Đại biểu Quốc hội: Thanh tra bị 'trói tay, trói chân' rất nhiều

'Tại sao chúng ta không có những quy định thoáng hơn để có thể thanh tra đột xuất được nhiều hơn là thanh tra kế hoạch?', đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt vấn đề và cho biết thực tế, lực lượng thanh tra đi đến đâu, hàng hóa lại bị giấu, các nhà thuốc tìm cách đối phó.

Thanh tra đi đến đâu, hàng hóa lại bị giấu đến đó

Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng, luật lần này chủ yếu tập trung vào việc xây dựng thanh tra hai cấp, tuy nhiên cũng đặt ra những mối lo ngại về thanh tra chuyên ngành.

“Chúng tôi hay nói đùa với nhau, đợt này chắc là sếp sẽ nhiều hơn mà lính thì sẽ ít đi. Từ đó cũng đặt ra những khó khăn, đặc biệt là đối với thanh tra chuyên ngành”, bà Lan cho hay, đồng thời mong muốn, khi xây dựng nghị định và thông tư sẽ có những đầu tư thích đáng cho quy định kiểm tra chuyên ngành.

 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Như Ý

“Dự thảo cần quy định cụ thể về nội dung “can thiệp trái pháp luật”, “tác động làm sai lệch”, ví dụ gây áp lực, đe dọa, mua chuộc, hoặc cung cấp thông tin sai lệch để ảnh hưởng đến kết luận thanh tra; bổ sung quy định bảo vệ người tiến hành thanh tra, như quy định bảo mật thông tin cá nhân hoặc hỗ trợ pháp lý khi bị can thiệp trái pháp luật”, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) kiến nghị.

Đại biểu đoàn TP HCM nhìn nhận, thanh tra hiện nay bị "trói tay, trói chân" rất nhiều. "Tại sao chúng ta không có những quy định thoáng hơn để có thể thanh tra đột xuất được nhiều hơn là thanh tra kế hoạch?", bà Lan đặt vấn đề.

Nữ đại biểu cũng cho rằng, thanh tra kế hoạch bị hạn chế rất nhiều các yếu tố bất ngờ. Ví dụ, trước vấn đề về sữa giả, thực phẩm chức năng giả, Thủ tướng yêu cầu ra quân để xử lý, nhưng thực tế, lực lượng thanh tra đi đến đâu, hàng hóa lại bị giấu, các nhà thuốc tìm cách đối phó.

"Rất khó để có thể bắt quả tang khi chúng ta làm một việc có kế hoạch và rầm rộ thông tin từ trước", bà Lan nói, đồng thời mong muốn, sửa đổi luật theo hướng làm sao để thanh tra được hiệu quả, khắc phục những tồn tại cũ.

Quy định rõ trách nhiệm thủ trưởng khi đề nghị thanh tra

Liên quan đến trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra (Điều 21), đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) băn khoăn khi dự thảo lược bỏ hoàn toàn quy định về trình tự cuộc thanh tra chuyên ngành.

Theo bà, nội dung này chưa phù hợp, bởi lẽ việc sắp xếp hệ thống thanh tra chỉ chấm dứt hoạt động các cơ quan thanh tra chuyên ngành (trừ một số bộ, ngành), nhưng chức năng thanh tra chuyên ngành vẫn tiếp tục được thực hiện.

Đơn cử, Thanh tra Bộ Công an hiện vẫn thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành đặc thù. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động Thanh tra Công an nhân dân.

 Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Như Ý

“Nếu dự thảo luật không có quy định riêng cho trình tự thanh tra chuyên ngành, thì sau khi luật có hiệu lực, các cơ quan như Thanh tra Bộ Công an sẽ buộc phải áp dụng quy trình thanh tra hành chính – một quy trình vốn không phù hợp về bản chất, mục tiêu và phương thức thực hiện của thanh tra chuyên ngành”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nêu rõ.

Từ đó, nữ đại biểu kiến nghị sửa đổi Điều 21 theo hướng kế thừa Điều 49 và Điều 50 của Luật hiện hành, đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra thuộc lĩnh vực đó.

Cũng theo đại biểu, sau khi hệ thống thanh tra được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, thống nhất, nhiều bộ, ngành không còn cơ quan thanh tra trực thuộc. Trong bối cảnh đó, việc dự thảo tiếp tục dùng từ “yêu cầu” là không còn phù hợp, vì quan hệ giữa cơ quan quản lý và cơ quan thanh tra giờ đây mang tính phối hợp, không còn là mệnh lệnh hành chính.

“Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước khi đề nghị thanh tra, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, cần quy định điều kiện, cơ chế tiếp nhận đề nghị để cơ quan thanh tra thực hiện đúng thẩm quyền, không làm thay vai trò quản lý nhà nước”, đại biểu Hà cho hay.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-thanh-tra-bi-troi-tay-troi-chan-rat-nhieu-post1744456.tpo
Zalo