ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tích cực thảo luận, góp ý kiến vào các dự án Luật

Chiều 12/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

 Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì thảo luận Tổ.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì thảo luận Tổ.

Tại Tổ thảo luận 11, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn có 12 đại biểu thuộc các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Long An, Sơn La và Vĩnh Long tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo Luật trên.

Phân cấp và tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp cơ sở

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đã phân tích tình hình thực tiễn và góp ý trực tiếp vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đối với quy định về phân cấp và tăng thẩm quyền cho cấp cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, hiện nay theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng dân sự, thẩm quyền xét xử sơ thẩm chủ yếu thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện - cấp thấp nhất trong hệ thống tòa án, một số vụ việc vẫn được giao sơ thẩm cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, không còn tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện riêng lẻ nữa mà sẽ hợp nhất 2, 3 đơn vị thành Tòa án nhân dân khu vực. Đồng thời, Tòa án nhân dân cấp cao cũng không còn duy trì, hệ thống tòa án chỉ còn 3 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định 100% các vụ án dân sự và hành chính sẽ được xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân khu vực, thay vì khoảng 90% như hiện nay; phúc thẩm sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện và giám đốc thẩm do Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm. Tuy nhiên, đại biểu Thủy đề nghị cần quan tâm đến vấn đề giải quyết đơn giám đốc thẩm, vì theo báo cáo mỗi năm có khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, nhưng chỉ chưa đến 10% là có căn cứ xem xét lại vụ án. Việc này gây quá tải và khiến Tòa án nhân dân tối cao trở thành cấp xét xử - thực tế đi ngược với tính chất là cơ quan xét xử cuối cùng. Do đó, đại biểu cho rằng, giải pháp căn cơ là phải sửa đổi quy định về giám đốc thẩm, đặc biệt là quy trình tiếp nhận và giải quyết đơn, để hạn chế những đơn không có căn cứ, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương tổng kết, nghiên cứu và trình Quốc hội nội dung này trong thời gian sớm nhất.

Phân tích một số điểm chưa đồng bộ trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, nhất là khi Bộ Công an đề xuất giao điều tra viên thuộc Công an cấp tỉnh được bố trí làm Trưởng/Phó Công an xã có thẩm quyền như thủ trưởng cơ quan điều tra đối với tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng (dưới 7 năm tù). Đại biểu Thủy cho biết, dự thảo Luật chỉ quy định thẩm quyền cho Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, dẫn đến việc Trưởng/Phó Công an xã không thể thực hiện các nhiệm vụ điều tra cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay không tổ chức cơ quan điều tra cấp huyện nữa. Vì vậy, đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao (cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật) khẩn trương cập nhật nội dung mới này vào dự thảo để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Việc này rất cấp thiết để đảm bảo yêu cầu xử lý nhanh chóng, kịp thời các tình huống phát sinh tại địa phương, đặc biệt ở những nơi địa bàn rộng, giáp ranh giữa nhiều tỉnh.

Công tác chuẩn bị bầu cử cần được quy định, phân cấp rõ ràng

Đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng tham gia góp ý đối với các quy định về công tác chuẩn bị bầu cử trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Liên quan đến việc xác định khu vực bỏ phiếu, đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết, điểm mới được sửa đổi trong dự thảo Luật là việc xác định các khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định, thay vì Luật hiện hành yêu cầu phải được UBND cấp huyện phê chuẩn. Tuy nhiên, dự thảo Luật bổ sung quy định "trường hợp cần thiết thì do UBND cấp tỉnh điều chỉnh" là chưa rõ ràng, đề nghị quy định theo hướng "UBND tỉnh chỉ đạo UBND xã chủ động điều chỉnh" cho phù hợp với thẩm quyền đã được giao. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần hướng dẫn rõ hơn thế nào là “trường hợp cần thiết” để tránh lúng túng khi áp dụng trên thực tế.

Còn đối với quy định việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử, đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng, dự thảo Luật quy định UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phải lập báo cáo gửi đồng thời đến Ủy ban bầu cử quốc gia và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là không cần thiết. Để đảm bảo phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo, phù hợp với thẩm quyền từng cấp khi triển khai tại cơ sở, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại theo hướng: Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh thực hiện báo cáo với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo với Ủy ban bầu cử quốc gia; đối với cấp xã, phường, đặc khu thì Ủy ban bầu cử và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã thực hiện báo cáo với UBND và MTTQ cấp tỉnh.

Cùng thảo luận về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị, ngoài những trường hợp không được quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định tại Điều 37 Luật hiện hành, cơ quan soạn thảo cần xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật “đối tượng đang bị khiếu nại, tố cáo về không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và đối tượng đang bị cơ quan kiểm tra của Đảng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm" nhằm đảm bảo tính minh bạch, liêm chính của người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Băn khoăn trước quy định mới về khoảng cách thời gian giữa các lần Hội nghị hiệp thương (lần thứ nhất cách lần thứ hai là 55 ngày, còn giữa lần thứ hai và lần thứ ba chỉ là 17 ngày), đại biểu Huế cho rằng khoảng cách giữa các lần hiệp thương như vậy là chưa thực sự hợp lý, thiếu sự cân đối, có thể ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuẩn bị bầu cử. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, giữ nguyên các mốc thời gian tổ chức các hội nghị hiệp thương như quy định hiện hành để đảm bảo thời gian chuẩn bị và triển khai đầy đủ, hiệu quả công tác bầu cử./.

Ái Vân

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dbqh-tinh-bac-kan-tich-cuc-thao-luan-gop-y-kien-vao-cac-du-an-luat-post70726.html
Zalo