Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) được hưởng lợi bất hợp pháp 14,2 tỉ đồng do phạm tội mà có nên theo quy định của pháp luật phải tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.

Chiều 28/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Phó Vụ trưởng Nguyễn Lộc An và 3 bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Bộ Công thương và các đơn vị liên quan chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với từng bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Lộc An bị đề nghị mức án từ 12-13 năm tù.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với từng bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Lộc An bị đề nghị mức án từ 12-13 năm tù.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhận định, bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) với vai trò là Trưởng đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, mặc dù biết rõ Công ty Bách Khoa Việt và Công ty Long Hưng không đủ điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nhưng vì vụ lợi nên An đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình là Trưởng đoàn kiểm tra cấp phép kinh doanh xăng dầu gợi ý, đề nghị Trần Thị Loan Phương (Chủ tịch Công ty Bách Khoa Việt) và Nguyễn Tuấn Quỳnh (Chủ tịch Công ty Long Hưng) đưa hối lộ và nhiều lần nhận hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Lộc An nhận hối lộ của Phương và Quỳnh số tiền 14,2 tỉ đồng để tạo điều kiện cho Công ty Bách Khoa Việt được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu và Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; Công ty Long Hưng được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trái quy định của Bộ Công thương, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu là lĩnh vực quan trọng về an ninh năng lượng; phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ đời sống người dân.

Bị cáo An đã chủ động gợi ý để nhận hối lộ và nhiều lần nhận hối lộ với số tiền lớn nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

 Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu là lĩnh vực quan trọng về an ninh năng lượng; phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ đời sống người dân.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu là lĩnh vực quan trọng về an ninh năng lượng; phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ đời sống người dân.

Bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh (Chủ tịch Công ty Long Hưng) nhận thức rõ Công ty Long Hưng không đủ điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nên đã liên hệ nhờ Nguyên Lộc An giúp để được cấp giấy phép này.

Sau khi được Nguyễn Lộc An giúp Công ty Long Hưng được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu trái pháp luật, An đã gợi ý, đề nghị Quỳnh đưa tiền cho An, Quỳnh hiểu ý của An và biết An có quyền hạn kiểm tra điều kiện, thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty Long Hưng nên đã thực hiện hành vi đưa cho An 5 tỉ đồng.

Mặt khác, do sợ An gây khó khăn trong việc kinh doanh xăng dầu, bị cáo đã đồng ý chi cho An 5 tỉ đồng nên hành vi phạm tội của bị cáo có mức độ. Sau khi đưa hối lộ, bị cáo đã nhận thức được sai phạm của mình nên trước khi Cơ quan điều tra triệu tập để làm rõ, bị cáo đã có đơn tố cáo trình bày rõ việc nhận hối lộ của bị cáo Nguyễn Lộc An, đồng thời tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để Cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án; Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Quá trình hoạt động bị cáo đã chỉ đạo Công ty Long Hưng khắc phục hậu quả và Công ty Long Hưng đã khắc phục hoàn thiện đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; Công ty Long Hưng được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, có thành tích hỗ trợ người lao động, khôi phục sản xuất trong và sau dịch bệnh COVID-19, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, có đóng góp trong hoạt động khám chữa bệnh; bản thân bị cáo cũng được tặng nhiều giấy khen, có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh biểu dương đạt danh hiệu người tốt, việc tốt;

Bị cáo Quỳnh bị bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối, đã phẫu thuật ghép thận 2 lần tại nước ngoài, hiện đang điều trị dùng thuốc chống thải ghép, tỷ lệ tổn thương cơ thể 81% và còn bị các bệnh Đái tháo đường tuýp 2, viêm gan siêu vi B-C nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, xét thấy bị cáo không chủ động đưa hối lộ mà do bị cáo Nguyễn Lộc An gợi ý đề nghị đưa hối lộ nên hành vi của bị cáo có mức độ; hậu quả của việc Công ty Long Hưng không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đã được bị cáo chỉ đạo khắc phục; Công ty Long Hưng do bị cáo là lãnh đạo điều hành và bản thân bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp cống hiến cho xã hội; hiện bị cáo mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối và nhiều bệnh khác, bị tổn thương cơ thể 81%.

 Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Bị cáo Trần Trác Việt Đức (Giám đốc Công ty CP thương mại, tư vấn, đầu tư, xây dựng Bách Khoa Việt), với chức vụ, quyền hạn là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Bách Khoa Việt, bị cáo phải chịu trách nhiệm cao nhất, toàn diện đối với mọi hoạt động của Công ty Bách Khoa Việt;

Mặc dù bị cáo Đức biết rõ việc Quỹ BOG chỉ được phép chi cho mục đích bình ổn giá xăng dầu để ổn định giá xăng dầu theo quy định, nhưng bị cáo vẫn nhiều lần chỉ đạo bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga (Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt) chi sử dụng hơn 107 tỉ đồng Quỹ BOG không đúng mục đích mặc dù đã được bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga có ý kiến không được chi, dẫn đến sau khi Công ty Bách Khoa Việt bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, Công ty Bách Khoa Việt không còn khả năng nộp lại hơn 105 tỉ đồng gây thất thoát tài sản Nhà nước nên bị cáo có vai trò chính và phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga với vai trò là Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt, biêt rõ việc Quỹ BOG chỉ được phép chi cho mục đích bình ổn giá xăng dầu theo quy định, khi bị cáo Trần Trác Việt Đức chỉ đạo chi sử dụng không đúng mục đích Quỹ bình ổn giá xăng dâu, bị cáo đã có ý kiến không được sử đụng Quỹ BOG không đúng mục đích nhưng bị cáo Đức vẫn nhiều lần chỉ đạo nên bị cáo phải thực hiện theo chỉ đạo.

Bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga cũng bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo không được hưởng lợi, chỉ là người làm công hưởng lương, phải thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của cấp trên, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể; phạm tội lần đầu; có nhiều tình tiêt giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; gia đình bị cáo đã nộp 50 triệu đồng cho bị cáo để khắc phục một phần hậu quả thiệt hại nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ của vụ án, có đủ căn cứ khẳng định Cáo trạng của VKSND tối cao truy tố đối với các bị cáo: Nguyễn Lộc An về tội Nhận hối lộ; Bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh về tội Đưa hối lộ; Các bị cáo Trần Trác Việt Đức, Đỗ Thị Tuyết Nga về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Do đó, Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo.

 Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ của vụ án, có đủ căn cứ khẳng định Cáo trạng của VKSND tối cao truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.

Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ của vụ án, có đủ căn cứ khẳng định Cáo trạng của VKSND tối cao truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Lộc An được hưởng lợi bất hợp pháp 14,2 tỉ đồng do phạm tội mà có nên theo quy định của pháp luật phải tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.

Hành vi phạm tội của các bị cáo Trần Trác Việt Đức và Đỗ Thị Tuyết Nga đã gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền hơn 105 tỉ đồng, bị cáo Đức là người chỉ đạo sử dụng toàn bộ số tiền này để phục vụ cho Công ty Bách Khoa Việt là công ty của gia đình bị cáo nên theo quy định của pháp luật, buộc bị cáo có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại toàn bộ số tiền này cho Nhà nước; bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga là cấp dưới, chỉ làm công hưởng lương, thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Đức và không được hưởng lợi nên không phải bồi thường.

Cựu Phó Vụ trưởng Bộ Công thương bị đề nghị 12-13 năm tù

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) mức án từ 12-13 năm tù về tội Nhận hối lộ, tổng hợp mức án 4 năm tù trước đó, bị cáo An phải chấp hành mức án từ 16-17 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch Công ty Long Hưng), mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Đưa hối lộ.

Bị cáo Trần Trác Việt Đức (Giám đốc Công ty CP Thương mại, tư vấn, đầu tư, xây dựng Bách Khoa Việt) bị đề nghị mức án từ 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga (Kế toán trưởng Công ty CP Thương mại, tư vấn, đầu tư, xây dựng Bách Khoa Việt) bị đề nghị mức án từ 3-4 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Vũ Phương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/hanh-vi-pham-toi-cua-cac-bi-cao-gay-anh-huong-xau-den-hoat-dong-trong-linh-vuc-xang-dau-178460.html
Zalo