Dây tiếp địa chống tĩnh điện có thực sự cần thiết cho ô tô?

Dây tiếp địa chống tĩnh điện – một phụ kiện nhỏ nhưng đang được nhiều tài xế truyền tai nhau như một 'bí quyết' để tăng sự thoải mái khi lái xe. Nhưng liệu thiết bị này thực sự hữu ích hay chỉ là sản phẩm của hiệu ứng tâm lý?

Dây tiếp địa chống tĩnh điện là gì?

Dây tiếp địa chống tĩnh điện là một thiết bị đơn giản, có chức năng dẫn điện tích tĩnh từ thân xe xuống mặt đất nhằm tránh hiện tượng tích tụ điện. Thiết bị này thường là một dải cao su dẫn điện hoặc dây kim loại mềm, một đầu gắn vào phần kim loại của khung xe, đầu còn lại tiếp xúc hoặc gần tiếp xúc với mặt đất.

Trong số các phương tiện giao thông, xe bồn (đặc biệt là xe chở xăng dầu, hóa chất dễ cháy) thường xuyên sử dụng dây tiếp địa vì lý do an toàn. Khi xe di chuyển, ma sát giữa thân xe với không khí, bánh xe với mặt đường, hoặc quá trình bơm rót chất lỏng có thể sinh ra điện tích tĩnh.

Đối với các phương tiện chở nhiên liệu hoặc hóa chất dễ cháy, chỉ một tia lửa tĩnh điện cũng có thể gây cháy nổ nghiêm trọng. Dây tiếp địa giúp giải phóng điện tích tĩnh xuống đất, làm giảm nguy cơ phát sinh tia lửa điện trong quá trình vận hành hay tiếp nhiên liệu.

Tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, việc trang bị dây tiếp địa cho xe bồn chở nhiên liệu là yêu cầu bắt buộc theo quy định an toàn phòng cháy chữa cháy và vận chuyển hàng nguy hiểm. Thiết bị này không chỉ lắp trên xe mà còn được sử dụng trong quá trình xe bồn tiếp nhiên liệu tại các trạm cấp phát. Dây tiếp địa có chi phí rất rẻ, dễ lắp đặt, gần như không cần bảo trì. Đối với xe bồn, đây là một giải pháp hiệu quả và kinh tế để đảm bảo an toàn.

Những lời quảng cáo từ người bán liệu có đúng sự thật?

Các loại dây chống tĩnh điện thường được giới thiệu là sẽ giúp giải phóng điện tích phát sinh trên thân xe trong quá trình vận hành. Thông thường, đầu trên được cố định ở vị trí khung gầm hoặc gần ống xả, còn đầu dưới thả tự do, tiếp xúc với mặt đường. Một số nhà bán hàng còn “nâng tầm” công dụng của thiết bị, cho rằng dây có thể ngăn ngừa bụi bẩn bám lên thân xe, hỗ trợ khả năng thu sóng radio, thậm chí giúp người lái bớt mệt mỏi trong những chuyến đi dài.

Theo chia sẻ từ nhiều kỹ thuật viên ô tô, dây tiếp địa có thể giúp hạn chế hiện tượng phóng tĩnh điện nhẹ, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khô hanh hoặc khi mặc quần áo bằng sợi tổng hợp. Tác dụng chủ yếu của dây tiếp địa là tạo cảm giác yên tâm cho người dùng trong khi lợi ích thực tế về mặt kỹ thuật là rất hạn chế và các chức năng được thổi phồng như giảm bụi hay tăng độ bám đường đều không có cơ sở.

Hiện tại, giá bán của một dây tiếp địa trên thị trường dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng – không quá cao, nhưng nếu xét về hiệu quả thực tế, người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn để tránh mất tiền vô ích. Với những ai cảm thấy khó chịu vì giật điện tĩnh khi đóng mở cửa xe, đặc biệt vào mùa đông, thì việc lắp dây có thể giải quyết phần nào nhưng cần cân nhắc kỹ hơn trước khi mua.

Tuy nhiên, nếu kỳ vọng phụ kiện này có thể “nâng cấp” trải nghiệm lái hoặc bảo vệ xe khỏi các yếu tố bên ngoài, thì có lẽ người dùng sẽ khó đạt được hiệu quả như vậy. Quá trình sử dụng thực tế sẽ khiến người dùng cân nhắc lại một loại phụ kiện vốn không được các nhà sản xuất ô tô trang bị trên xe con chắc chắn phải có lý do cụ thể.

Tuệ Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/tu-van/day-tiep-dia-chong-tinh-dien-co-thuc-su-can-thiet-cho-o-to-post1194742.vov
Zalo