ĐBQH: Địa bàn sau sáp nhập rộng, liệu cán bộ có đủ sức sát dân, gần dân?
Đại biểu Quốc hội chia sẻ về băn khoăn, lo lắng của người dân khi thực hiện sáp nhập như địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính của tỉnh, liệu có ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền nghĩa vụ công dân.
Tham gia góp ý vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sáng 14/5 tại Nghị trường, đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi các nội dung liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đại biểu, việc này nhằm giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đây có thể xem là cuộc cách mạng trong cải cách nền hành chính nước nhà.
Dù vậy, đại biểu cho rằng sự thay đổi này ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các mặt đời sống xã hội, từ kinh tế xã hội cho đến tâm tư nguyện vọng của người dân.
"Dưới sự sáp nhập các đơn vị hành chính, thì một số địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc, với nhân dân địa phương sẽ chỉ còn là hoài niệm trong ký ức. Một cấp chính quyền từng đồng hành với sự phát triển của đất nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chấm dứt sự tồn tại.
Một số lượng công chức, cán bộ không chuyên trách sau nhiều năm gắn bó với bộ máy Nhà nước phải nghỉ việc, đang loay hoay tìm hướng đi mới, gặp không ít khó khăn trong việc tái hòa nhập thị trường lao động, số còn lại cũng chưa biết đi đâu về đâu, nơi ăn chốn ở thế nào?," đại biểu đề cập.
"Người dân băn khoăn, lo lắng vì địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính của tỉnh, liệu có ảnh hưởng việc thực hiện quyền nghĩa vụ công dân? Cán bộ cấp xã có tăng nhưng còn ít hơn khi còn cấp huyện và với địa bàn rộng thì liệu có đủ sức sát dân, gần dân? Tương tự với lực lượng công an xã, liệu địa bàn rộng có đảm bảo quản lý tốt khi có tình huống xảy ra?," đại biểu nêu vấn đề.
Theo đó, đại biểu đề nghị các ngành các cấp cần sớm có câu trả lời, cần có giải pháp để đạt được mục tiêu sau khi sáp nhập. Trong đó, bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng thống nhất cao với việc sửa đổi các quy định phân cấp phân quyền, phân rõ nhiệm vụ quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã. Theo đại biểu, sau khi sáp nhập tỉnh, có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm km, với hạ tầng giao thông thấp kém ở nhiều xã vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, sẽ tốn nhiều thời gian, kinh phí. Việc phân cấp này sẽ hết sức cần thiết.
Bên cạnh việc phân cấp mạnh, giao quyền tự quyết cho cấp xã, đại biểu cho rằng cũng cần có cơ chế phối hợp giữa các xã, phường giáp ranh một cách hiệu quả. Ví dụ trên cùng tuyến đường nhưng cùng thuộc quản lý của hai phường xã, thậm chí là nhiều hơn, việc đầu tư là của UBND tỉnh, nhưng những nội dung như cây xanh, vỉa hè thì cần có sự thống nhất, mà ở đó UBND tỉnh không cần tham gia.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. Ảnh: Media Quốc hội
Lãnh đạo tỉnh "cầm tay, chỉ việc" cho cán bộ xã sau sáp nhập
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang thống nhất cao với việc sửa đổi cơ bản, toàn diện luật hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Đại biểu Hương nêu ý kiến về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương tại Điều 11. Theo đó, thực tế cho thấy, trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận. Cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã, khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều.
Do đó, cần chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.Ảnh: Media Quốc hội
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị bổ sung trong trường hợp cần thiết, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, thì UBND tỉnh có thể trực tiếp làm những công việc của cấp dưới hoặc của UBND cấp xã; đồng thời nêu rõ trong trường cần thiết nào để phát huy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền lợi người dân.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Media Quốc hội
"Trường hợp cần thiết ở đây là trường hợp việc làm đó nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân và cũng quy định rõ chỉ thực hiện ở giai đoạn đầu khi mới sắp xếp, sáp nhập. Giai đoạn này lãnh đạo cấp tỉnh mới "cầm tay, chỉ việc" cho lãnh đạo cấp xã, khi bộ máy hành chính hoạt động nhuần nhuyễn rồi sẽ thôi," đại biểu An nói.