ĐBQH đề nghị xây dựng bảng lương riêng, đãi ngộ phù hợp cho nhà giáo
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng lương vẫn không phù hợp. Do đó, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo
Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (tỉnh Bạc Liêu) góp ý về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo (Điều 27). Bà cho rằng thực tế hiện nay, các chế độ chính sách đối với nhà giáo như lương và các phụ cấp… đối với nhà giáo còn thấp, dẫn đến tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận không nhỏ nhà giáo bỏ việc nhất là nhà giáo trẻ.
"Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương thiếu giáo viên", bà Linh nêu.
Chính vì vậy, đại biểu Linh cho rằng dự án luật lần này quy định về chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp cho các đối tượng nhà giáo là cần thiết.
"Việc quy định chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp cho các đối tượng nhà giáo nhằm khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực và những người giỏi sẽ tham gia vào ngành sư phạm nhiều hơn, giúp ngành giáo dục ngày càng đảm bảo số lượng và chất lượng", bà Linh nêu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng luật cần quy định thật khắt khe, đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thật thỏa đáng để nhà giáo toàn tâm, toàn ý với nghề.
Theo ông Cường, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó, hiện nay đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Theo đại biểu, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng thì vẫn là không phù hợp.
Vì vậy, ông Cường cho rằng cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo. Cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác.
Góp ý về chính sách tiền lương cho nhà giáo tại Điều 27, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Đại biểu Bình nhấn mạnh việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở các vùng khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này.
Ông Bình đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, ông Bình đánh giá rằng dự thảo luật quy định chung chung về chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chính sách khác là chưa rõ ràng về cách triển khai và đối tượng áp dụng.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp, như khám sức khỏe định kỳ, miễn phí hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp. Nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường, đảm bảo tối thiểu 50% chi phí đi lại.
Đối với chính sách thu hút nhà giáo tại Điều 29, ông Bình cho rằng quy định của dự thảo luật chưa có tiêu chí cụ thể để thu hút người có trình độ cao, người có tài năng làm nhà giáo. Do đó, cần xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo; tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp hai lần lương cơ bản đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian đầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) góp ý về chính sách tiền lương đối với giáo viên mầm non.
Đại biểu nhận thấy đây là những nội dung còn nhiều bất cập đã được đề cập trong nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết. Dự thảo luật trình kỳ họp thứ 8 đã đưa ra được một số giải pháp về vấn đề này, tuy nhiên, khi ban hành nghị định, thông tư, Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần cụ thể hóa các quy định chung này, đảm bảo thời gian, công sức lao động của giáo viên mầm non được ghi nhận với chế độ tương xứng.
Bà Quyên cũng cho rằng cần có quy định về chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong việc đào tạo, tự bồi dưỡng, tạo điều kiện về thời gian, tài chính, quyền lợi cho nhà giáo tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Song song đó cần có chế độ đặc thù quy định về nâng lương trước thời hạn và khen thưởng đối với nhà giáo có thành tích xuất sắc.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng ngành giáo dục cũng sẽ nhìn nhận, xem xét cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, ưu ái riêng.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng chia sẻ, thực tế trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống, do đó, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Vì vậy, nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên, còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo thì ở dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.