Dạy thêm, học thêm và nỗi lo 'chân ngoài dài hơn chân trong'

Dự thảo về dạy thêm, học thêm được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đến hết ngày 22/10 đang dấy lên nhiều câu hỏi, đặc biệt về nội dung không cấm giáo viên được dạy thêm ngoài trường. Nhiều người ủng hộ, nhưng phải có ranh giới để 'chân ngoài' không dài hơn 'chân trong'.

“Mở” việc dạy thêm có hợp lý?

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), dạy thêm, học thêm giống như “cái bóng" của dạy chính khóa, tức là, dạy thêm, học thêm không bao giờ tự mất đi, mà luôn tồn tại song hành cũng như luôn bị chi phối bởi chương trình giáo dục chính khóa. Do đó, việc sửa đổi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 về dạy thêm, học thêm cần bám sát hoạt động này hiện nay và dựa vào những quy định mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Những năm trước, khi quy định “dạy thêm” được cho là không chính thống, thậm chí là “cấm”, thì ở dự thảo lần này, việc tổ chức dạy thêm, học thêm thông thoáng hơn, không “bó” như Thông tư 17, thậm chí còn bỏ hẳn một điều cấm dạy thêm, học thêm. Như vậy, giáo viên và học sinh yên tâm được dạy thêm, học thêm ở ngay trường.

PGS-TS. Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần quay trở lại bản chất vấn đề là, liệu trong bối cảnh hiện nay, học sinh có cần học thêm không và giáo viên có nên dạy thêm?

Cần có chế tài cụ thể để tránh giáo viên và học sinh quá tải trong học thêm, ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình giáo dục chính khóa.

“Quan điểm của tôi là học sinh cần học thêm. Dù chương trình giáo dục phổ thông mới đã hướng đến những năng lực, phẩm chất toàn diện của người học, nhưng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi tri thức nhân loại tăng lên theo cấp số nhân và với cách tiếp cận mỗi học sinh là một cá thể độc đáo, thì một chương trình học chung không thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa học tập của người học”, ông Nam nói.

Vì thế, một chương trình chung khó có thể giúp bồi dưỡng và phát triển tài năng từ sớm. Học sinh tài năng cần học thêm những chương trình tăng tốc hoặc nâng cao để phát triển tối ưu tiềm năng, thế mạnh của mình.

Đó là lý do thúc đẩy nhu cầu “học thêm” của học sinh, nên việc “dạy thêm” của các thầy cô giáo cũng bắt đầu hình thành từ thực tiễn đó. Vì thế, Dự thảo luật “mở” việc dạy thêm của thầy cô được xem là hợp lý, vì xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người học.

Một điều nữa là, so sánh với nhiều ngành nghề khác được thoải mái làm thêm, thì việc cấm giáo viên “dạy thêm” là không công bằng.

Dẫu vậy, nhiều “biến tướng” của dạy thêm như tình trạng “ép” học sinh phải học thêm hoặc giáo viên “giấu” kiến thức để đến giờ học thêm mới “tung ra” khiến việc dạy thêm trở thành vấn đề bức xúc. Ở góc độ những người làm giáo dục chân chính, cần phân biệt rõ những người làm chuẩn hay không.

Làm thế nào để “chân ngoài” không dài hơn “chân trong”

Vấn đề là làm sao để việc dạy thêm không lấn át công việc chính ở nhà trường của các thầy cô khi luật “mở cửa” như vậy.

Một nỗi lo nữa là nội dung “dạy thêm” sao cho đúng, chứ không phải mang kiến thức trên lớp vào các giờ dạy thêm.

Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

Còn dự thảo mới quy định: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày”.

Nghị quyết 29/NQ-TW ghi, phải chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học. Dạy học bây giờ là dạy phát triển năng lực học sinh (dạy người), chứ không phải bồi đắp thật nhiều kiến thức hư văn, sách vở như quan niệm cũ (dạy chữ).

Trong Luật Giáo dục hiện hành và trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây nhất cũng nhấn mạnh và coi trọng dạy kỹ năng tự chủ, tự học cho học sinh. Trong các nhà trường, chúng ta đang đánh giá phẩm chất chủ yếu của học sinh là “sống tự chủ” và năng lực chung là “tự học”. Nếu trong trường, với cách dạy thêm kiến thức ồ ạt, sợ rằng, học sinh sẽ lười tư duy, hạn chế sáng tạo và bỏ qua mục tiêu đánh giá.

Việc dạy thêm có thể tổ chức ở trong nhà trường hoặc ngoài trường và đều cần có quy định cụ thể về nội dung dạy thêm để tránh những tiêu cực như đã tồn tại trước đây. Đồng thời, cần có chế tài cụ thể để tránh giáo viên và học sinh quá tải trong học thêm, ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình giáo dục chính khóa. Điều vô cùng quan trọng là, không để "chân ngoài dài hơn chân trong".

Việc quản lý và tổ chức dạy thêm, theo ý kiến nhiều chuyên gia, cần có giải pháp đồng bộ từ cấp vĩ mô và có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp quản lý để việc dạy thêm, học thêm thực sự hỗ trợ tích cực cho nâng cao chất lượng dạy học chính khóa.

Một điều nữa là, trong Dự thảo không nhắc đến yêu cầu cụ thể về năng lực, tiêu chuẩn, thời gian giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Điều này ngầm hiểu là dù giáo viên phấn đấu hay không phấn đấu cũng sẽ được dạy thêm nếu báo cáo đầy đủ với hiệu trưởng… Đây cũng được xem là điểm bất cập, vì rất có thể sẽ dẫn đến làn sóng “dạy thêm” ồ ạt và khi đó, nỗi lo “chân ngoài” e là rất khó kiểm soát.

Hưng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/day-them-hoc-them-va-noi-lo-chan-ngoai-dai-hon-chan-trong-d226174.html
Zalo