ĐBQH: Cần có cơ chế kiểm soát sự chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra
Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư.
Thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi vào sáng 22/5, nhiều đại biểu băn khoăn khi chưa có quy định kiểm soát sự chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) đồng tình với ban soạn thảo về việc thống nhất khái niệm “thanh tra”, không phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
“Đây là tiếp cận phù hợp với thực tiễn, vì nhiều cuộc thanh tra hiện nay mang tính kết hợp, rất khó phân định rạch ròi”, bà Hà nói.
Theo nữ đại biểu, việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng thống nhất góp phần khắc phục bất cập trên. Sau khi tinh gọn bộ máy, chức năng thanh tra chuyên ngành tiếp tục được duy trì để bảo đảm tính đầy đủ, hiệu quả trong quản lý Nhà nước.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. (Ảnh: Media Quốc hội)
Đại biểu đoàn Hà Nội nhận định, dự thảo luật và hệ thống thanh tra sau sắp xếp đã tách bạch hai hoạt động thanh tra và kiểm tra. Theo đó, thanh tra là hoạt động do cơ quan thanh tra chuyên trách thực hiện, còn kiểm tra là chức năng của thủ trưởng cơ quan quản lý chuyên ngành.
“Tôi băn khoăn dự thảo luật hiện chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, mà chưa có quy định kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, trong khi đây là vấn đề phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp. Tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư”, đại biểu Hà nói.
Dẫn Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, bà Hà nhắc lại yêu cầu, chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần với doanh nghiệp, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng.
“Nếu không có cơ chế điều phối cụ thể giữa thanh tra và kiểm tra, sẽ rất khó thực hiện hiệu quả chỉ đạo này. Vì thế tôi kiến nghị, bổ sung khái niệm “kiểm tra” vào dự thảo luật để làm rõ tính chất, chủ thể, hệ quả pháp lý và trách nhiệm tổ chức thực hiện”, bà Hà nói.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung tại Điều 61 nguyên tắc phối hợp, tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra; đồng thời giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh vai trò đầu mối điều phối kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đồng tình khi dự thảo luật quy định “thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, theo ông Hải, Ủy ban Kiểm tra các cấp có nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Vì vậy, ông đề nghị có quy định để làm sao xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan thanh tra và ủy ban kiểm tra các cấp, khi một vụ việc có dấu hiệu vi phạm, cơ quan nào tiến hành trước, cơ quan nào tiến hành sau.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) thì cho rằng: “Hiện nay chúng ta không còn thanh tra chuyên ngành và liên ngành. Vì thế tôi cũng băn khoăn việc thanh tra ở cơ sở hầu như chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành, vẫn chủ yếu dựa trên liên ngành. Vì thế thời gian tới có thể dẫn đến việc “sếp nhiều hơn, lính ít đi”. Vì thế, khi chúng ta xây dựng nghị định và thông tư cần phải thực hiện cho đúng luật”.
Bên cạnh đó, đại biểu Phong Lan cũng cho rằng, chúng ta cần có giải pháp để phòng chống lạm quyền khi tiến hành thanh tra, đồng thời làm cho công tác thanh tra trở nên hiệu quả hơn.
“Đương nhiên thanh tra 2 cấp là rất quyền lực, vì thế trong xây dựng luật cần phải có quy định rõ ràng hơn. Trước khi đi thanh tra thì lại phải thông báo cho đơn vị, tổ chức để chuẩn bị nội dung này nội dung kia. Thanh tra đi đến đâu là hàng hóa được giấu hết. Các nhà thuốc đều nói với chúng tôi là không bán thực phẩm chức năng…Rất khó để có thể bắt quả tang khi thanh tra có kế hoạch và rầm rộ thông tin trước đó”, đại biểu Lan phân tích.
Cần cơ chế giám sát hoạt động thanh tra
Góp ý về nguyên tắc hoạt động thanh tra, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo mật thông tin để bảo đảm hiệu quả trong quá trình thanh tra. Đồng thời, ông cũng kiến nghị bổ sung việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra nhằm bảo vệ quyền lợi công dân và tổ chức khi bị thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Tạo. (Ảnh: Media Quốc hội)
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, đại biểu Tạo đề nghị làm rõ hành vi cố ý không ra quyết định thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
“Cần có cơ chế giám sát nội bộ, trong đó thủ trưởng cơ quan thanh tra phải báo cáo định kỳ về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm nhưng không quyết định thanh tra, đồng thời bổ sung quy định báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên hoặc Thanh tra Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình”, đại biểu Tạo nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông đề xuất quy định cụ thể hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong thanh tra, ví dụ như yêu cầu cung cấp tài liệu không liên quan, kéo dài thời gian thanh tra không có lý do chính đáng hay cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Đặc biệt, cần xây dựng kênh tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi hối lộ, sách nhiễu qua hệ thống số hóa với bảo mật thông tin người tố cáo.
Về bảo vệ người tiến hành thanh tra, đại biểu Nguyễn Tạo kiến nghị bổ sung quy định bảo vệ trước các hành vi can thiệp trái pháp luật như đe dọa, mua chuộc, gây áp lực hay cung cấp thông tin sai lệch nhằm làm sai lệch kết luận thanh tra. Các biện pháp bảo vệ bao gồm bảo mật thông tin cá nhân và hỗ trợ pháp lý cho người bị can thiệp.
Vị đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị bổ sung hành vi thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra vào danh mục các hành vi bị nghiêm cấm để ngăn chặn tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến kết quả thanh tra.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị bổ sung chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi không cung cấp, trì hoãn hoặc cung cấp sai thông tin dẫn đến né tránh, làm chậm trễ quá trình thanh tra...
Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ, Thanh tra Chính phủ cho biết tại phiên thảo tổ hôm 8/5, đã có 88 lượt ý kiến đại biểu góp ý sôi nổi, trách nhiệm.
Một trong những nội dung quan trọng là việc sửa đổi, thống nhất khái niệm thanh tra. Theo dự thảo luật, thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: Media Quốc hội)
Sau khi sắp xếp lại tổ chức thanh tra theo hướng không còn thanh tra bộ, thanh tra sở, hoạt động kiểm tra chuyên ngành sẽ do thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp thực hiện. Nếu cần thanh tra, các bộ, sở có thể đề nghị Thanh tra Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh thực hiện.
Dự thảo luật cũng quy định rõ: Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật; nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra làm rõ.
Liên quan đến việc xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, dự thảo luật bổ sung quy định phối hợp khi phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm một nội dung chỉ do một cơ quan thực hiện.
Tuy nhiên, dự thảo không quy định cụ thể về xử lý chồng chéo giữa thanh tra và hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành do có sự khác biệt về nội dung và phương pháp. Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định riêng để xử lý vấn đề này.