Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tương trợ tư pháp về dân sự

Chiều 26/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành và đảm bảo: Cụ thể hóa các chính sách xây dựng luật đã được phê duyệt; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực tư pháp; khắc phục toàn diện các hạn chế, bất cập của thực tiễn công tác tương trợ tư pháp về dân sự; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; bám sát ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật thực hiện.

Về cơ bản dự án Luật đã được sự nhất trí của các bộ, ngành; thống nhất về cơ cấu, bố cục với 3 dự án luật còn lại được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 là: Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Chính phủ đã tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Quốc hội hoàn thiện dự án Luật với 4 chương, 36 điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; bảo đảm tính hợp hiến, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Ủy ban cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, vụ việc phá sản không phải là vụ án dân sự, không phải là việc dân sự, nên đề nghị quy định cụ thể các yêu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực phá sản thực hiện theo pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự để có căn cứ pháp lý thực hiện.

Về điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài (Điều 5), Ủy ban cơ bản tán thành việc bổ sung quy định về áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp chưa ký kết điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với các nguyên tắc tương trợ tư pháp về dân sự, trong khi theo quy định của Bộ luật Dân sự thì việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có Bộ luật Dân sự để quy định đầy đủ, chặt chẽ điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài.

Về hợp pháp hóa lãnh sự đối với hồ sơ tương trợ tư pháp về dân sự (Điều 8), Ủy ban tán thành quy định miễn hợp pháp hóa lãnh sự đối với hồ sơ tương trợ tư pháp về dân sự để góp phần giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp điều ước quốc tế có quy định hoặc có yêu cầu của nước được yêu cầu thì việc hợp pháp hóa lãnh sự vẫn phải thực hiện, bảo đảm sự tôn trọng và tuân thủ của Việt Nam đối với điều ước quốc tế và hợp tác thúc đẩy hiệu quả trong tương trợ tư pháp về dân sự.

Về thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam (Điều 15), Ủy ban tán thành kế thừa Luật Tương trợ tư pháp hiện hành quy định Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự vì thực tiễn thi hành cơ bản không có vướng mắc. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể “Cơ quan, người có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam” có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời tránh trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hoạt động tư pháp và thi hành án dân sự.

Về trả lại hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam (điểm b khoản 2 Điều 18), Ủy ban tán thành quy định Bộ Tư pháp có quyền trả lại hồ sơ cho Cơ quan yêu cầu nếu hồ sơ đó không đầy đủ hoặc không bảo đảm thời gian theo quy định của điều ước quốc tế có liên quan hoặc của nước được yêu cầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc cơ quan yêu cầu trong một số trường hợp có thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tránh tình trạng gửi trả hồ sơ nhiều lần gây tốn thời gian, chi phí.

Về thẩm quyền thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài (Điều 24), Ủy ban tán thành giao Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong ngành Tòa án nhân dân. Đối với quy định về Cơ quan thi hành án dân sự khu vực, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để quy định cho hợp lý vì hiện nay cơ quan này chưa được thành lập, Luật Thi hành án dân sự hiện hành cũng chưa được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 9.

Đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành quy định “Cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu, chứng cứ” có thẩm quyền thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài vì góp phần thực hiện nhanh chóng yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài, không phải thông qua Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự. Có ý kiến không tán thành quy định này vì tương trợ tư pháp về dân sự được thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc dân sự, thi hành án dân sự, nên Bộ Tư pháp cần chuyển yêu cầu của nước ngoài đến Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện.

Về việc giao “doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được chỉ định” thực hiện việc tống đạt giấy tờ của nước ngoài, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng quy định này, vì phương thức tống đạt văn bản tố tụng đã được pháp luật quy định, quá trình thực hiện cơ bản không có vướng mắc; đồng thời đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết phương thức tống đạt giấy tờ của nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự.

Ủy ban tán thành các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong tương trợ tư pháp về dân sự để thực hiện chủ trương của Đảng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư pháp. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật về tiếp nhận, chuyển giao văn bản, hồ sơ, tài liệu trên môi trường điện tử, chuẩn hóa quy trình thu thập và chuyển giao tài liệu, chứng cứ điện tử... Việc xây dựng Hệ thống thông tin tương trợ tư pháp về dân sự cần bảo đảm thiết thực, kết nối, liên thông, đồng bộ để phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/day-manhung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-tuong-tro-tu-phap-ve-dan-su-20250526153425352.htm
Zalo