ĐBSCL chủ động rà soát, quyết định thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền các dự án trọng điểm

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các bộ, địa phương về tình hình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL.

Thông báo kết luận nêu rõ, việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực phía Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cùng với việc triển khai đồng bộ xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các sân bay, cảng biển và đường thủy nội địa, đường sắt để hoàn thiện hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, gắn với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, hạn mặn… nhằm thúc đẩy khu vực ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong đó nhấn mạnh, tiếp tục hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua 500 ngày đêm nhằm mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km đường cao tốc trên cả nước (đến năm 2026 khu vực ĐBSCL có khoảng 600km đường cao tốc) để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Một cơ sở khai thác cát nằm cặp sông Hậu trên địa phận tỉnh An Giang

Một cơ sở khai thác cát nằm cặp sông Hậu trên địa phận tỉnh An Giang

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh có nguồn vật liệu (đất, cát, đá) tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ; có giải pháp xử lý ngay tại cơ sở đối với các vướng mắc phát sinh, không để chậm trễ, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn, hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác các mỏ trong tháng 4-2025.

Các chủ đầu tư (trong đó có UBND tỉnh Sóc Trăng) chủ động rà soát và quyết định theo thẩm quyền đối với việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ NN-MT để giảm áp lực nguồn cát sông.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc điều chuyển các mỏ vật liệu được cấp theo cơ chế đặc thù đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác và điều chuyển khối lượng cát sau khi dỡ tải từ dự án áp dụng cơ chế đặc thù sang dự án khác (đang áp dụng cơ chế đặc thù) để tiếp tục khai thác, sử dụng nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Bộ NN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật (hoàn thành trong tháng 4-2025), báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời, giao Bộ NN-MT sớm hoàn thành việc đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn cát sông, cát biển tại khu vực ĐBSCL, làm cơ sở để các địa phương triển khai thủ tục cấp mỏ để cung ứng cho các dự án triển khai trong thời gian tới.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ NN-MT, UBND tỉnh Sóc Trăng chủ động khai thác, cung ứng cát biển cho dự án theo thẩm quyền, đồng thời chủ động làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu san lấp (cát, đá) để cung ứng cho dự án, không để dự án chậm tiến độ như thời gian qua.

VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dbscl-chu-dong-ra-soat-quyet-dinh-thi-diem-su-dung-cat-bien-lam-vat-lieu-dap-nen-cac-du-an-trong-diem-post792751.html
Zalo