Dạy thêm và học thêm: Chuyện có khó bàn?
Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, câu chuyện dạy thêm, học thêm tiếp tục được quan tâm, nhất là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo thông tư mới.
“Nới” quy định dạy thêm, học thêm?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Thời hạn lấy ý kiến từ ngày 22/8 - 22/10/2024. Dự thảo này nếu được thông qua dự kiến sẽ thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 1/7/2012.
Một số nội dung đáng chú ý tại dự thảo thông tư mới như: Không sử dụng câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra học sinh trên trường; tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh; giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường chỉ phải báo cáo, lập danh sách học sinh (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm; hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan quản lý…
Những quy định mới này đã nhận được không ít phản đối. Nhiều phụ huynh lo ngại việc không cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình ngoài trường có thể gây ra hoặc làm nặng nề thêm tình trạng bất công trong trường học.
Thực tế trước đó, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm không phải hoàn toàn tự nguyện mà có những yếu tố trở thành áp lực bắt buộc, như: Nếu không học thêm con sẽ không theo kịp chương trình, vì có thầy cô thay vì hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện đã chọn lớp học thêm để dạy trước kiến thức trên lớp chính khóa, dạy làm theo “mẫu", “mẹo” để học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi. Điều này làm mất đi khả năng tự học của học sinh cũng như gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục…
Bên cạnh đó là nỗi lo tài chính, tại nhiều gia đình có con đang ở độ tuổi tới trường, số tiền chi cho việc học thêm gấp vài lần so với học phí chính khóa. Chưa nói, rất nhiều trẻ mới học mầm non, lớp 1 cũng “tất bật” đi học thêm, điều này gây áp lực lớn về học tập, khiến các em không còn tuổi thơ đúng nghĩa.
Trong khi theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường được quy định: Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa…
Tại Điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định các trường hợp không được dạy thêm, bao gồm: Học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống…
Đáng chú ý, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó…
Chính vì những lý do nêu trên, nhiều ý kiến bày tỏ, việc xây dựng thông tư mới cần đưa ra các quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về dạy thêm, học thêm trên những quy định lâu nay. Ngoài việc chặt chẽ theo luật, ngành giáo dục cần có phương pháp định hướng làm sao để việc dạy thêm và học thêm hoàn toàn tự nguyện một cách thực chất.
Để việc dạy và học thêm hoàn toàn tự nguyện
Không phải giờ đây khi có dự thảo thông tư mới về việc dạy thêm, học thêm chúng ra mới nói đến câu chuyện này, mà đây là câu chuyện rất lâu năm. Và cứ loay hoay tìm cách chỉ ra lỗi sai do giáo viên vi phạm hoặc do học sinh học kém… đã vô tình tạo áp lực không đáng có đến các bên liên quan.
Thẳng thắn nhìn nhận, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng, xuất phát từ phía người học lẫn người dạy. Việc dạy thêm, học thêm chỉ thực hiện khi trong lớp có những học sinh học yếu do năng lực, hoàn cảnh gia đình chưa bảo đảm cho học sinh học đạt yêu cầu. Giáo viên, nhà trường có trách nhiệm phụ đạo cho học sinh và sử dụng kinh phí từ ngân sách.
Việc học thêm có ý nghĩa tích cực khi giúp bồi dưỡng cho học sinh giỏi, hỗ trợ và củng cố kiến thức cho học sinh yếu. Một môi trường giáo dục tốt đẹp là ở đó người học, người dạy đều tận tâm, tận lực và kết quả phản ánh đúng năng lực của họ; người học có khả năng phát huy năng lực tự học của mình.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện chất lượng giáo dục chính khóa, đảm bảo học sinh có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức ngay trong giờ học chính thức mà không cần phải đi học thêm. Điều này đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng giảng dạy và đổi mới phương pháp giáo dục, thu nhập của nhà giáo từ lương.
Bên cạnh đó, vai trò của Ban giám hiệu nhà trường rất quan trọng. Để giám sát, kiểm tra tiến độ và mức độ dạy thêm, phó hiệu trưởng chuyên môn có thể thu vở ghi hoặc tài liệu ôn tập của học sinh để đối chiếu với kế hoạch chương trình dạy thêm đăng ký ban đầu và phân phối chương trình được tổ chuyên môn xây dựng từ đầu năm học để xem tính chuẩn xác và tiến độ giảng dạy của giáo viên đó.
Với những băn khoăn về việc dự thảo thông tư mới đã bỏ quy định không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đối với giáo viên trường công lập, trả lời trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS, TS. Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết: Trong Luật Viên chức đã quy định, viên chức không được tổ chức kinh doanh. Do đó, giáo viên trường công lập không được tổ chức kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Vì luật đã nêu nên trong dự thảo thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện không nhắc lại quy định. Tuy nhiên, qua nhiều trao đổi, thấy rằng điều này không được ghi trong dự thảo khiến dư luận hiểu nhầm. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu bổ sung lại để tránh hiểu nhầm.
Hiện tại, các quy định về dạy thêm, học thêm được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Trong đó, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép.