Đẩy mạnh tín dụng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững

Để dòng vốn tín dụng thực sự trở thành động lực cho chuyển đổi xanh, NHNN Chi nhánh Khu vực 9 sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngân hàng xanh. Đồng thời, đề ra các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, từ đó gia tăng tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ.

Bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thời gian qua, NHNN Chi nhánh Khu vực 9 đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi; các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các đối tượng chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ NHNN, các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm tín dụng xanh. Điển hình như: BIDV hiện đang triển khai gói tín dụng lãi suất ưu đãi trung và dài hạn cho các dự án công trình xanh; gói tín dụng xanh cho vay khoa học công nghệ phục vụ nhu cầu đời sống từ sản phẩm xanh, sản xuất kinh doanh xanh, sản xuất kinh doanh các ngành đáp ứng điều kiện về trồng trọt, chăn nuôi VietGAP... với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với mặt bằng lãi suất hiện hành. Agribank triển khai chương trình cho vay khoa học công nghệ đối với sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực xanh với lãi suất thấp hơn 1,0%/năm so với thông thường. Vietcombank (VCB) triển khai chương trình cho vay sản xuất kinh doanh ưu đãi cho khách hàng SME và cá nhân theo tiêu chuẩn xanh với quy mô 10.000 tỷ đồng. ACB triển khai chương trình “Đẩy tín dụng xanh – Bật nhanh tăng trưởng” dành cho khách hàng doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các dự án xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tính đến cuối tháng 3/2025, đã có 30 chi nhánh TCTD trên địa bàn Khu vực 9 phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt khoảng 10.482 tỷ đồng, chiếm gần 2% tổng dư nợ, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 35,51%). Dư nợ tín dụng xanh của Quảng Nam chiếm 60% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn khu vực. Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn bình quân dao động từ 4 – 7%/năm, trung và dài hạn từ 9 – 11%/năm. Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng ưu đãi được áp dụng mức lãi suất dưới 4%/năm. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, ứng dụng chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh.

 Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 9

Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 9

Ngoài ra, NHNN Chi nhánh Khu vực 9 cũng thường xuyên đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi hơn cho cả TCTD và khách hàng trong việc tiếp cận vốn phục vụ cho các lĩnh vực xanh, chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, so với nhu cầu tài chính rất lớn, quy mô tín dụng xanh trên địa bàn vẫn còn khá khiêm tốn. Điều này cho thấy việc triển khai thực tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức:

Thứ nhất, việc đầu tư vào một số lĩnh vực xanh, nhất là năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công trình xanh... thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD chủ yếu là vốn huy động ngắn hạn.

Thứ hai, Chính phủ chưa ban hành Danh mục phân loại xanh nên chưa có cơ sở đầy đủ để thống kê, theo dõi nguồn lực mà các TCTD cung cấp cho nền kinh tế một cách toàn diện.

Thứ ba, hiện nay khái niệm tín dụng xanh vẫn chủ yếu được hiểu là tài trợ cho các dự án, hoạt động có lợi cho môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, các khoản tín dụng cấp cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh doanh không thân thiện với môi trường sang mô hình thân thiện với môi trường cũng nên được coi là một phần của tín dụng xanh hoặc cần có chính sách tín dụng ưu đãi riêng. Đây là yếu tố cốt lõi nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng bền vững.

Thứ tư, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ ngân hàng trong việc thẩm định rủi ro môi trường, quản lý tín dụng đối với các dự án xanh, phát triển bền vững vẫn cần thời gian và nguồn lực đáng kể.

Thứ năm, nhiều doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ – vẫn chưa hiểu rõ lợi ích của tín dụng xanh hoặc thiếu thông tin về các chính sách ưu đãi. Ý thức bảo vệ môi trường còn hạn chế, dẫn đến rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng và phát sinh nợ xấu.

Trong thời gian tới, để dòng vốn tín dụng thực sự trở thành động lực cho chuyển đổi xanh, NHNN Chi nhánh Khu vực 9 sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngân hàng xanh. Đồng thời, đề ra các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, từ đó gia tăng tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ – đặc biệt là đối với các đối tượng thuộc Danh mục phân loại xanh. Tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xanh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thân thiện môi trường. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về tín dụng xanh, chuyển đổi xanh và ứng dụng công nghệ số để quản lý, giám sát khoản vay xanh một cách minh bạch, hiệu quả. Cuối cùng, cần chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ, nhân viên ngân hàng về tín dụng xanh – một hướng đi tất yếu trong xu thế phát triển bền vững.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/day-manh-tin-dung-xanh-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-163953.html
Zalo