Đẩy nhanh thi công hoàn thành 9 cầu bộ hành trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt, phấn đấu hoàn thành toàn bộ 9 cầu bộ hành trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vào cuối tháng 9 năm 2024.
Chiều 15/7, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) cho biết, cầu bộ hành là một trong những hạng mục thi công cuối cùng nhằm đảm bảo việc kết nối hành khách an toàn và thuận tiện của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Trong giai đoạn thiết kế cơ sở ban đầu, vị trí các vế thang và nhánh cầu kết nối chỉ mang tính ý tưởng, chưa được xác định chi tiết, nên trong quá trình triển khai thiết kế, thi công thực tế tại hiện trường đòi hỏi tốn nhiều thời gian thực hiện công tác cập nhật điều chỉnh, thỏa thuận và thống nhất vị trí, hướng tuyến cầu bộ hành.
Các vị trí mới này phải đảm bảo cho việc kết nối nhà ga với các công trình dọc theo Xa lộ Hà Nội như: Công viên Dạ Cầu Sài Gòn, Siêu thị Mega Market, Trung tâm thương mại Vincom An Phú, Khu Công nghệ cao, Khu du lịch Suối Tiên... Đồng thời, thiết kế phải đảm bảo không ảnh hưởng, chồng lấn đến các công trình tiện ích, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như hệ thống điện cao thế 110 KV, đường ống cấp nước D2000 & D2400… và hạn chế tối đa việc di dời hệ thống thoát nước, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng hiện hữu của thành phố.
Thời gian vừa qua, MAUR nhận được sự hỗ trợ của Sở GTVT, Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý phát triển hạ tầng Thành phố Thủ Đức, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội, Điện lực Thành phố, Sawaco… trong công tác phối hợp tổ chức, phân luồng giao thông; di dời cây xanh, hệ thống cấp nước và thoát nước; điều chỉnh dải phân cách, tim đường... thì đến nay, cơ bản tất cả các vị trí hạ tầng chồng lấn kết cấu cầu bộ hành đã được di dời và bàn giao phục vụ việc thi công cọc khoan nhồi, bệ cọc, trụ, xà mũ trụ cầu… đã hoàn thành.
Hiện nay, nhà thầu tập trung cho công tác thi công lắp đặt kết dầm ngang có kích thước và tải trọng lớn (các phiến dầm có chiều dài từ 22 - 37 m, tải trọng từ 46 đến 75 tấn). Quá trình thi công, lắp đặt chủ yếu được thực hiện vào ban đêm từ 22h đến 5h sáng các ngày cuối tuần nhằm đảm bảo cao nhất việc hạn chế ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông tại khu vực trục đường cửa ngõ Võ Nguyên Giáp.
Trong tuần qua, các nhà thầu của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đã nỗ lực hoàn thành việc thi công gác dầm cầu bộ hành nhà ga Thảo Điền, đây là vị trí có nhiều khó khăn, bất lợi nhất cho công tác gác dầm của dự án: Nằm ngay sát bên dưới đường điện cao thế 110 KV, nhiều nút giao thông phức tạp tại khu vực chân cầu Sài Gòn, tốc độ lưu thông phương tiện cao (80 km/h)… tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông và an toàn lao động. Đặc biệt, công tác chuyên chở dầm đòi hỏi sử dụng phương tiện siêu trường, siêu trọng, trong khi hạ tầng khu vực không đáp ứng yêu cầu tải trọng (các cầu Trắng, cầu Đen kết nối đường song hành phải). Nhà thầu đã thực hiện việc xin phép cấp thẩm quyền trong việc tạm dừng lưu thông qua khu vực cầu Đen (trong khoảng 2 tuần) và tổ chức lắp đặt thêm hệ cầu tạm bằng dầm Bailey phía trên mặt cầu hiện hữu (cách bản mặt cầu 20 cm, không tiếp xúc trực tiếp) để đảm bảo việc lưu thông của các phương tiện xe cẩu chở dầm tải trọng lớn và không ảnh hưởng đến kết cấu cầu hiện hữu.
Đến nay, các giải pháp trên đã triển khai, thực hiện thành công, các phiến dầm đã được lắp đặt chính xác vị trí, đảm bảo thông số kỹ thuật, không xảy ra bất kỳ sự việc mất an toàn trong quá trình thi công. Nhà thầu đang khẩn trương tháo dỡ hệ cầu tạm và phấn đấu hoàn trả giao thông khu vực (lưu thông qua cầu Đen) trong một vài ngày tới.
Theo MAUR, tiến độ dự kiến trong tháng 7/2024 sẽ hoàn thành toàn bộ hạng mục kiến trúc tại 5/9 cầu bộ hành (Tân Cảng, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Công nghệ cao); tháng 8/2024 hoàn thành cầu Thảo Điền, An Phú; tháng 9/2024 hoàn thành 02 cầu bộ hành cuối cùng (cầu Thủ Đức và Đại học Quốc gia) tiến tới tổ chức kiểm tra nghiệm thu PCCC và cứu nạn cứu hộ trong đầu quý IV/2024.
Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, tổng cộng 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng.
Dự án có lộ trình đi qua các Quận 1, 2, 9, quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (TP. HCM) và TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương); đến nay, tổng khối lượng dự án đã thực hiện hơn 98%.
MAUR cùng các bên liên quan vẫn đang nỗ lực tối đa đẩy nhanh việc hoàn thành công tác đào tạo, vận hành thử nghiệm, đánh giá an toàn hệ thống và nghiệm thu để đưa dự án vào vận hành trong quý IV năm 2024.