Người Mỹ đổ xô đi mua sắm trước khi thuế tăng

Lo ngại về việc giá cả sẽ tăng mạnh khi các mức thuế nhập khẩu mới được áp dụng, người dân Mỹ đã tranh thủ mua sắm từ bia, quần áo đến ôtô trước khi thuế tăng.

 Người Mỹ vội vã mua sắm đồ dự trữ trước khi thuế tăng do lo ngại giá cả leo thang. Ảnh: Reuters.

Người Mỹ vội vã mua sắm đồ dự trữ trước khi thuế tăng do lo ngại giá cả leo thang. Ảnh: Reuters.

Những ngày qua, các siêu thị và cửa hàng điện tử tại Mỹ đã chứng kiến lượng lớn khách hàng đổ xô đi mua sắm.

Những mặt hàng như bia, quần áo, laptop, TV, hay thậm chí là ôtô, đều được người tiêu dùng tranh thủ tích trữ trước khi mức thuế nhập khẩu mới được chính thức áp dụng.

Điều này không chỉ phản ánh tâm lý lo ngại về sự gia tăng giá cả trong tương lai, mà còn là một chỉ dấu cho thấy người Mỹ đang cảm nhận rõ rệt tác động của các chính sách thương mại đầy biến động dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump.

Với mức thuế nhập khẩu mới sắp có hiệu lực, người tiêu dùng đang chạy đua với thời gian để sở hữu những sản phẩm cần thiết trước khi phải trả giá đắt hơn.

Chạy đua mua sắm, tâm lý phòng ngừa lên ngôi

Ngày 2/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các biện pháp thuế quan mới, bao gồm thuế đối ứng 10-50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận, không chỉ trong giới kinh doanh mà còn len lỏi vào từng gia đình Mỹ.

Từ những món đồ nhỏ như kem đánh răng, xà phòng cho đến các sản phẩm giá trị lớn như thiết bị điện tử hay xe hơi, tất cả đều đứng trước nguy cơ tăng giá. Trước tình hình này, người dân Mỹ không ngồi yên mà nhanh chóng hành động, biến các cửa hàng thành “chiến trường” mua sắm thực thụ.

Ngay sau khi nghe thông báo về thuế quan mới, John Gutierrez, một nhiếp ảnh gia sống tại Austin, Texas, quyết định chi 2.400 USD để mua chiếc laptop mà mình đã để mắt từ lâu, theo AP.

“Tôi nghĩ nếu đã định mua, thì mua ngay bây giờ là hợp lý nhất. Vừa có công nghệ mới, vừa tránh được thuế nhập khẩu tăng cao”, Gutierrez chia sẻ.

Quyết định của Gutierrrez không phải cá biệt, mà là một phần trong chiến lược chung của hàng triệu người Mỹ, đó là tận dụng thời điểm cuối cùng để sở hữu các sản phẩm cần thiết trước khi giá cả bị đẩy lên. Đó là một phản ứng mang tính phòng vệ trước sự không chắc chắn về tình hình kinh tế trong tương lai.

 Ồ ạt mua sắm và tích trữ đồ đang là xu hướng chung của người Mỹ, phản ánh tâm lý bất an về tình hình kinh tế của nước này trong tương lai. Ảnh: Reuters.

Ồ ạt mua sắm và tích trữ đồ đang là xu hướng chung của người Mỹ, phản ánh tâm lý bất an về tình hình kinh tế của nước này trong tương lai. Ảnh: Reuters.

Cùng tâm trạng đó, Cedar Roach, một sinh viên tại Đại học Southern Methodist ở Texas, cũng lập tức đến các cửa hàng để mua quần áo từ những thương hiệu yêu thích như Lululemon (Canada) và House of Sunny (Anh), WSJ cho biết.

Không chỉ vậy, bạn trai của cô, Sean MacKenzie, cũng đã vội vàng ra ngoài mua 3 lốc bia, chất đầy trong tủ lạnh để chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới.

“Tôi biết thứ gì dễ bị tăng giá và thứ gì tôi muốn nên tôi quyết định mua luôn bây giờ”, Roach giải thích.

Tại New York, Noel Peguero, một người đàn ông 50 tuổi, cũng không nằm ngoài xu hướng này. Ngay trong đêm 2/4, khi thông tin thuế quan mới được công bố, ông đã chi 3.000 USD để mua sắm từ thiết bị điện tử, phụ tùng ôtô đến đồ gia dụng.

Để săn được chiếc TV Hisense 40 inch giá 217 USD, Peguero phải chạy qua 3 cửa hàng khác nhau vì hàng hóa liên tục “cháy hàng”.

“Bây giờ là lúc phải mua, trước khi giá tăng vọt,” ông nói.

 Noel Peguero nhanh chóng sắm một chiếc tivi mới sau khi thông tin về thuế quan của ông Trump được công bố. Ảnh: WSJ.

Noel Peguero nhanh chóng sắm một chiếc tivi mới sau khi thông tin về thuế quan của ông Trump được công bố. Ảnh: WSJ.

Lý do khiến nhiều người Mỹ vội vàng mua sắm không chỉ đơn giản là muốn sở hữu các mặt hàng tiêu dùng mới mà còn vì lo ngại về tình trạng giá cả tăng cao sau khi các mức thuế nhập khẩu mới được áp dụng.

Kể từ tháng trước, khi các thông báo về thuế quan của ông Trump bắt đầu xuất hiện, người dân Mỹ đã cảm thấy bất an về việc lạm phát có thể tăng mạnh. Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan vào tháng 3 cho thấy người Mỹ lo ngại về khả năng tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng, khiến họ phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Trên mạng xã hội, tỷ phú Mark Cuban cũng góp phần khuấy động làn sóng mua sắm khi lên tiếng kêu gọi người dân hành động ngay lập tức.

Ông khuyên mọi người nên tranh thủ mua và dự trữ các sản phẩm thiết yếu như kem đánh răng, xà phòng, hay đồ gia dụng trước khi giá cả leo thang.

“Hãy mua tất cả những gì có thể cất trữ trước khi siêu thị bổ sung hàng tồn kho với giá mới. Đừng chần chừ”, Cuban nhấn mạnh trong một bài viết được trích dẫn trên Forbes.

Cùng với đó, thị trường ôtô cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong nhu cầu thuê xe. Rob Blackwell và vợ ông, sống tại Arlington, Virginia, là một ví dụ điển hình.

Sau khi nghe tin về thuế quan mới, họ đã quyết định thay xe, nhưng thay vì mua xe, họ lựa chọn thuê xe do mức thuế nhập khẩu có thể làm tăng giá xe hơi.

"Chúng tôi đã theo dõi tình hình thuế quan và nhận thấy rằng mức thuế sẽ ảnh hưởng đến giá ôtô. Vì vậy, chúng tôi quyết định thuê xe thay vì mua", Rob chia sẻ.

Tác động từ tiêu dùng đến kinh tế vĩ mô

Tác động của các biện pháp thuế quan này không chỉ thể hiện ở việc người dân Mỹ vội vã mua sắm, mà còn phản ánh một dự báo rộng lớn về sự gia tăng lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế, trong đó có Paul Donovan, chuyên gia kinh tế trưởng của UBS Global Wealth Management, cho rằng thuế quan sẽ tác động ngay từ đầu chuỗi cung ứng và làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng. Mỗi lần thuế quan tăng 10% sẽ dẫn đến giá tiêu dùng tăng khoảng 4%.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị trước bằng cách tích trữ hàng hóa để giảm thiểu tác động của thuế quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động của việc tăng thuế sẽ không thể tránh khỏi và sẽ được phản ánh trong giá cả nhanh chóng.

Các nhà bán lẻ hiện có tỷ lệ tồn kho thấp hơn so với năm 2018, vì vậy, khi giá cả trong chuỗi cung ứng tăng lên, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu ngay sự thay đổi này.

Một số ước tính từ Giáo sư Niven Winchester tại Đại học Kỹ thuật Auckland (New Zealand) chỉ ra rằng nếu các đối tác thương mại của Mỹ đáp trả mạnh mẽ, mỗi gia đình Mỹ có thể phải chi thêm khoảng 3.487 USD. Tuy nhiên, nếu Mỹ có những nhượng bộ, con số này có thể giảm xuống còn 1.188 USD.

 Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định các mức thuế mới của Tổng thống Trump có thể đẩy lạm phát leo thang. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định các mức thuế mới của Tổng thống Trump có thể đẩy lạm phát leo thang. Ảnh: Reuters.

Reuters đưa tin Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, cũng đã đưa ra nhận định về tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ và lạm phát.

Ông cảnh báo rằng dù có thể chỉ tăng lạm phát tạm thời, tác động này có thể kéo dài hơn dự đoán. Fed sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá tình hình trước khi có những động thái can thiệp cần thiết.

Trước những biến động của thị trường sau khi lệnh thuế được công bố, tập đoàn tài chính Nomura dự báo Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 12, đưa mức lãi suất điều hành về 4,125%, sau đó tiếp tục hạ thêm hai lần nữa với 25 điểm cơ bản mỗi lần trong quý I/2026.

Đồng thời, Nomura cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống còn 0,6% (so với 1,5% trước đó) và nâng dự báo lạm phát lõi PCE - thước đo lạm phát ưu tiên của Fed - lên 4,7% từ mức 3,5%.

Như vậy, tính toán của các chuyên gia cho thấy rằng, dù các doanh nghiệp có tích trữ hàng hóa trước khi thuế quan có hiệu lực, giá cả sẽ không thể giữ ổn định lâu dài. Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ trong chi tiêu và tiêu dùng hàng ngày khi các mức thuế quan mới bắt đầu có tác động.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-my-do-xo-di-mua-sam-truoc-khi-thue-tang-post1543906.html
Zalo