ĐBQH Lê Thanh Vân nêu quan điểm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Thời gian gần đây, dư luận 'sốt ruột' vì tình trạng không ít cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển đất nước.

Đại biểu Lê Thanh Vân

Đại biểu Lê Thanh Vân

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần phân loại, xử lý những trường hợp này để kích hoạt niềm tin của nhân dân.

Xử lý để “xốc” lại hệ thống

Thời gian gần đây, câu chuyện cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai được dư luận nhắc đến nhiều. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Câu chuyện trì trệ trong hoạt động của bộ máy thực tế không mới. Mấy năm nay, người đứng đầu Đảng ta là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc rất nhiều lần là ai không dám làm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần vấn đề này. Theo tôi, đây chính là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Chúng ta thấy, hình ảnh Thủ tướng xông xáo, “tả đột hữu xung” như thế nhưng tính ăn khớp, vận hành một cách nhất quán, thông suốt của cả bộ máy xem ra còn vấn đề. Cán bộ là đầu tàu, cấp trưởng, cấp phó là đầu tàu để dẫn dắt mà nếu trì trệ thì bộ máy làm sao hoạt động được, con tàu làm sao chạy được. Do đó, phải có chỉnh đốn nghiêm túc, xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu trong cả hệ thống, nếu như thấy không đủ tiêu chuẩn, không bảo đảm được việc thực hiện gánh vác nhiệm vụ thì phải thay thế.

Việc này, theo tôi, có thể bắt đầu từ việc đánh giá xem những ai là người trì trệ, không dám làm. Tôi cho rằng có 3 nhóm cán bộ được coi là né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Nhóm thứ nhất là không biết gì, vì không biết gì cho nên không dám làm gì. Nhóm này tôi nghĩ rằng nếu rà soát cán bộ sẽ lộ rõ. Nhóm thứ hai là không làm gì vì không có lợi cho bản thân, cho “lợi ích nhóm”. Nhóm này giữ chức danh để ngồi hưởng lộc, bên ngoài thì tỏ ra sốt sắng nhưng bên trong thì không có lợi thì không làm. Nhóm thứ ba tuy có biết nhưng sợ hãi do phòng, chống tham nhũng làm quá mạnh, sợ bị sai, sợ bị “dính” vào lao lý.

Rõ ràng, đã đến lúc phải mổ xẻ, phân loại cán bộ để có cách xử lý. Theo tôi, cả 3 nhóm trên đều phải thay thế, thậm chí là bị xử lý. Bởi, trong thuật ngữ pháp lý, hành vi gồm có hành động và không hành động. Việc “anh” không hành động, không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao là không thực hiện công việc mà Nhà nước, nhân dân ủy thác, dẫn đến hậu quả là bộ máy trì trệ, là những cơ hội làm cho kinh tế - xã hội phát triển vuột qua mất.

Theo tôi, làm được như vậy sẽ có một số tác dụng. Thứ nhất là “xốc” lại đội hình, thay thế bằng những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng ngồi vào vị trí lãnh đạo, điều hành, quản lý hệ thống, tạo ra cộng hưởng chung của cả một hệ thống vận hành thông suốt. Có như vậy thì diện mạo kinh tế - xã hội mới thực sự chuyển động tích cực. Thứ hai, làm mạnh như thế là bằng chứng khẳng định rằng Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã đi vào cuộc sống, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sẵn sàng thay thế những người không đủ tiêu chuẩn, vi phạm pháp luật, chây ỳ, đúng như tinh thần Tổng Bí thư đã nêu, đó là dẹp sang một bên. Tác dụng thứ ba là kích hoạt niềm tin của nhân dân, cộng hưởng với Đảng, Nhà nước cùng toàn xã hội trở thành một phong trào rộng khắp, vực dậy kinh tế - xã hội. Như thế sẽ làm cho diện mạo phát triển của đất nước bước sang một trang mới.

Để làm được điều đó, tôi cho rằng, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng đã có đủ, vấn đề là tổ chức triển khai. Việc tổ chức triển khai liên quan đến hệ thống nào thì hệ thống đó phải có thể chế cụ thể. Ví dụ, hệ thống Đảng phải có những quy định cụ thể để xử lý cán bộ chây ỳ và bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Về phía Nhà nước, phải thể chế hóa bằng pháp luật. Có thể Quốc hội chưa ban hành một đạo luật nhưng ban hành một Nghị quyết, Chính phủ có thể ban hành Nghị định để cụ thể hóa tinh thần đổi mới của Đảng, làm công cụ pháp lý vững chắc cho các tập thể, cá nhân có thẩm quyền xử lý ngay những cán bộ đứng đầu các cấp chây ỳ không dám làm.

5 ý tưởng bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà mới đây cho biết Bộ này đang tập trung rất cao, tham mưu cho Chính phủ để ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhưng nội dung này vướng rất nhiều quy định của pháp luật, cần có nghị quyết của Quốc hội. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

- Việc này liên quan đến kỹ thuật lập pháp. Khi một văn bản dưới luật dự kiến ban hành, ví dụ Chính phủ dự định ban hành một nghị định về bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, nhưng thấy tầm vóc của văn bản một nghị định không thể sửa được các luật khác thì phải chuyển hóa thành nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết của Quốc hội có giá trị như một đạo luật vì về thủ tục, trình tự và cơ quan có thẩm quyền ban hành là một. Tôi nghĩ sẽ không lâu để có thể chuyển từ nghị định của Chính phủ thành Nghị quyết của Quốc hội. Và đây cũng sẽ là một nghị quyết đặc biệt, áp dụng ngay trong tình thế mà đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra.

Theo ông, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm phải có các yếu tố nào mới đủ mạnh?

- Theo tôi, trong cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì phải có một số nội dung căn bản. Đầu tiên, phải xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là gì? Tôi cho rằng, dám nghĩ là nghĩ những cái mà người khác không nghĩ được; dám làm là dám làm những cái mà người khác không hoặc chưa làm; còn dám chịu trách nhiệm là sẵn sàng chịu sự trừng phạt của pháp luật, chịu sự kỷ luật của tổ chức nếu làm sai, gây thiệt hại cho lợi ích của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân. Tuy nhiên, trong nghị quyết của Đảng đã có một cái “khóa”, đó là vì lợi ích chung. Nếu như không có câu “vì lợi ích chung” thì cán bộ dám nghĩ sẽ không dám. Như vậy, có thể nói là mục tiêu đã rất rõ.

Thứ hai, phải làm rõ “vì lợi ích chung” là gì? Theo tôi, lợi ích chung là lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng. Lợi ích chung đó không trái với đường lối, chủ trương cơ bản của Đảng, tức là Cương lĩnh chính trị và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Còn nếu như khác với các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị thì đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cho thí điểm. Vì lợi ích chung cũng không được trái Hiến pháp; trường hợp vượt trần các nghị quyết của cơ quan có thẩm quyền thì cũng phải trình Quốc hội cho thí điểm. Trên thực tế, khi chúng ta đối phó đại dịch COVID-19, Quốc hội đã có những việc làm tương tự, đó là sự ra đời của Nghị quyết 30/2021/QH15 chưa từng có tiền lệ. Và điều cơ bản nhất là không được vượt trần của chế độ chính trị, không được làm thay đổi bản chất xã hội.

Vấn đề thứ ba là phải xem nội dung đó có khả thi hay không, tức là giữa thực trạng và triển vọng có mối liên hệ hữu cơ thế nào. Ví dụ, nếu người ta đưa ra việc dám nghĩ như là một phép thần tiên, hoang đường thì không có cơ sở thực tiễn để minh định được. Tuy nhiên, nếu những đề xuất nhìn thấy được logic thì phải ủng hộ. Ví dụ, trong cải tiến quy trình quản lý về kinh tế, đề xuất cắt giảm đầu mối, bỏ khâu trung gian nếu chứng minh được hiệu quả thì logic có độ tin cậy.

Vấn đề thứ tư là, trong cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khi nhìn vào kết quả phải có cách nhìn khách quan, phải đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa điều kiện thuận lợi và điều kiện khó khăn, những tình thế bất khả kháng. Nếu như trong điều kiện thuận lợi mà kết quả diễn ra ngược lại với mong muốn thì đó là sự thất bại. Khi đó, người đề xuất và cả những cơ quan thẩm định phải chịu trách nhiệm. Bởi, nếu chúng ta đã đánh giá một cách khách quan, khoa học mà thất bại thì chỉ có thể là do lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi. Còn trong trường hợp do những điều kiện khách quan, bất khả kháng không hoàn thành được, ví dụ như một mô hình thí nghiệm ngoài trời mà gặp phải giông bão nên thất bại thì cần phải chia sẻ những thiệt hại gây ra từ việc đầu tư. Việc này phải làm cho chặt để tránh lợi dụng trong cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm.

Thứ năm, khi xem xét kỷ luật cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng cần minh bạch, rõ ràng. Nếu chứng minh được họ có tham nhũng, trục lợi thì xử lý kỷ luật ngay. Và nếu những người dám làm, dám chịu trách nhiệm đã xử lý rồi nhưng không chứng minh được mà thấy rằng việc họ đột phá trong cơ chế, chính sách đã mang lại hiệu quả chung thì phải hồi tố. Bảo vệ họ thì xã hội mới tin và những người sắp làm mới thấy đường lối, chủ trương và tự tin làm.

Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Minh Ngọc (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dbqh-le-thanh-van-neu-quan-diem-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-post477103.html
Zalo