ĐBQH đề xuất giải pháp mạnh để 'chặn đứng' hàng giả, hàng nhái
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang len lỏi khắp thị trường, từ chợ đầu mối lớn đến các nền tảng thương mại điện tử. Nhiều đại biểu lên tiếng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và đề xuất các giải pháp mạnh tay để chặn đứng thực trạng nhức nhối này.
Sự vắng mặt kéo dài của các cơ quan chức năng
Tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 23/5 của Quốc hội, liên quan đến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang) đã đưa ra phản ánh đáng chú ý về tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc trong lĩnh vực thời trang và dệt may.
Đại biểu Xương cho biết, qua thông tin bà nắm được, trong nhiều năm qua, việc buôn bán hàng giả, hàng nhái tại chợ Ninh Hiệp diễn ra một cách công khai, gần như toàn bộ thương nhân đều tham gia.

Đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang)
Việc cả chợ bán hàng giả, hàng nhái khiến cho người tiêu dùng hết sức thiệt thòi khi phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua sắm nhưng lại mua phải hàng giả, hành nhái. Không chỉ người tiêu dùng, mà việc các tiểu thương, thương lái buôn bán hàng giả, hành nhái có ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành may mặc của Việt Nam. Thực trạng để hàng giả lộng hành tại một chợ lớn không chỉ làm tổn hại người tiêu dùng, mà còn đẩy doanh nghiệp dệt may trong nước những đơn vị hoạt động hợp pháp, đóng thuế đầy đủ vào thế khó, phải cạnh tranh không công bằng với hàng hóa vi phạm. Không thể vì lợi nhuận của một bộ phận mà bất chấp hậu quả với xã hội và nền kinh tế.
Đại biểu Thái Thu Xương đặt câu hỏi gay gắt: Vai trò quản lý của bộ, ngành, chính quyền địa phương đang ở đâu? Điều đáng nói ở đây là sự vắng mặt kéo dài của các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Chỉ khi báo chí phản ánh thì các lực lượng chức năng mới xuất hiện, và ngay lập tức, cả chợ đồng loạt đóng cửa. Điều này cho thấy sự phối hợp và quản lý hiện nay là có vấn đề.
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, hàng giả, hàng nhái hiện nay không còn đơn thuần là hàng hóa kém chất lượng về mặt kinh tế mà đã trực tiếp đe dọa sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến y tế, thực phẩm, dược phẩm như thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả... Nhiều vụ việc gần đây cho thấy những đối tượng sản xuất, buôn bán các sản phẩm giả đều hiểu rõ tác hại nhưng vẫn bất chấp vì lợi nhuận.
Giáo dục đạo đức công vụ và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm
Về phía các cơ quan thực thi pháp luật, bà Nga thẳng thắn chỉ ra, hàng giả, hàng nhái có thể tồn tại, thậm chí phát triển mạnh mẽ và kéo dài là bởi chính hệ thống quản lý còn lỏng lẻo. Chúng ta cần rà soát xem pháp luật hiện hành có kẽ hở nào bị các đối tượng lợi dụng. Đồng thời, với những quy định đã có, tại sao việc thực thi vẫn lỏng lẻo? Có hay không sự tiếp tay, buông lỏng trách nhiệm từ chính người thực thi công vụ?”.
Để xử lý dứt điểm tình trạng hàng giả, hàng nhái theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cần một loạt giải pháp đồng bộ, trong đó có việc rà soát thể chế, siết chặt quy định pháp luật . Thực tế thời gian qua đã có trường hợp một số cán bộ chức năng bị phát hiện tiếp tay cho các đường dây buôn bán hàng giả. Điều này cho thấy, ngoài việc hoàn thiện pháp luật, cần đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương)
Bà Nga lấy ví dụ, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được xem xét, Quốc hội đã bổ sung trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng khi tham gia quảng bá sản phẩm. Đây là bước đi cần thiết vì đã có không ít trường hợp người nổi tiếng quảng bá các sản phẩm chưa được kiểm định, thậm chí là hàng kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
“Luật trước đây chưa ràng buộc trách nhiệm người chuyển tải thông tin. Nay khi đã có quy định cụ thể, họ sẽ phải cân nhắc kỹ hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng khi tham gia quảng cáo,” đại biểu Nga nhận định.
Đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang) đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng giống như thời gian qua lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ hàng giả, hàng nhái như sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả.... Đồng thời, không chỉ cần luật mạnh, người thực thi nghiêm, mà còn phải có sự đồng lòng của toàn xã hội trong lên án và tẩy chay hàng giả, hàng nhái.