Cà Mau: Tạo chuyển biến thực sự trong giải ngân vốn đầu tư công

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Cà Mau đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng và các Chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch được giao. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức thấp. Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Trần Công Khanh về vấn đề này.

- Được biết, tỉnh Cà Mau đã và đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Xin ông cho biết, đến nay, kết quả công tác này như thế nào, tỷ lệ đạt được bao nhiêu?

- Nhằm đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, trong năm 2024, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm, tập trung cho công tác này như: tăng cường quản lý và theo dõi tiến độ dự án; tập trung vào việc giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, từ khâu chuẩn bị, giải phóng mặt bằng đến khâu thi công, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật tiến độ và báo cáo kịp thời những vướng mắc để có giải pháp xử lý nhanh chóng.

Cùng với đó, nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng; tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện dự án, chủ động phối hợp với các ban ngành để giải quyết nhanh các vướng mắc, bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án.

Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân nhanh chóng nguồn vốn. Quy trình phê duyệt và thanh toán vốn được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thẩm định. Theo đó, kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh (bao gồm năm 2023 chuyển sang) là 5.228,40 tỷ đồng. Đến ngày 21.10.2024, tỉnh đã giải ngân đạt 2.518,846 tỷ đồng, bằng 48,2% kế hoạch vốn.

- Đâu là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh năm nay chưa cao, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu là do vấn đề nguồn vật liệu xây dựng và công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh Cà Mau là địa phương không có nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ nên nhiều công trình gặp khó khăn trong khâu cung ứng nguyên liệu. Mặt khác, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát, cộng với thời gian gần đây tình trạng sụt lún đất, sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng ngọt trong mùa khô… đã gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung của các công trình. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án cũng gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do công tác đo vẽ, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, xử lý một số trường hợp hộ dân sang nhượng giấy tay mất nhiều thời gian. Một số nơi, người dân chưa đồng thuận về giá bồi thường dẫn đến khiếu nại; một số tuyến đường trải dài trên nhiều địa bàn cũng gây khó khăn cho công tác xác định giá đất khu vực giáp ranh.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, tình trạng có những công trình nhóm B nguồn vốn rất lớn nhưng qua nhiều năm vẫn chưa quyết toán; vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 được phân bổ chi tiết chậm, hiện nay hầu hết các công trình chỉ mới bắt đầu triển khai đầu tư cũng là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.

 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2024

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2024

Trước thực tế trên, Sở Kế hoạch và đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2024.

- Ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp mà tỉnh đã triển khai để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thưa ông?

- Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, Sở Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh để trình và được HĐND tỉnh Khóa X, tại các Kỳ họp thứ 13, 14 và 15, thông qua nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo đó, HĐND tỉnh đã điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, có khó khăn vướng mắc để chuyển nguồn vốn này sang bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Mặt khác, Sở đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2024 tại Hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội hằng tháng và tại các cuộc họp đột xuất đối với những vấn đề cụ thể liên quan đến đầu tư công.

- Thời gian qua, các sở, ban, ngành của tỉnh đã phát huy vai trò của mình trong công tác này như thế nào?

- Các sở, ban, ngành của tỉnh đều đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh. Cụ thể, Sở Tài nguyên và môi trường cùng với UBND các huyện và thành phố Cà Mau thực hiện và đề xuất giải quyết các khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Sở Xây dựng cập nhật và điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, đảm bảo tính hợp lý so với thị trường, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh kiểm soát giá vật liệu xây dựng trên địa bàn. Sở NN và PTNT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia. Kho bạc Nhà nước các cấp giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chi vốn đầu tư công.

- Từ nay đến cuối năm 2024 thời gian không còn nhiều, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, thưa ông?

-Với kết quả đã thực hiện, để giải ngân đạt kế hoạch vốn đã đề ra năm 2024 thì trong những tháng còn lại của năm 2024, bình quân mỗi tháng tỉnh phải giải ngân gần 1.000 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 cho phù hợp tình hình, tiến độ thực hiện thực tế của các dự án, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Trước mắt, tỉnh tăng cường liên hệ với các địa phương có mỏ vật liệu xây dựng để tạo nguồn và đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành tiếp tục bám sát và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chương trình số 01/CTr-UBND ngày 19.1.2024 của UBND tỉnh (Chương trình 01) và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh. Một số chủ đầu tư có nguồn vốn lớn nhưng hết quý III.2024 chưa đạt theo Chương trình tháo gỡ khó khăn phải có kế hoạch để bù tiến độ chậm, nếu giải ngân không kịp phải báo cáo để kịp thời điều chỉnh vốn. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong những tháng còn lại của năm, tỉnh sẽ tập trung vào các dự án chậm tiến độ, dự án có khối lượng nhưng chưa làm hồ sơ thi công, dự án còn vướng mặt bằng để tạo sự chuyển biến thực sự trong giải ngân vốn đầu tư công.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ca-mau-tao-chuyen-bien-thuc-su-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post394246.html
Zalo