ĐBQH: Giao thông đi trước, đô thị xây lên mới có người ở

Góp ý tại nghị trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần đẩy mạnh quy hoạch phát triển đô thị theo hình thức TOD để không còn tình trạng đô thị xây xong không có người ở hoặc gây bức xúc giao thông.

Tránh đi xin đất làm hạ tầng trước nhưng quy hoạch thì không có

Sáng 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), cần quy hoạch đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển giao thông đi trước để định hướng cho phát triển đô thị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Bởi, nếu phát triển giao thông đi trước sẽ giải quyết được hai vấn đề. Trước hết là không còn tình trạng xây dựng tràn lan sau đó không có giao thông, không có người ở.

Hoặc khi có người ở rồi lại gây bức xúc giao thông và nhà nước phải bỏ tiền để giải quyết vấn đề hạ tầng. Như vậy vừa gây gánh nặng với ngân sách nhà nước, vừa gây tốn kém cho xã hội.

Nếu phát triển giao thông đi trước, khi đô thị phát triển lên, người dân sẽ đến ở ngay, không xảy ra tình trạng bỏ hoang. Giá trị đất đai tăng cao sẽ tập trung vào ngân sách nhà nước mà không rơi vào tay tư nhân.

Do đó, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị: Trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở điều 50, khoản 3 cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch. Ở đó, cần thực hiện các quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó mới quy hoạch đô thị để tránh tình trạng như hiện nay đó là "đi xin đất làm hạ tầng trước nhưng quy hoạch thì không có".

Các đại biểu lắng nghe các ý kiến tại nghị trường.

Các đại biểu lắng nghe các ý kiến tại nghị trường.

Đóng góp ý kiến, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cũng chỉ ra bất cập khi quy hoạch đô thị và nông thôn hiện còn thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được phát triển kinh tế, còn diễn ra ùn tắc giao thông.

Trong thời gian vừa qua, pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn một số bất cập, chưa hoàn thiện, lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến công tác quy hoạch, quản lý còn hạn chế.

Cụ thể như quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa gắn kết với các quy hoạch khác như là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng chất lượng đô thị hóa chưa cao, chủ yếu là phát triển theo chiều rộng, thiếu không gian xanh, không gian ngầm và không gian sinh hoạt công cộng...

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đại biểu Sinh đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đồng thời là không vi phạm những hành vi bị cấm trong Luật này...

Tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch

Chỉ ra thực tế hiện nay còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng) cho rằng dự thảo Luật cần có quy định để đảm bảo sự phù hợp của các dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn.

Đại biểu cho biết, theo quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng).

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng).

Trường hợp cùng cấp độ, khác cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện.

Theo đại biểu đoàn Hải Phòng, việc quy định như dự thảo Luật hiện tại có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện.

Bên cạnh đó, Điều 8 của dự thảo Luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này.

"Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý. Mặc dù trong dự thảo Luật cũng đã có quy định các nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất trong lập quy hoạch, nhưng thực tế nội dung của các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không tránh khỏi", đại biểu nêu rõ.

Từ các phân tích trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Qua đó để có cơ sở xác định và áp dụng được nhanh, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của Nhà nước.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dbqh-giao-thong-di-truoc-do-thi-xay-len-moi-co-nguoi-o-192241025114208027.htm
Zalo