi nhận ý kiến bạn đọc, lắng nghe những phản ánh, tâm tư, ý kiến của bạn đọc với nhiều hình thức phong phú, dễ tiếp cận. Báo địa phương phải là phương tiện quan trọng nhất để chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của người dân đến chính quyền. Đây chính là cơ sở, là cứ liệu quan trọng để cơ quan có thẩm quyền thu thập, xử lý thông tin để phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn.

Phát huy vai trò “màng lọc”

Xây dựng Đảng về đạo đức cần chú trọng trau dồi bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, khi đội ngũ cán bộ, đảng viên có phần thoái chí, sa sút tinh thần đấu tranh thì vun bồi chữ “dũng” là phương thuốc đặc trị bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong hoạt động thực thi công vụ để Đảng ta xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”. “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc”.

Có như thế mới giữ vững tính Đảng, mới xây dựng được nguồn nhân lực khu vực công “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”.

Cùng với đó, báo chí cũng cần chú trọng phát huy vai trò là “màng lọc”, giúp “gạn đục, khơi trong”, phát hiện, phản ánh những vấn đề còn hạn chế, bất cập, những biểu hiện tiêu cực để cấp ủy đảng, chính quyền kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, xử lý; trong đó có việc tu dưỡng, rèn luyện về văn hóa, đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn.

Báo chí phải làm “tròn vai” là kênh chính thống để giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên ghi nhớ mình là công bộc của nhân dân, được nhân dân trao quyền để phục vụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính”.

Báo chí phải là hiện thân của đạo đức, văn minh

Để làm tốt vai trò của mình, báo chí cần nhận thức rõ hướng dẫn dư luận xã hội và giám sát dư luận xã hội là hai chức năng chủ yếu của báo chí cách mạng. Báo chí trong giai đoạn hiện nay phải là hiện thân của đạo đức, của văn minh, hiện thân của cái đẹp. Đẹp ở sự nhiệt thành với những vấn đề của xã hội, nhiệt thành trong ủng hộ, lan tỏa cái đúng, cái tốt; đẹp ở sự nhiệt thành, thẳng thắn trong phê phán, lên án cái xấu. Đẹp ở dũng khí người cầm bút - dám nhìn thẳng, nói thật, dám hy sinh vì lẽ phải. Bên cạnh đó, báo chí cũng cần đưa tin, tuyên truyền rộng rãi về những bài học đắt giá, những trường hợp sách nhiễu, lộng quyền, vi phạm dân chủ… một mặt nhằm cảnh tỉnh, răn đe đội ngũ cán bộ, đảng viên, mặt khác, góp phần nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân và ý thức giữ gìn chuẩn mực của người cán bộ, đảng viên.

Là cơ quan ngôn luận của Đảng, chính quyền và nhân dân, hơn bao giờ hết, trong giai đoạn hiện nay, báo chí phải phát huy mạnh mẽ tính Đảng, phải là “viên gạch tốt” để xây bức tường thành vững chắc bảo vệ Đảng trước những hiện tượng tiêu cực, những biểu hiện văn hóa, đạo đức lệch chuẩn, những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch. Đây chính là phương thức hữu hiệu nhất nhằm lan tỏa cái đẹp, dẹp cái xấu, định hướng dư luận, thúc đẩy “liêm, chính” góp phần xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.

Trương Thị Điệp, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị TP. Đà Nẵng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/161030/de-bao-chi-tro-thanh-vien-gach-tot-xay-dao-duc-cho-dang
Zalo