Bắc Quang gồng mình 'gánh' thiên tai
15 người thương vong, mất tích; hàng chục hộ dân phút chốc rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”; gần 150 hộ phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn; sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại; giao thông đứt gãy, tê liệt… Đó là những đau thương, mất mát tột cùng tại huyện Bắc Quang khi thiên tai bất ngờ ập đến, chỉ từ đêm 28 đến sáng 29.9.
Thương vong về người
Khoảng 8 giờ 15 phút sáng 29.9, người dân thôn Bản Buốt (xã Đồng Tâm) bàng hoàng nhận tin dữ: Mưa lớn gây sạt lở taluy dương làm nhà bếp của hộ anh Mai Ngọc Thắng sập đổ hoàn toàn. Thương tâm hơn, con gái anh Thắng là cháu Mai Thị Minh T. (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Cầu Ham) bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Trước thực tế đó, lãnh đạo Công an huyện Bắc Quang, xã Đồng Tâm đã huy động hơn 230 cán bộ, chiến sĩ công an, quân sự xã Đồng Tâm, Đồng Tiến, Bằng Hành và người dân địa phương đến hiện trường. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, ngổn ngang đá, rác thải, cây đổ khiến máy xúc chậm tiếp cận hiện trường. Hơn nữa, gia đình anh Thắng còn bị chia cắt bởi lũ suối dâng cao. Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, Giàng Seo Chiu chia sẻ: “Chúng tôi phải sử dụng dây thừng (do người bên này suối tung sang cho người bên kia suối, ghìm chặt 2 đầu dây) để có điểm tựa vượt lũ dữ, tiếp cận hiện trường ứng cứu cháu bé. Tuy nhiên, mãi đến hơn 16 giờ cùng ngày chúng tôi mới tìm thấy thi thể cháu T. để bàn giao cho gia đình lo hậu sự”. Nhắc đến Mai Thị Minh T., cô giáo chủ nhiệm của em – Phạm Thị Thiện không kìm được nước mắt, xúc động nói: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng T. nghị lực lắm, luôn là học sinh chăm ngoan, hiếu học, được thầy cô và bạn bè yêu quý. Giờ đây, lớp học mãi vắng bóng T. rồi, chúng tôi đau xót lắm!”.
Đau thương nối tiếp đau thương khi 9 giờ sáng cùng ngày, hàng chục nghìn m3 đất từ taluy dương sạt trượt khiến hơn 150 m chiều dài tại Km 49, Quốc lộ 2, đoạn qua địa phận thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh bị vùi lấp hoàn toàn, giao thông tê liệt. Xót xa hơn, 5 hộ dân sinh sống ở gần đó phút chốc rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” khi nhà ở sập đổ hoàn toàn. Thiên tai ập đến không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở của nhân dân mà còn để lại nỗi đau không thể bù đắp khi xuất hiện con số thương vong về người. Trong đó, chị Tạ Thị H. (sinh năm 1971), trú tại thôn Nậm Buông; anh Tô Đình Đ. (sinh năm 1996), trú tại thôn Tân Mỹ (xã Việt Vinh) bị đất đá vùi lấp dẫn đến tử vong thương tâm. Ngoài ra, tại điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 2 còn 2 người mất tích gồm các anh: Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1992), trú tại thôn Nậm Buông (xã Việt Vinh); Nguyễn Viết Thuộc (chưa rõ năm sinh), trú tại thôn Tân Tiến (xã Tân Quang).
Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào sáng 29.9 tại thôn Thượng Mỹ (xã Việt Vinh) đã tàn phá bản làng, “xóa sổ” 3 ngôi nhà khiến 1 người mất tích, 1 người bị thương. Trong ngổn ngang đá và thân cây gỗ nhỏ, to, Vương Quốc Anh thất thần gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ở đâu, về với con đi!”. Trên gương mặt chàng trai 25 tuổi ấy, nước mắt đã theo nỗi đau… chảy vào tim. Quốc Anh kể: “Nhà em có 2 anh em trai, đều đi làm ăn tại Hà Nội. Biết tin nhà gặp nạn, 2 anh em vội trở về. Về đến nhà, trước mắt em là cảnh “màn trời, chiếu đất”, ngôi nhà xây cấp 4 biến mất hoàn toàn sau trận lũ quét. Mẹ em là Vần Thị Xưởng bị lũ cuốn trôi, giờ vẫn chưa tìm thấy. Còn bố em là Vương Văn Sinh bị thương nặng, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh!”.
Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: Trong đợt thiên tai vừa qua, toàn huyện có 15 người thương vong, mất tích. Cụ thể: 3 người tử vong do sạt lở đất; 2 người mất tích tại điểm sạt lở đất Km 49; 1 người mất tích do nước lũ cuốn trôi; 9 người bị thương.
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép
Sáng 29.9 có lẽ là mốc thời gian khó quên đối với nhiều người dân trên địa bàn huyện Bắc Quang khi phải hứng chịu đợt mưa lớn, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng. Ngoài thương vong về người như đã nói ở trên, huyện Bắc Quang còn chịu thiệt hại nặng nề về nhà ở, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy lợi, giao thông… Ước tổng thiệt hại lên đến hơn 30 tỷ đồng.
Tính đến 9 giờ sáng 1.10, toàn huyện có 15 nhà ở thiệt hại trên 50%, 10 nhà ở sập đổ hoàn toàn, tập trung chủ yếu tại xã Việt Vinh (9 nhà). Thiên tai xảy đến khiến gần 185 ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại; hơn 4.300 con gia súc, gia cầm bị chết; hơn 34 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại trên 70%. Nhiều tuyến đường giao thông và công trình cầu hư hại, gây ách tắc giao thông, thậm chí tê liệt hoàn toàn. Trong đó, tại Km 49, Quốc lộ 2 như đã nói ở trên, nhiều ngày qua, các phương tiện giao thông không thể di chuyển. Cũng tại đoạn tuyến này, khi xảy ra sạt lở đất đã làm hư hại 1 xe khách giường nằm, 2 xe ô tô con, 3 xe tải, 4 xe máy của người dân sống gần khu vực đó và người dân khi di chuyển qua đường. Còn cầu Bị trên tuyến đường Quốc lộ 2, đoạn Km 48 qua xã Việt Vinh đang có hiện tượng sụt lún chân cầu. Riêng Tỉnh lộ 177, tại Km 2 – Km 3 bị sạt lở ta luy dương với khối lượng hơn 2.500 m3 đất, đá gây ách tắc giao thông…
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Bắc Quang kịp thời có mặt tại hiện trường, ròng rã nhiều ngày bám nắm địa bàn, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai với nhiệm vụ cấp bách là tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân. Tại Km 49, Quốc lộ 2, trên 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang huyện Bắc Quang cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tăng cường của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an tỉnh có mặt tại hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ. Huyện Bắc Quang còn huy động 5 máy xúc cỡ lớn, 1 máy xúc lật, 8 ô tô tải để san gạt, vận chuyển đất đá, nỗ lực thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Đồng chí Lèng Nguyễn Toàn (PC07) chia sẻ: “Mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mưa lớn kéo dài, khối lượng đất đá, vật cản lớn; đất từ taluy dương phía đường Quốc lộ 2 vẫn có nguy cơ sạt lở cao nhưng chúng tôi đã nỗ lực hết mình với tinh thần “vượt mưa, thắng gian khổ” để nhanh chóng tìm kiếm người mất tích”.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Phùng Viết Vinh cho biết: Huyện đã tổ chức thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt để đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân. Đồng thời, rà soát các khu vực trọng điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Đến nay, tại các xã Việt Vinh, Đồng Tâm, Kim Ngọc, Tân Thành, 182 hộ với 761 nhân khẩu đã được hỗ trợ di dời khẩn cấp từ vùng có nguy cơ cao sạt lở đất đến nơi an toàn.
Có trực tiếp ở trong tâm lũ quét, sạt lở đất mới thấy sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, gieo rắc bao đau thương, mất mát; mới thấm thía những nhọc nhằn, vất vả và cả hiểm nguy rình rập mà lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn phải đối diện. Trong muôn vàn khó khăn, gian khổ ấy, tình dân tộc, nghĩa đồng bào tỏa sáng như ngọn nguồn hơi ấm để cùng nhau san sẻ yêu thương, vượt qua hoạn nạn. Ở đó đẹp mãi hình ảnh người dân hỗ trợ nhau di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn; chia nhau từng chiếc bánh mì, chai nước lọc; mở rộng cửa nhà đón người cần chỗ ở… Và ở đó cũng sáng mãi nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân chung tay khắc phục hậu quả thiên tai. Tiêu biểu như: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng; Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tặng 450 đồ bảo hộ lao động; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Quang, nhóm Thiện nguyện Bắc Quang và Bếp cơm di động dã chiến trao tặng gần 300 suất cơm kèm nước uống đóng chai cho người dân và lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn…