Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong khai thác thủy sản

Khi những cơn gió nồm nam bắt đầu thổi về cũng là lúc ngư dân Quảng Trị tất bật chuẩn bị ngư cụ, sửa sang tàu thuyền để vươn khơi đánh bắt vụ cá Nam – mùa đánh bắt chính trong năm. Tại các cảng cá Cửa Việt, Cửa Tùng những ngày qua nhộn nhịp tàu ra vào, mang theo kỳ vọng một mùa biển bội thu, góp phần ổn định sinh kế và phát triển kinh tế địa phương.

Vụ cá Nam không chỉ là mùa vụ mưu sinh của hàng nghìn hộ dân ven biển, mà còn là cơ hội để Quảng Trị thể hiện quyết tâm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, hiện đại và hội nhập. Trong từng chuyến ra khơi hôm nay, bên cạnh sản lượng và lợi nhuận, ngư dân cũng mang theo niềm tin vào một tương lai biển cả xanh, sạch và đáng tự hào.

Nhộn nhịp cảnh thương lái thu mua hải sản tại cảng cá Cửa Việt.

Nhộn nhịp cảnh thương lái thu mua hải sản tại cảng cá Cửa Việt.

Tàu lớn vươn xa, tàu nhỏ nhộn nhịp

Tại cảng cá Cửa Việt, huyện Gio Linh, từ những ngày đầu tháng 4/2025, không khí ra khơi đã bắt đầu sôi động. Từng đoàn tàu cá nối nhau cập cảng, bốc dỡ hải sản rồi lại nhanh chóng tiếp đá lạnh, nhiên liệu, lương thực để chuẩn bị cho những chuyến biển tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu vỏ thép QT 96969TS ở thị trấn Cửa Việt cho biết, tàu ông đã vươn khơi từ cuối tháng 3, sớm hơn mọi năm gần 10 ngày để đón đầu luồng cá nổi di cư vào ngư trường Hoàng Sa.

“Thời tiết thuận lợi, máy móc, lưới cụ được đầu tư đầy đủ. Tôi tin mùa này sẽ được giá, được sản lượng. Chuyến đầu tiên cập bờ đã bán được gần 400 triệu đồng tiền cá ngừ, cá thu và mực lá. Sau khi trừ chi phí, còn lãi gần 200 triệu đồng,” ông Tuấn chia sẻ.

Không riêng gì ông Tuấn, nhiều tàu cá công suất lớn ở Gio Linh, Triệu Phong cũng đã ra khơi từ sớm, bám ngư trường xa. Trong khi đó, lực lượng tàu thuyền nhỏ hơn tại các xã ven biển như Gio Hải, Trung Giang, Triệu An cũng tranh thủ hoạt động ở vùng lộng và ven bờ. Một số chuyến biển chỉ kéo dài 2-3 ngày nhưng mang lại sản lượng khá, đặc biệt là cá cơm và cá nục, hai loại cá chủ lực trong vụ cá Nam.

Theo ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị, bình quân mỗi ngày hiện có khoảng 10 - 15 tàu cá cập cảng Cửa Việt. “Tàu về liên tục, hàng hóa lên bờ được thương lái thu mua ngay, giá khá ổn định. Đặc biệt, một số tàu lớn đã chuyển sang phương án bảo quản cá theo công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nên được thương lái trả giá cao hơn 10-15% so với cùng kỳ”, ông Sơn cho hay.

Từ đầu vụ đến nay, các tàu cá cập cảng ở Quảng Trị đã khai thác được nhiều loại hải sản giá trị cao như cá thu, cá ngừ, cá nục, cá cơm, mực lá…, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến biển. Đáng chú ý, phần lớn ngư dân đã chủ động tu sửa, bảo dưỡng tàu thuyền, đầu tư máy dò cá, hệ thống định vị hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm chi phí nhiên liệu.

Kiểm soát chặt IUU, kết nối chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh

Không chỉ là mùa khai thác trọng điểm, vụ cá Nam 2025 còn được kỳ vọng là thời điểm “nâng hạng” ngành khai thác thủy sản của Quảng Trị trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu đối với thủy sản khai thác. Ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, cho biết: “Ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các xã ven biển củng cố tổ đội sản xuất trên biển, yêu cầu tất cả chủ tàu ký cam kết không vi phạm quy định IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không tuân thủ quy định). Chúng tôi cũng phối hợp với biên phòng, kiểm ngư tổ chức các đợt tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân sử dụng máy giám sát hành trình, ghi nhật ký khai thác và chỉ ra vào cảng cá được chỉ định”.

Hiện toàn huyện Gio Linh có hơn 860 tàu cá, trong đó 164 tàu có chiều dài trên 15 mét, đủ điều kiện khai thác xa bờ. Trong năm 2024, tổng sản lượng khai thác của địa phương đạt hơn 16.000 tấn, cao nhất tỉnh, nhờ tích cực tổ chức sản xuất theo tổ, đội và khuyến khích đổi mới công nghệ.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị cho biết, vụ cá Nam thường chiếm hơn 60% sản lượng khai thác hằng năm. Do vậy, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển để đảm bảo vừa đạt hiệu quả sản xuất, vừa kiểm soát chặt hoạt động khai thác.

“Chúng tôi hướng dẫn ngư dân duy tu, bảo dưỡng tàu thuyền trước mùa vụ, trang bị thiết bị khai thác hiện đại như máy lái tự động, tời thủy lực, hệ thống làm lạnh nhanh. Đồng thời, ưu tiên phát triển các mô hình hậu cần ngay trên biển, giúp giảm chi phí nhiên liệu khi tàu không phải quay về cảng quá sớm”, ông Vinh nói.

Hiện tỉnh Quảng Trị đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong ngành khai thác thủy sản, từ cập nhật dữ liệu tàu cá, nhật ký hành trình, sản lượng đến theo dõi thời tiết, ngư trường qua vệ tinh. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả đánh bắt, mà còn giúp nhà quản lý có dữ liệu chính xác để điều phối sản xuất và kiểm soát IUU.

Một điểm đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp, thương lái cũng đã bắt đầu điều chỉnh hoạt động theo hướng liên kết chuỗi. Họ chỉ thu mua sản phẩm từ tàu cá đã cập cảng đúng quy định, có đầy đủ nhật ký và thiết bị giám sát hành trình. Điều này vừa đảm bảo pháp lý khi xuất khẩu, vừa tạo động lực để ngư dân tuân thủ quy định.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/day-manh-ung-dung-cong-nghe-so-trong-khai-thac-thuy-san-i764243/
Zalo