Để báo chí thực sự là 'binh chủng' truyền thông chính sách

Làm thế nào để báo chí nói chung, mỗi cơ quan báo chí nói riêng tiếp tục là 'binh chủng' truyền thông chính sách hiệu quả về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cầu nối đại biểu Quốc hội với cử tri là một trong những nội dung mà một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đoàn ĐBQH Thái Bình):

Cần có “kênh” tài chính để báo chí hoạt động

Báo chí rất đa dạng nguồn thông tin, và từ những thông tin đa dạng như vậy sẽ giúp cho đại biểu Quốc hội chúng tôi có thêm hiểu biết rộng hơn, cập nhật hơn đối với xã hội. Nếu không có báo chí, chúng tôi không biết lấy thông tin ở đâu, nếu là phản ánh của cử tri thì cũng rất hạn chế, vì vậy vai trò quan trọng đầu tiên của báo chí chính là nguồn thông tin đa dạng, rất hữu ích.

Qua báo chí, giúp cho các đại biểu nắm bắt được các thực tiễn xã hội hàng ngày, nhất là những vấn đề nổi cộm. Đây là nguồn thông tin thực tế để xây dựng và hoạch định chính sách, cũng như các ưu tiên chính sách. Điểm thứ hai là với góc nhìn của báo chí, có những thông tin không đơn thuần là đưa thông tin mà mang tính phản biện. Nhiều báo có các chuyên mục chuyên sâu, có những loạt bài phản biện, phân tích rất tốt.

Hiện nay, hình thức đưa tin của báo chí cũng rất đa dạng với các chuyên mục, chuyên đề, góc nhìn và cả các tọa đàm, nhất là các tọa đàm giống như các hội thảo nho nhỏ chuyên sâu vào một lĩnh vực một chủ đề... Đó là những kênh thông tin mà so với ngày xưa có những điểm tiến bộ như vậy. Cạnh đó, cá nhân tôi cho rằng, báo chí nên ứng dụng các công nghệ như cá thể hóa người đọc, phân loại ra các nhóm bạn đọc để mình chủ động đưa thông tin. Khi chủ động đưa thông tin thì tờ báo sẽ được lưu nhiều nhất, đọc nhiều hơn các báo khác.

Một vấn đề rất thời sự, hiện nay, tự chủ về tài chính là một áp lực rất lớn, rất khó khăn với báo chí. Một số báo phải đưa ra các tôn chỉ, mục tiêu mà một số tôn chỉ, mục tiêu chưa hẳn đã là hấp dẫn cho bạn đọc và xã hội. Vì vậy, tôi cho rằng, cần có một kênh nào đó hỗ trợ cho báo chí, các cơ quan chủ quản nên có cơ chế nào đấy như đặt hàng, đặt bài hoặc thậm chí là hỗ trợ kinh phí cho báo chí, để báo chí thực hiện được đúng nội dung và tôn chỉ của mình, đảm bảo được sự cân bằng. Nếu không các báo sẽ có xu hướng phát triển theo sở thích, theo nhu cầu...

-----------------------

Đại biểu Nguyễn Công Long (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai):

Tiếp tục là nguồn thông tin nhanh và tin cậy

Quốc hội thực hiện 3 chức năng là xây dựng pháp luật, giám sát thi hành pháp luật và quyết định những vấn đề tối cao. Để hoàn thành tốt các trọng trách này thì việc thu thập thông tin, chắt lọc các vấn đề từ thực tiễn cuộc sống, từ trao đổi, đánh giá của chuyên gia, nghiên cứu của các cơ quan... là rất quan trọng.

Chúng tôi phải thường xuyên sử dụng thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ trong thu thập thông tin về những lĩnh vực mình quan tâm, phụ trách, mà thông tin về các lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung. Qua đó, để nắm bắt các vấn đề thời sự, những vấn đề nổi lên, vấn đề cần đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội để xem xét giám sát hay thay đổi, bổ sung các chính sách, hoặc quyết định những vấn đề về quốc kế, dân sinh.

Từ thực tiễn hoạt động đại biểu của mình, tôi thấy rằng báo chí có vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn truyền tải các ý kiến trao đổi chuyên sâu từ các cơ quan đến đại biểu, từ phía đại biểu đến các cơ quan chức năng để phối hợp với nhau trong việc tiếp thu, gạn lọc để đề xuất xây dựng chính sách hợp lý, kịp thời, chất lượng nhất.

Trong thời gian tới, tôi mong rằng các cơ quan báo chí sẽ phản ánh thực tiễn cuộc sống, thực tiễn các lĩnh vực quản lý nhà nước thật đa chiều, mang tính chính sách, có giá trị định hướng của xã hội theo những mục tiêu, yêu cầu đúng đắn.

Chúng tôi cũng rất hi vọng thông qua báo chí không chỉ cung cấp thông tin đơn thuần mà còn có sự trao đổi của các cơ quan, từ các giới chức, từ các chủ thể trong xã hội... mang tính chuyên sâu, có giá trị tham khảo, giúp đại biểu lựa chọn phương án tốt nhất để khi quyết định vấn đề đặt ra trong xây dựng pháp luật, giám sát hoặc cần quyết định của Quốc hội sẽ sát thực nhất.

Với tôi, nghề báo hết sức đặc biệt, quan trọng trong đời sống xã hội và cả quản lý nhà nước. Nhà báo có vị trí, vai trò đặc biệt khi truyền tải thông tin thông qua lăng kính chủ quan của một phóng viên. Vì vậy, cái tâm của người làm báo là rất quan trọng. Tôi mong các nhà báo sẽ phát huy được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình và luôn ý thức rằng sự ảnh hưởng của báo chí rất lớn. Một thông tin thiếu chuẩn xác có thể gây nên hậu quả rất lớn cho xã hội, chứ không chỉ thân phận con người cụ thể...

-----------------------

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội):

Đừng “khoán trắng” cho các cơ quan báo chí tự bơi

Tôi cho rằng, báo chí là một trong những kênh truyền thông rất quan trọng để truyền tải những ý kiến của đại biểu Quốc hội đến với đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước. Qua báo chí, giúp cho cử tri và Nhân dân theo dõi, đánh giá được xem hoạt động của các đại biểu Quốc hội đã thực hiện đúng được các tâm tư, nguyện vọng, ý chí của cử tri và Nhân dân hay không. Tôi luôn mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông sẽ chọn lọc được các ý kiến tốt nhất và chuẩn xác nhất của đại biểu Quốc hội để truyền tải đến đông đảo cử tri.

Đồng thời, qua các kênh báo chí, đại biểu Quốc hội cũng sẽ tiếp nhận được các ý kiến phản hồi của cử tri và Nhân dân. Thời gian qua, các cơ quan báo chí cũng gặp khó khăn trong vấn đề kinh tế báo chí. Quy hoạch báo chí đã đưa ra các yêu cầu về việc phát triển các cơ quan báo chí phải luôn gắn liền với một cơ quan chủ quản. Trong đó, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm trong việc cung cấp các điều kiện để cho các đơn vị báo chí hoạt động. Tôi cho rằng đây là điều chúng ta phải luôn luôn quán triệt để cơ quan chủ quản không “khoán trắng” cho báo chí tự lo trong khi báo chí là một kênh để thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản.

Đồng thời, phải phát huy vai trò của chính cơ quan báo chí trong việc tạo ra các nguồn lực cho mình trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hiện nay, đặc biệt là với mạng xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, có thể rất nhiều thông tin khác nhau trên mạng, nhưng thông tin chính thống, những ý kiến đủ sâu, đủ độ tin cậy phục vụ cho bạn đọc thì rất cần đến báo chí chính thống. Nếu báo chí làm tốt được việc đó và được độc giả thật sự tin tưởng tin cậy, tìm đến thì sẽ tạo lợi thế cho báo chí để có thể biến niềm tin của độc giả thành nguồn lực phát triển của mình.

-----------------------

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa):

Nâng tầm kênh truyền thông chủ chốt

Từ thực tiễn hoạt động đại biểu của mình, tôi nhận thấy báo chí có vai trò rất quan trọng, thật sự là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân. Qua việc thông tin về hoạt động của Quốc hội, báo chí đã góp phần để hoạt động của Quốc hội trở nên công khai, minh bạch hơn.

Từ thông tin của báo chí, cử tri và Nhân dân có thể theo dõi, đánh giá, giám sát được hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã phản ánh được những tâm tư, nguyện vọng của mình hay không. Sự công khai, minh bạch này cũng là động lực để các hoạt động của Quốc hội trách nhiệm hơn, gắn bó chặt chẽ hơn với các cử tri.

Đồng thời, báo chí cũng kịp thời truyền tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân tới diễn đàn Quốc hội. Bên cạnh lắng nghe ý kiến cử tri, tôi thường xuyên đọc báo, xem tivi để có thêm thông tin về những vấn đề cử tri đang quan tâm, bức xúc, những vấn đề còn khoảng trống về chính sách pháp luật... để nghiên cứu, đưa ra các ý kiến, kiến nghị của mình. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm truyền thông chính sách, tạo diễn đàn để cử tri và các tầng lớp nhân dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo quyết định của Quốc hội... thể hiện vai trò thông tin phản biện chính sách rất tốt, rất thiết thực.

Có thể thấy, những chính sách được Quốc hội quyết định, thông qua báo chí sẽ là kênh truyền thông chủ chốt để giúp cho cử tri và Nhân dân nắm được. Việc tuyên truyền của báo chí cũng giúp cho người dân đồng tình, ủng hộ, đồng hành cùng Quốc hội thực hiện những quyết sách đó đi vào cuộc sống...

Tôi nhận thấy, trong việc truyền thông về hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, báo chí cũng đóng vai trò rất quan trọng. Báo chí luôn truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đến đoàn viên, công nhân lao động. Đồng thời, phản ánh tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của đoàn viên, công nhân lao động đến với Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn.

Thông qua báo chí, nhiều tấm gương lao động giỏi, lao động sáng tạo được phát hiện, tôn vinh, góp phần cổ vũ phong trào thi đua trong công nhân viên chức lao động. Đồng thời, báo chí cũng góp phần kết nối người lao động với tổ chức Công đoàn, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của người lao động, giúp tổ chức Công đoàn nhanh chóng nắm bắt, bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

-----------------------

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương:

Báo chí phải là lực lượng định hướng thông tin

Dưới góc nhìn của đại biểu, tôi thấy vai trò của báo chí với hoạt động nghị trường nói chung là mối quan hệ hai chiều rất khăng khít và hiệu quả. Thứ nhất, ở chiều cung cấp thông tin cho người đọc về những hoạt động của đại biểu và hoạt động của Quốc hội, báo chí đã bám rất sát các hoạt động của Quốc hội, đưa tin kịp thời, chính xác, đặc biệt là trong các kỳ họp tập trung…

Phản ánh từ báo chí cũng là một kênh rất quan trọng để đại biểu Quốc hội tham khảo, đề xuất kiến nghị với cơ quan chức năng những chế độ, chính sách, thậm chí là điều chỉnh về thể chế rất quan trọng. Nhìn chung, báo chí hỗ trợ hoạt động của đại biểu nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung rất nhiều.

Tuy nhiên, trong đưa tin hoạt động của Quốc hội, có những cơ quan báo chí và phóng viên không trực tiếp có mặt tại nghị trường, không phỏng vấn đại biểu mà trích dẫn qua nhiều nguồn khác nhau, và quá trình đó lại trích dẫn không đầy đủ, khiến hiểu chưa đúng quan điểm, ý kiến của đại biểu. Tôi mong rằng nếu cơ quan báo chí đưa tin lại theo các báo khác thì phải chỉ rõ nguồn đầy đủ và chịu khó đọc hết, không nên chỉ trích dẫn một phần nào đó. Hay khi đưa ý kiến đại biểu, nên nghe hết phần phát biểu để xem phản ánh vấn đề gì, không nên vội vàng chỉ đưa 1-2 câu, chưa truyền tải được hết, thậm chí là hiểu sai ý kiến đại biểu.

Định hướng thông tin dư luận là chức năng quan trọng của báo chí, nhưng trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nhiều người có điện thoại thông minh và dễ dàng đưa tin lên mạng xã hội. Nhiều khi tin trên mạng xã hội nhanh hơn, nhưng cũng thất thiệt hơn, khiến người đọc không biết đúng sai như thế nào, có những tin sai được đưa như đúng... Vì vậy, báo chí đứng trước thách thức, phải là lực lượng định hướng thông tin, làm thế nào để báo chí không chạy theo mạng xã hội là rất quan trọng. Đây là thách thức với cơ quan báo chí và các phóng viên, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải nỗ lực rất nhiều.

Phương Thảo (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-bao-chi-thuc-su-la-binh-chung-truyen-thong-chinh-sach-172463.html
Zalo