Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Sau 15 năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa sản xuất trong nước không còn ở thế yếu so với hàng ngoại như trước, nhận thức của người tiêu dùng đã có sự thay đổi, tỷ lệ người dân chọn dùng hàng Việt tăng đáng kể. Kết quả này có sự góp phần quan trọng của công tác tuyên truyền vận động và nhiều chương trình hoạt động thiết thực được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.

Hàng Việt tại siêu thị Go! (thành phố Nam Định) chiếm tỷ lệ trên 80%.

Hàng Việt tại siêu thị Go! (thành phố Nam Định) chiếm tỷ lệ trên 80%.

Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-BCĐCVĐ ngày 20/9/2024 chỉ đạo tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu của CVĐ trên địa bàn. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, địa phương căn cứ tình hình cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 18/8/2021 của Ban TVTU và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ trong tình hình mới. Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Hội Nông dân tỉnh tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của tỉnh nhân dịp Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2024-2029. Đồng thời phối hợp với Sở NN và PTNT, Cục Quản lý thị trường tổ chức 2 hội nghị chuyên đề về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cho người dân huyện Ý Yên và thành phố Nam Định.

Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh vận động các doanh nghiệp, các siêu thị, trung tâm thương mại - dịch vụ trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chương trình bình ổn thị trường, giới thiệu các sản phẩm OCOP của các địa phương. Gắn kết việc tuyên truyền dùng hàng Việt với các chương trình như: Tháng hành động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các chương trình hội chợ triển lãm bằng các hình thức treo băng rôn, cờ phướn tại các Hội chợ thương mại, chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh. Sở cũng tiến hành triển khai treo băng rôn tại cổng cơ quan; hỗ trợ nhắn tin SMS Brandname miễn phí với nội dung “Sở Công Thương Nam Định: Chào mừng ngày Thương hiệu quốc gia Việt Nam (20/4), “Người Việt Nam tôn vinh thương hiệu Việt và tự hào sử dụng hàng hóa Việt” tới các thuê bao mạng viễn thông Viettel trên địa bàn tỉnh; đăng banner và Thư chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Công Thương trên website của Sở (http://socongthuongnamdinh.gov.vn/)... Sở NN và PTNT phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về CVĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên website của Sở và trang tin điện tử của các đơn vị trực thuộc. Năm 2024, đã tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại và Phiên chợ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP; thiết kế, in ấn 50 khung treo quảng cáo, 30 băng rôn tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền các nội dung CVĐ tại 21 hội nghị tập huấn chuyên môn cho 2.240 lượt người tham dự.

Cùng với công tác tuyên truyền, các sở, ngành, địa phương đã cụ thể hóa tinh thần CVĐ vào hoạt động khuyến công, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm thúc đẩy sản xuất phát triển; xây dựng sản phẩm OCOP và xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển kênh tiêu thụ hàng Việt. Trong năm 2024, toàn tỉnh triển khai 17 chương trình khuyến công địa phương xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; xây dựng được 459 cánh đồng lớn với diện tích 21.037ha; duy trì hoạt động và nhân rộng 42 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; công nhận 494 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đây là những kết quả cụ thể từ việc tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trong tỉnh; đồng thời là tiền đề để thúc đẩy người Việt tiêu dùng hàng Việt. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chú trọng sử dụng hàng Việt Nam trong việc đầu tư mua sắm trang bị công sở và tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên nhiệt tình tham gia hưởng ứng CVĐ và ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong sản xuất và sinh hoạt. Phối hợp lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ ổn định thị trường và tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Công tác tuyên truyền đã thẩm thấu đến từng người dân, làm chuyển biến nhận thức, từ đó có cách nhìn nhận đúng đắn về tiềm năng phát triển kinh tế trong nước trước xu thế phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời khơi dậy được ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; tiếp cận được với các thương hiệu Việt, có đủ thông tin so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại chiếm tỷ lệ trên 80% và tại các chợ truyền thống từ 60% trở lên. CVĐ khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hợp lý đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng từ đó nâng cao nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt của người Việt Nam.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202501/day-manh-tuyen-truyen-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-0fc2297/
Zalo