Dạy thêm, học thêm: Cần thời gian để điều chỉnh
Sau khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, các đối tượng liên quan như nhà trường, giáo viên, học sinh…. sẽ cần có thời gian để thay đổi nhận thức, thói quen. Đây chính là cơ hội để mỗi học sinh tìm lại tinh thần tự học.
Thúc đẩy khả năng tự học
Trong bức thư ngỏ gửi giáo viên và học trò của trường nhân dịp đầu năm mới, ông Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP Hải Phòng) nhìn nhận khi “thói quen” học thêm dừng lại, sự hoang mang, hụt hẫng, thậm chí là khó khăn lớn xuất hiện. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để mỗi học sinh học được cách tự học.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Theo ông Quý, tự học không chỉ là kỹ năng mà còn là nền tảng để hình thành 3 phẩm chất quan trọng. Đó là tự tin, tự giác và tự chủ. Việc học thêm giúp các em đi theo dòng chảy có sẵn nhưng hiện nay, mỗi em cần tự chèo lái con thuyền, tìm kiếm nguồn học liệu phù hợp với sự trợ giúp của thầy cô và tự hệ thống hóa kiến thức, tìm kiếm lời giải. Các em chủ động học tập, không cần ai nhắc nhở, chủ động sắp xếp thời gian, tìm tòi kiến thức mới, làm chủ công nghệ để khai thác kiến thức và kiên trì với mục tiêu.
Nhiều năm gắn bó với công việc giảng dạy, ông Quý hiểu được quy định học thêm mới ban đầu sẽ khó nhọc và khó khăn bởi nhiều học trò chưa có thói quen tự học, cần nhiều thời gian để hình thành. Việc dạy học khi ấy sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Khó khăn vì thu nhập giáo viên có sự sụt giảm đáng kể so với trước đây.
Nhưng với cái tâm của người làm nghề, thầy cô vẫn luôn ở đây, sẵn sàng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi có thể. Các em học sinh hãy nhớ, dù có khó khăn thế nào, thầy cô vẫn luôn đồng hành, hướng dẫn và giúp đỡ các em khi cần.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GDĐT) cho biết: Theo quy định của Thông tư 29, nếu nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Nếu học sinh chưa đạt, nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức. Tương tự với đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh ôn thi cuối cấp, nằm trong kế hoạch nhà trường, cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền học sinh.
Bộ GDĐT chỉ đạo các Sở GDĐT cần tăng cường chỉ đạo và giám sát các nhà trường thực hiện đúng trách nhiệm, đặc biệt là việc hướng dẫn, tổ chức cho học sinh cuối cấp ôn thi. Đồng thời tuyên truyền đầy đủ cho giáo viên, phụ huynh, học sinh về quy định dạy thêm, học thêm để giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, học sinh yên tâm học tập, tuyệt đối không để tình trạng ngừng dạy thêm trong nhà trường là buông lỏng việc hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi.
Không buông lỏng trách nhiệm của nhà trường, giáo viên
Liên quan đến việc chi trả cho hoạt động dạy thêm đúng quy định trong nhà trường, ông Thành cho biết, giáo viên kiêm nhiệm, dạy thừa giờ được thanh toán tiền thừa giờ theo quy định. Việc phân công giáo viên để bảo đảm sự công bằng, phù hợp về thời gian làm việc thuộc trách nhiệm của nhà trường.
Trong trường hợp nhà trường tổ chức dạy thêm cho các đối tượng học sinh theo quy định thì cần xây dựng kế hoạch hợp lý để những giáo viên được phân công dạy thêm không vượt giờ chuẩn quá nhiều, trong khi có những giáo viên khác lại chưa đủ giờ chuẩn. Nguồn kinh phí để chi trả tiền thừa giờ là nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường, bao gồm ngân sách và các khoản thu theo quy định.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng lưu ý, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả. Bộ GDĐT hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường là nhằm hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.
Trước hiện tượng một số giáo viên chuyển từ hình thức dạy thêm trực tiếp sang dạy trực tuyến, đại diện Bộ GDĐT cho biết theo quy định, giáo viên trường công sẽ không được dạy thêm trực tuyến có thu phí đối với học sinh mình đang trực tiếp giảng dạy tại trường. Đồng thời người dạy thêm trực tuyến có thu phí phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và chịu trách nhiệm theo quy định.
Còn nặng nề điểm số, dạy thêm, học thêm khó giải quyết bất cập
Ngày 17/2, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã đưa ra quan điểm về quy định dạy thêm, học thêm sau khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2.
Theo ông Cương, nếu phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm vì con không đi học thêm, còn nặng nề về điểm số… thì dù có nỗ lực, ngành Giáo dục cũng khó thể giải quyết căn cơ những bất cập về dạy thêm, học thêm. Vì vậy, ông Cương kêu gọi, phụ huynh, học sinh hãy tin tưởng, đồng lòng chung sức, khẳng định trách nhiệm gia đình cùng ngành Giáo dục thực hiện và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định mới về dạy thêm, học thêm, bảo đảm quyền lợi để các em được phát triển toàn diện.
Cùng ngày, Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố về triển khai Thông tư 29. Theo đó, Sở yêu cầu lãnh đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức triển khai, phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về Thông tư số 29. Ngoài ra, cơ sở giáo dục quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm; có kế hoạch kiểm tra, rà soát, kiên quyết không để xảy ra dạy thêm, học thêm không đúng quy định trong và ngoài nhà trường.
M.K