ĐBQH: cần ưu tiên quỹ đất xây nhà ở xã hội cho người lao động
Sáng 21/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí với nội dung Dự thảo Nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại, tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao một phần nguyên nhân là việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại băn khoăn rằng việc thực hiện thí điểm Dự thảo Nghị quyết cần tính toán, xem xét lại thực trạng nhà ở thương mại tại các địa phương hiện nay cũng như sự phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất...
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, Chính phủ đã rất kỳ công ban hành pháp luật liên quan đất đai, bất động sản hoàn thiện khá cơ bản toàn bộ hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản từ các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản. Việc ban hành Nghị quyết thí điểm khác nữa, theo đó không cần đáp ứng yêu cầu của các luật ban hành.
"Như vậy có tới 2 mặt bằng pháp lý cho kinh doanh bất động sản. Một mặt bằng đáp ứng đầy đủ các quy định tại các luật, một mặt bằng không cần tuân thủ thì sẽ tác động tới thị trường thế nào?”- đại biểu Nguyễn Công Long nêu vấn đề.
Theo đại biểu tỉnh Đồng Nai, thị trường bất động sản hiện nay có nhiều vấn đề, giá bất động sản phi mã, người nghèo, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức rất khó mua được nhà. Cử tri có đặt câu hỏi tại sao Quốc hội không áp dụng cơ chế này cho nhà ở xã hội, phát triển nhà ở xã hội mà chỉ cho nhà ở thương mại.
Mặt khác, đại biểu cho rằng, với chính sách cụ thể tại Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ cũng báo cáo, có những địa phương thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chuyển sang xây dựng nhà ở thương mại không có gì vướng. Vậy tại sao phải thí điểm toàn bộ trên 63 tỉnh, thành?. Đại biểu đề nghị cân nhắc về phạm vi, không thể mở đại trà.
Còn đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phản ánh thực trạng nhiều địa phương có các khu nhà ở thương mại, nhưng có những khu đô thị không ai ở. Trong khi đó, người có thu nhập thấp, lương 7 triệu, 10 triệu, 20 triệu không thể đủ tiền mua nhà thương mại.
Đại biểu nêu vấn đề, nhu cầu thực sự là nhà ở xã hội tại sao không dành quỹ đất, không làm chính sách cho nhà ở xã hội mà lại làm chính sách cho nhà ở thương mại? Từ thực trạng này, đại biểu Đỗ Huy Khánh đặt vấn đề việc mở rộng thí điểm sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại có hợp lý hay không, khi tình trạng bỏ hoang vẫn diễn ra. Trong khi đó, nhu cầu thực tế là nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp cần được quan tâm hơn.
"Nhu cầu thực là nhà ở xã hội, tại sao chúng ta không dành quỹ đất, không ban hành các Nghị quyết để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người thu nhập thấp, công nhân, những đối tượng không đủ tiền để mua nhà ở thương mại"- đại biểu Đỗ Huy Khánh nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cũng băn khoăn khi thí điểm nghị quyết có tạo ra một mặt bằng giá đất mới hay không. Đồng thời, đại biểu bày tỏ lo ngại cùng một khu vực, khu đất Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án của Nhà nước, có giá đền bù, thu hồi khác, sẽ thấp hơn so với giá mà doanh nghiệp thỏa thuận để làm dự án bất động sản, dù hai lô đất có thể gần nhau. Khi đó, người dân sẽ so sánh, nảy sinh tranh chấp.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) bày tỏ ủng hộ thông qua Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết sẽ là cơ sở khơi thông nguồn lực, tăng thêm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng tình với việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng không phải mang tính chất đại trà, chung chung, đại biểu đánh giá cao việc thiết kế tại nghị quyết cho thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng có tiêu chí cho từng dự án. Trong đó với những quy định trong Dự thảo Nghị quyết sẽ chắc chắn chỉ áp dụng với khu vực đô thị, không có chuyện lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách đại trà, tràn lan để thực hiện nghị quyết. "Đây là cách thiết kế khá hợp lý để thực hiện" - đại biểu Trịnh Xuân An nêu.
Theo đại biểu cho biết, Dự thảo Nghị quyết được tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ, đã tách điều 1 ra thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Đại biểu đề nghị thiết kế một điều riêng về quyền và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh bất động sản. Đồng thời, cần thêm một số nguyên tắc phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và không được vi phạm các quy định dẫn đến đầu cơ, tăng giá.
Báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu và có giải trình đầy đủ trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.
Theo Bộ trưởng, mục đích ban hành Nghị quyết là bổ sung thêm phương thức tiếp cận đất đai thực hiện nhà ở thương mại mà hiện Luật Đất đai chưa cho phép.
Phân tích về 2 cơ chế dịch chuyển đất (nhà nước thu hồi đất thông qua đấu giá hoặc thu hồi; người dân thỏa thuận với doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có đất muốn nhà nước cho phép chuyển đổi) để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các quy định của pháp luật hiện nay vẫn còn những hạn chế đối với việc tiếp cận đất đai trong triển khai các dự án nhà ở thương mại, đặc biệt liên quan đến quy mô diện tích nhỏ ở mức 2ha.
"Việc ban hành Nghị quyết giúp các địa phương, nhất là những địa phương chỉ có các dự án quy mô nhỏ mở mức 2ha mà quy định của pháp luật chưa cho phép, giúp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận đất đai để triển khai thực hiện dự án"- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích.