ĐB Quốc hội: nâng chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành
Chiều 13/2, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiều quy định mới trong dự thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.
Tham vấn ý kiến các đối tượng tác động vô cùng quan trọng
Quan tâm đến việc bổ sung quy định về tham vấn chính sách các cơ quan, đối tượng chịu sự tác động, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho hay, đây là quy định rất cần thiết. Sự tham gia từ sớm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo ngay từ khâu xây dựng hồ sơ, dự thảo của Chính phủ; thể hiện sự đồng hành, vào cuộc và trách nhiệm của Quốc hội từ sớm trong quá trình xây dựng Luật. Đặc biệt việc tham vấn ý kiến các đối tượng tác động là vô cùng quan trọng, đồng thời cũng vừa là hình thức tuyên truyền cho Nhân dân, các đối tượng chịu tác động trực tiếp về các quan điểm, chính sách mới sắp được ban hành.
![Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_11_51470038/05eb2f6e1e20f77eae31.jpg)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Tán thành việc bỏ quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã, đại biểu cho rằng, hiện nay, mặc dù được trao quyền trong Luật nhưng hầu hết chính quyền cấp xã ban hành rất ít các văn bản quy phạm, nhiều địa phương chính quyền cấp xã không ban hành văn bản quy phạm.
Đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên xem xét quy định về trình tự, xem xét thông qua dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội. Tại Điều 40 của dự thảo Luật quy định trình tự xem xét, thông qua dự thảo Luật, nghị quyết của Quốc hội về cơ bản là trong 1 kỳ họp.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, thực tế cho thấy những năm qua, nhiều dự án Luật mặc dù đã có quá trình xây dựng, lấy ý kiến góp ý rất kỹ lưỡng, nhưng khi trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét vẫn còn rất nhiều các ý kiến khác nhau, tạo nên sức nóng trong nghị trường, thu hút rất nhiều sự quan tâm của cử tri.
![Các đại biểu tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_11_51470038/d9c9ec4cdd02345c6d13.jpg)
Các đại biểu tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Trong quá trình thảo luận, xem xét tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến phản biện có chất lượng được đưa ra, nhiều vấn đề lớn được gợi mở, từ đó tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện vào các dự thảo luật để các dự thảo khi được thông qua bảo đảm chất lượng và tính khả thi cao hơn. Thậm chí, có nhiều nội dung sau khi thảo luận tại Quốc hội, dự thảo mới được tiếp thu đã thay đổi rất nhiều, thậm chí nhiều nội dung khác hẳn với quan điểm của Chính phủ.
“Việc xem xét kỹ lưỡng các dự thảo Luật trong 2 hay nhiều kỳ họp, đó cũng là sự cẩn trọng cần thiết trong công tác xây dựng Luật. Đặc biệt là khi mục tiêu của chúng ta là xây dựng các luật mang tính ổn định và khả năng dự báo cao thì việc cho ý kiến và xem xét các dự thảo càng phải kỹ lưỡng hơn” - đại biểu nêu quan điểm.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị giữ nguyên quy trình thông thường để xem xét, thông qua các luật của Quốc hội là hai kỳ họp như hiện nay. Đối với một số trường hợp cần thiết, chúng ta đã có các quy định về việc xây dựng luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
![Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_11_51470038/5d4260c75189b8d7e198.jpg)
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Bổ sung quy trình tham vấn từ sớm, ngay từ khi xây dựng chính sách
Quan tâm đến việc Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật, nghị quyết trong một kỳ họp, thay vì hai kỳ họp như trước đây, trừ một số trường hợp đặc biệt, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) cho rằng, đây là một sự thay đổi rất lớn và bứt phá, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật, phù hợp với yêu cầu cải cách lập pháp và hành chính và thực hiện nghiêm chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong việc đổi mới tư duy trong công tác lập pháp của Quốc hội.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải, quy trình lập pháp rút gọn (thông qua trong một kỳ họp) quy định tại dự thảo Luật nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường này sẽ tạo ra 4 thách thức và chúng ta phải có phương án xử lý hiệu quả những thách thức này.
Cụ thể, thách thức về chất lượng lập pháp có nguy cơ giảm do rút ngắn thời gian thì phải xây dựng quy trình thẩm định nghiêm ngặt trước khi trình Quốc hội; tăng cường vai trò của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra nội dung dự thảo. Với thách thức thiếu thời gian phản biện và lấy ý kiến xã hội, cần bổ sung quy trình tham vấn từ sớm, ngay từ khi xây dựng chính sách; yêu cầu bắt buộc tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi trong ít nhất 60 ngày.
Về thách thức tạo áp lực lớn lên các cơ quan lập pháp, cần tăng cường năng lực tài chính và nhân sự cho cơ quan soạn thảo và thẩm định, thẩm tra luật; xây dựng cơ chế hỗ trợ kỹ thuật như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu pháp luật. Liên quan tới nguy cơ không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần xây dựng cơ sở dữ liệu liên kết giữa các bộ luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát dự thảo trước khi trình Quốc hội.
Đại biểu cũng đề xuất quy định rõ tiêu chí nào thì được áp dụng quy trình một kỳ họp; tăng cường trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và thẩm định, trong đó Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát, đánh giá tác động; ứng dụng công nghệ trong lập pháp, sử dụng dữ liệu lớn để phân tích, đối chiếu các dự án luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường giám sát sau ban hành, có cơ chế điều chỉnh kịp thời nếu phát hiện sai sót trong thực thi.
![Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị bổ sung vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật các quy định về trách nhiệm, đánh giá tác động khi ban hành nghị định. Ảnh: Quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_11_51470038/252963ac52e2bbbce2f3.jpg)
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị bổ sung vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật các quy định về trách nhiệm, đánh giá tác động khi ban hành nghị định. Ảnh: Quochoi.vn
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị bổ sung vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật các quy định về trách nhiệm, đánh giá tác động khi ban hành nghị định. Đồng thời, đề nghị chú trọng khâu lấy ý kiến rộng rãi khi ban hành chính sách tại các nghị định có phạm vi rộng.
“Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập công cụ để hình thành nên một hệ thống có hiệu lực, hiệu quả và căn cứ vào các dự thảo hiện nay, tôi cho rằng có nhiều vấn đề cần cân nhắc thận trọng để hoàn thiện thêm, để làm sao khi chúng ta ban hành thì có một công cụ pháp lý hữu hiệu để xây dựng một hệ thống pháp luật phục vụ việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng” - đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nêu quan điểm.