Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT trong các nhà trường

Chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về ATGT, giúp học sinh nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Theo thống kê năm 2023, có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương và trong số đó có gần 1.500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông. [1]

Thực trạng này đã đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 4857/BGDĐT-GDCTHSSV về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên năm học 2024-2025.

Cụ thể, đối với công tác giáo dục an toàn giao thông: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; Thực hiện hiệu quả các Chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục.

Giúp học sinh nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trương Thị Quý Hoa - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông tại nhà trường đóng vai trò quan trọng, là một hoạt động thiết thực, đã mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục của nhà trường.

Theo cô Hoa, hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông giúp học sinh hiểu rõ về các quy định của pháp luật, từ đó, hình thành ý thức tự giác chấp hành luật khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về luật giao thông, các báo hiệu đường bộ, cách nhận biết và phòng ngừa, xử lý các tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông.

“Hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông ngoài việc cung cấp cho học sinh những kiến thức về pháp luật, kỹ năng khi tham gia giao thông còn góp phần hình thành, xây dựng văn hóa giao thông; tạo nên một thế hệ học sinh có văn hóa giao thông, biết tôn trọng luật pháp, bảo vệ tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Học sinh là những tuyên truyền viên nhỏ tuổi, thông qua các trải nghiệm, hoạt động của mình, chính các em sẽ là người giúp lan tỏa thông điệp về an toàn giao thông đến gia đình và cộng đồng.

Tôi cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông tại nhà trường là một hoạt động rất cần thiết, đóng vai trò quan trọng. Để hoạt động này đạt được hiệu quả tốt hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng”, cô Hoa cho biết.

 Cô Trương Thị Quý Hoa - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Trương Thị Quý Hoa - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Chia sẻ thêm, nữ hiệu trưởng cho hay, để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển đã thực hiện tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng:

Tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm với khách mời là các chuyên gia, cảnh sát giao thông để chia sẻ kiến thức về luật giao thông, nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông, đồng thời phổ biến cho học sinh những kỹ năng để tham gia giao thông an toàn.

Phát động các cuộc thi vẽ tranh, viết bài tuyên truyền về an toàn giao thông, tổ chức các trò chơi mô phỏng tình huống giao thông giúp học sinh ghi nhớ kiến thức một cách sinh động và hứng thú.

Tích hợp nội dung giáo dục về an toàn giao thông vào các bài học, giúp học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông và rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

Vận động học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông ngoài cộng đồng, giúp học sinh trở thành những tuyên truyền viên nhỏ tuổi, lan tỏa thông điệp về an toàn giao thông đến mọi người.

Sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như: Website, Facebook,… của nhà trường để đăng tải thông tin, hình ảnh tuyên truyền về an toàn giao thông, tạo ra các diễn đàn để học sinh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Phối hợp với gia đình thông qua việc tổ chức các buổi họp phụ huynh, thông báo về các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông của nhà trường, đồng thời khuyến khích phụ huynh cùng tham gia giáo dục con em về an toàn giao thông.

 Thông điệp tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại cổng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển. Ảnh: NTCC.

Thông điệp tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại cổng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển. Ảnh: NTCC.

Thầy Nguyễn Mậu Minh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (Long Biên, Hà Nội) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên về công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, nhà trường triển khai hoạt động tuyên truyền theo kế hoạch. Hằng năm, Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự đều phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông - Công an quận Long Biên tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho học sinh về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đồng thời, thực hiện cho học sinh ký cam kết đầu năm về an toàn giao thông, nhắc nhở các nội quy khi tham gia giao thông.

Theo thầy Minh, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông là hoạt động có vai trò đặc biệt quan trọng đối với học sinh, giúp học sinh hiểu biết về các quy định, kỹ năng khi tham gia giao thông.

Cần đa dạng hóa hình thức, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên

Theo cô Trương Thị Quý Hoa, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển đã đưa ra nhiều biện pháp và quy định cụ thể để đảm bảo học sinh nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông.

“Nhà trường có nội quy riêng và quy định rõ ràng về việc tham gia giao thông của học sinh, bao gồm: đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh vượt ẩu, không chở quá số người quy định, tuân thủ tín hiệu giao thông,...

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định của học sinh; thành lập đội “Xung kích an toàn giao thông” để học sinh hiểu rõ và thực hiện tham gia giao thông theo quy định; tổ chức các cuộc thi về an toàn giao thông để tạo không khí thi đua, khuyến khích học sinh tích cực tham gia; phối hợp cùng gia đình trong việc giám sát học sinh khi tham gia giao thông”, nữ hiệu trưởng thông tin thêm.

Đánh giá về hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông tại nhà trường, cô Hoa chia sẻ, học sinh nhà trường đã có hiểu biết sâu sắc hơn về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các quy định và tầm quan trọng của việc chấp hành luật. Từ đó, nhiều học sinh đã thay đổi hành vi khi tham gia giao thông như: đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh vượt ẩu, đi đúng làn đường,...; góp phần hình thành văn hóa giao thông trong học đường; giảm thiểu tai nạn giao thông.

 Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) phối hợp với Công an huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh: NTCC.

Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) phối hợp với Công an huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh: NTCC.

Đối với học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông, Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển đưa ra các phương hướng xử lý và giáo dục tùy theo mức độ vi phạm. Cụ thể: nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo và phối hợp với cha mẹ học sinh giáo dục con em; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định.

Ngoài ra, sau khi xử lý vi phạm, nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện để giúp học sinh hiểu rõ hậu quả của việc vi phạm quy định và rút kinh nghiệm.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, cô Hoa cho hay, các hoạt động tuyên truyền thường mang tính thời điểm, do vậy, chưa tạo thành thói quen cho học sinh trong việc chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh còn khó khăn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển nêu một số giải pháp: lập kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng năm học, từng giai đoạn, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục của các hoạt động; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trò chơi, sân khấu hóa, sử dụng công nghệ thông tin để thu hút học sinh; thường xuyên chia sẻ thông tin về an toàn giao thông và đề nghị phụ huynh cùng tham gia giáo dục con em.

Thầy Huỳnh Thiện Chiến Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, nhà trường đã phối hợp với Công an huyện Châu Đức tổ chức buổi ngoại khóa, phổ biến cho học sinh; thường xuyên quán triệt, đồng thời cho học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông.

Tuy nhiên, thầy Thắng cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình thực hiện, đó là có tình trạng một số học sinh chưa đủ tuổi nhưng điều khiển xe máy đi học và gửi xe ở khu vực gần cổng trường, điều này gây ra những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông.

Để giải quyết tình trạng đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, thầy Thắng cho biết, nhà trường đã và đang tích cực phối hợp với công an địa phương để phát hiện, ngăn chặn và xử lý học sinh vi phạm.

 Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tặng mũ bảo hiểm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong Lễ ra mắt "Mô hình cổng trường an toàn giao thông". Ảnh: NTCC.

Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tặng mũ bảo hiểm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong Lễ ra mắt "Mô hình cổng trường an toàn giao thông". Ảnh: NTCC.

Đưa ra đề xuất nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông tại nhà trường, cô Trương Thị Quý Hoa - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển chia sẻ: “Việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông tại nhà trường là một vấn đề rất quan trọng.

Để thực hiện được mục tiêu đó, theo tôi, cần phải đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; xây dựng môi trường học đường an toàn, đội ngũ tuyên truyền viên; thường xuyên đánh giá hiệu quả và điều chỉnh kế hoạch. Ngoài ra, cần có cơ chế khen thưởng, kỷ luật trong công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông”.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9234

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/day-manh-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-ve-atgt-trong-cac-nha-truong-post245688.gd
Zalo